• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ảnh hưởng của Ấn Độ trong xu hướng đầu tư nước ngoài của Mỹ ở châu Á

Thế giới 21/10/2021 14:53

(Tổ Quốc) - Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây đã công bố báo cáo về xu hướng đầu tư năm 2021, trong đó đưa ra một số định hướng về chính sách đầu tư của Mỹ đối với châu Á, điển hình là Ấn Độ.

Theo thời báo châu Á (Asia Times), Mỹ tiếp tục tăng cường đầu tư vào các quốc gia châu Á nhưng lại tỏ ra "dè chừng" hơn với thị trường Ấn Độ trong thời điểm gấn đây.

Ảnh hưởng của Ấn Độ trong xu hướng đầu tư nước ngoài của Mỹ ở châu Á - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: AFP

Theo Báo cáo, Mỹ tiếp tục khuyến khích Ấn Độ xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn và đáng tin cậy bằng việc nới lỏng các rào cản cũng như giảm thiểu các trở ngại quan liêu cho doanh nghiệp. Báo cáo cũng bày tỏ sự ủng hộ các nỗ lực của Chính phủ Ấn Độ đối với chính sách cải cách đầy tham vọng hậu Covid-19, trong đó có bộ luật lao động mới và cải cách nông nghiệp. Chương trình cải cách sẽ giúp Ấn Độ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và hoạt động tại các khu vực tư nhân mới.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho rằng một số biện pháp bảo hộ mới của Ấn Độ hiện không phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Và chính điều đó khiến các nhà đầu tư của Mỹ gần đây đã hạn chế mở rộng thương mại song phương với quốc gia này.

"Ấn Độ hiện được đánh giá là thị trường vẫn tồn tại rủi ro cho dù tích cực thu hút đầu tư nước ngoài", báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế Ấn Độ không đồng tình với tuyên bố này trong báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ. Giáo sư Arun Kumar, Viện Khoa học Xã hội và từng là giáo sư kinh tế Đại học Jawaharlal Nehru cho rằng, báo cáo tập trung vào lợi ích Mỹ nhưng chưa nêu rõ tác động của chính sách hiện tại đối với đầu tư tổng thể ở Ấn Độ.

Ông nhận định, trước khi dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế Ấn Độ, các vấn đề liên quan đến kinh tế đã bị ảnh hưởng khi nước này chứng kiến tăng trưởng chậm lại trong 8 quý liên tiếp, lý do là vì vấn đề bất bình đẳng ngày càng tăng, tỷ lệ đầu tư giảm...

"Đầu tư nước ngoài không phải là giải pháp cho vấn đề nêu trên", ông nói.

Theo ông Kumar , Chính phủ Ấn Độ đã thực hiện các chương trình phúc lợi xã hội, kích thích kinh tế sâu rộng, tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng và sức khỏe cộng đồng để đối phó với thách thức kinh tế do Covid-19 gây ra sau thời gian dài phong tỏa đất nước.

"Chính phủ cũng áp dụng các sáng kiến khuyến khích liên kết sản xuất nhằm tăng cường sản xuất dược phẩm, ô tô, dệt may, điện tử và các lĩnh vực khác. Các biện pháp này đã giúp Ấn Độ hồi phục tăng trưởng đáng kể trong thời điểm từ tháng 4/2020 đến 3/2021", ông Kumar nhấn mạnh.

Khai thác hiệu quả thị trường trong nước

Ông Rajesh Kothari, cựu phó Hiệu trưởng Đại học ICFAI ở Jaipur cho biết, Ấn Độ đã tăng trưởng đáng kể từ khi hứng chịu làn sóng dịch bệnh thứ hai khiến nước này trở thành tâm chấn của đại dịch vào tháng 4 và tháng 5 năm nay.

"Dữ liệu vĩ mô cho thấy quốc gia này đã duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng và Chính phủ đang hướng tới xây dựng môi trường kinh tế thuận lợi thông qua các chính sách khác nhau, bao gồm: ngân hàng, bảo hiểm, hàng không, quốc phòng và cơ sở hạ tầng. Đây là tín hiệu tích cực cho tăng trưởng FDI của Ấn Độ", ông nói.

Cũng theo ông Rajesh Kothari, Ấn Độ có thể là điểm đến đầu tư ưa thích của các tập đoàn đa quốc gia và các công ty xuyên quốc gia vào thời gian tới. Tuy nhiên, Delhi dường như đang bỏ lỡ cơ hội này vì đại dịch. Mỹ và một số quốc gia khác vẫn "lưỡng lự" trong việc chưa lựa chọn Ấn Độ là điểm đầu tư chính thức sau khi một số doanh nghiệp rời Trung Quốc sau căng thẳng leo thang.

"Nguồn nhân lực được đánh giá chưa đủ năng lực để phát huy hiệu quả tốt cho dù Ấn Độ đã vận hành chương trình "Skill India"nhằm thu hút các ngành công nghiệp từ nước ngoài", ông Kothari nhấn mạnh.

Ấn Độ từ lâu đã cố gắng tận dụng căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Trước đó, một số tín hiệu cho thấy Ấn Độ đã tăng cường hình thành chương trình thu hút các nhà đầu tư nước ngoài muốn chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. FDI là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Ấn Độ.  Kể từ khi Chính phủ của Thủ tướng Narendre Modi lên nắm quyền, dòng vốn FDI vào Ấn Độ đã ghi nhận bước tăng trưởng đáng kể. Các lĩnh vực quan trọng thu hút lượng lớn FDI bao gồm dịch vụ, phần mềm và phần cứng máy tính, viễn thông, thương mại, phát triển xây dựng, ô tô, hóa chất và dược phẩm.

Theo ông Gaur - Giáo sư tại một trường đại học học tư thục - cho hay, dù coi trọng đầu tư nước ngoài nhưng Ấn Độ vẫn duy trì đảm bảo "Made in India" (sản xuất tại Ấn Độ) hay "Make Local, Go Global" (sản xuất trong nước, vươn ra toàn cầu) trong giai đoạn hiện tại.

"Để có thể giái cứu nền kinh tế trong nước, các biện pháp bảo hộ mới tại Ấn độ đóng vai trò quan trọng. Quốc gia này là một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất trên thế giới. Vì vậy, các doanh nghiệp địa phương có thể khai thác hiệu quả thị trường trong nước", ông Gaur nhấn mạnh./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ