(Tổ Quốc) - Trước sự ảnh hưởng của dịch COVID-19, số lượng khách đến ĐBSCL giảm. Hiện các tỉnh vừa lo chống dịch, vừa chuẩn bị nhiều giải pháp kích cầu du lịch trong thời gian tới…
- 18.02.2020 Hơn 12 triệu lượt khách đến với cụm du lịch phía Đông ĐBSCL
- 24.10.2019 Khu Di tích Xẻo Quít được công nhận điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL
- 27.03.2018 Ký kết triển khai dự án “Phát triển du lịch ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu”
- 26.12.2016 Năm Du lịch quốc gia 2016 – Phú Quốc – ĐBSCL chính thức khép lại
- 22.11.2016 ĐBSCL: Phát triển 5 khu du lịch quốc gia
Thời gian gần đây, du lịch tại ĐBSCL có bước phát triển vượt bậc về số lượng du khách lẫn doanh thu, đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, trước sự ảnh hưởng của dịch COVID-19, số lượng khách đến ĐBSCL giảm. Hiện các tỉnh vừa lo chống dịch, vừa chuẩn bị nhiều giải pháp kích cầu du lịch trong thời gian tới…
►Lượng khách giảm…
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) TP Cần Thơ, những năm qua, ngành du lịch Cần Thơ phát triển tốt. Trong đó, năm 2019 đón hơn 8,86 triệu lượt khách, tăng 4,6% so với cùng kỳ, tổng doanh thu từ du lịch hơn 4.435 tỉ đồng, tăng 17%. Riêng dịp Tết Canh Tý 2020, nhờ tổ chức nhiều chương trình vui xuân phong phú, hấp dẫn nên Cần Thơ thu hút khoảng 813.060 lượt khách đến tham quan, du lịch, tăng 4,5%.
Gần đây do ảnh hưởng dịch COVID-19, số lượng du khách trong và ngoài nước đến Cần Thơ giảm. Theo Sở V-TTDL TP Cần Thơ, các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn cho biết, tháng 2 và tháng 3-2020, nhiều du khách đã hủy tour đến Cần Thơ. Ngược lại, khách từ Cần Thơ cũng hủy một số tour đi du lịch trong và ngoài nước, bởi lo ngại dịch bệnh, hạn chế tới chỗ đông người.
Cùng trong tình trạng như vậy, Giám đốc Khu du lịch cáp treo Núi Cấm, tỉnh An Giang, bộc bạch: "Nhờ đầu tư thêm nhiều công trình vui chơi, giải trí đa dạng... nên dịp Tết Canh Tý 2020, khu du lịch Núi Cấm khá đông du khách, ước khoảng 100.000 lượt. Thế nhưng, từ khi xảy ra dịch COVID-19, số lượng du khách tới đây giảm nhiều, ước 30-40%; mặc dù khu du lịch đã thực hiện các giải pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế".
Đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) là nơi thu hút du khách mạnh nhất ở ĐBSCL hiện nay, nhất là khách quốc tế. Chỉ riêng dịp Tết Canh Tý 2020, hơn 108.000 lượt du khách đến đảo Phú Quốc, tăng 2,3%; trong đó khách quốc tế gần 24.000 lượt, tăng hơn 43% so cùng kỳ. Vậy mà bây giờ, du khách khá thưa thớt. Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang nhìn nhận, Kiên Giang được xem là một trong những địa phương mạnh về du lịch ở ĐBSCL, nhất là thu hút du khách quốc tế, khoảng 710.000 lượt mỗi năm. Song hiện tại nhiều khu du lịch rơi vào cảnh khó khăn, bởi ảnh hưởng dịch COVID-19. Nếu như tháng 2-2019, hơn 846.000 lượt du khách đến Kiên Giang thì tháng 2-2020 này, chắc chắn du khách sẽ giảm, đặc biệt là khách quốc tế.
Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Đồng Tháp, cho biết, đang chỉ đạo các đơn vị du lịch, doanh nghiệp lữ hành, các khu du lịch, hệ thống nhà hàng, khách sạn… thống kê bước đầu về tình hình du khách đến tham quan, lưu trú. Song, qua ước lượng thì khả năng giảm khoảng 50% lượng khách đến; trong đó, khách lưu trú giảm nhiều hơn. Đây là ảnh hưởng chung và đã được dự báo trước...
►Kích cầu để thu hút khách
Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh An Giang cho hay mấy ngày qua các khu du lịch, khu danh lam thắng cảnh… trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì hoạt động bình thường. Tất cả phải tuân thủ quy định về phòng chống dịch theo đúng hướng dẫn của ngành y tế; đồng thời tăng cường vệ sinh, phun hóa chất phòng ngừa nhằm đảm bảo an toàn cho khách tham quan.
Theo ông Ngô Quang Tuyên, sau thời gian đầu tư quyết liệt cho ngành du lịch, những năm qua du lịch của Đồng Tháp nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung đã cải thiện rất nhiều. Hiện nay, du lịch ĐBSCL cũng như nhiều vùng khác đang gặp khó khăn chung bởi tác động của dịch COVID-19. Đồng tình với quan điểm này, lãnh đạo Sở VHTTDL TP Cần Thơ cho rằng, đang cho kiểm tra để có đánh giá về những tác động của dịch COVID-19 đối với ngành du lịch, từ đó đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp nhất. Bên cạnh đó, tính toán phối hợp với ngành y tế nhằm chuẩn bị đợt tổng vệ sinh môi trường ở các khu du lịch, đảm bảo các điểm đến an toàn cho du khách. Ngoài ra, sẽ bàn bạc với các doanh nghiệp lữ hành, khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ… về chương trình kích cầu du lịch một cách tổng thể như giảm giá, tăng thêm những dịch vụ mới, sản phẩm mới hấp dẫn, nhằm hút nhiều du khách trong nước và quốc tế đến với các điểm tham quan khi tình hình dịch đã ổn. Đây là vấn đề quan trọng, cần sự liên kết của nhiều tỉnh trong vùng, cũng như các đơn vị du lịch… nhằm tạo ra sức mạnh tổng thể để thúc đẩy du lịch ĐBSCL phát triển, bù đắp vào sự sụt giảm trong thời điểm ảnh hưởng dịch COVID-19.
Một trong những hạn chế của du lịch ĐBSCL là số ngày lưu trú của du khách còn thấp, bình quân chỉ khoảng 1,5 ngày. Nguyên nhân do cơ sở vật chất kỹ thuật có cải thiện nhưng chưa đồng bộ, thiếu những nhà hàng, khách sạn đạt tiêu chuẩn, thiếu các khu vui chơi tầm cỡ, trung tâm dịch vụ xứng tầm; sản phẩm du lịch nhiều nơi còn trùng lắp khiến du khách dễ nhàm chán… Khắc phục việc này, ngành du lịch cần mạnh dạn thay đổi cách nghĩ cách làm, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn để thu hút khách đến và giữ chân khách lâu hơn. Một trong những giải pháp là phát triển đa dạng mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, bản địa, trải nghiệm… để du khách có điều kiện khám phá những đặc sắc của vùng ĐBSCL, từ đó kéo khách ở lại dài ngày hơn.
Cần Thơ tìm giải pháp vực dậy du lịch
Mặc dù được xác định là vùng an toàn, nhưng du lịch Cần Thơ cũng chịu ảnh hưởng và thiệt hại đáng kể bởi dịch COVID-19 qua những số liệu cho thấy sự sụt giảm lượng khách và doanh thu. Đối mặt với nhiều thách thức, ngành chức năng Cần Thơ đang tìm giải pháp kích cầu du lịch, thu hút du khách.
Hệ lụy dịch COVID-19
Dịch COVID-19 bùng phát ảnh hưởng nghiêm trọng nền kinh tế nhiều nước, đặc biệt là ngành du lịch và dịch vụ ở châu Á. Riêng tại Cần Thơ, theo số liệu từ Sở VHTTDL thành phố, trong 2 tháng đầu năm 2020, địa phương chỉ đón gần 1,13 triệu lượt khách, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm 2019. Các đơn vị lưu trú chỉ phục vụ khoảng 336.795 lượt, giảm 31,8% so với cùng kỳ. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất có lẽ là các đơn vị lữ hành khi mức đón khách và đưa đi (nội địa lẫn quốc tế) đều giảm trung bình từ 30-50%. Tổng doanh thu từ du lịch của Cần Thơ trong 2 tháng đầu năm, chỉ đạt khoảng 643 tỉ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019.
Ngay khi dịch bệnh được công bố, ngành du lịch thành phố đã nhanh chóng phối hợp với các đơn vị hữu quan để tuyên truyền, nhắc nhở các doanh nghiệp lữ hành, điểm vườn và khách sạn chú ý đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; theo dõi và kiểm soát chặt chẽ tình hình khách, nhất là khách quốc tế. Cho đến nay, đã có hàng chục công văn, thông báo hướng dẫn và các cuộc kiểm tra về phòng, chống dịch bệnh ở các đơn vị hoạt động du lịch.
Ngày 20-2, ngành du lịch Cần Thơ cũng đã gửi thông điệp đến du khách, khẳng định Cần Thơ hiện vẫn là điểm đến "An toàn - Thân thiện - Chất lượng". Thư của ngành du lịch thành phố nhấn mạnh, điều kiện thời tiết nắng nóng của miền Tây, cảnh quan môi trường thông thoáng, dịch bệnh đã và đang được kiểm soát chặt chẽ. Hiện tất cả các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ đạt chuẩn phục vụ du khách, các di tích văn hóa - lịch sử, điểm vui chơi giải trí tại Cần Thơ vẫn đón khách bình thường.
Xây dựng nhiều giải pháp và hành động
Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc là ba thị trường lớn có ảnh hưởng đến du lịch Việt Nam. Đây cũng là các quốc gia đang có dịch bệnh diễn biến khó lường. Lãnh đạo Sở VHTTDL TP Cần Thơ, cho biết: Khách Trung Quốc đến Cần Thơ không nhiều, trong cơ cấu về thị trường khách chỉ chiếm hơn 3%. Thị trường khách quốc tế chính ở Cần Thơ thuộc về các quốc gia châu Âu, như Pháp, Anh, Đức… Riêng Nhật Bản, Hàn Quốc đến Cần Thơ phần lớn là khách công vụ. Đáng lưu tâm là Cần Thơ có đường bay trực tiếp kết nối đến Hàn Quốc đang hoạt động. Việc kiểm soát khách ở Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ khá chặt chẽ và Cần Thơ vẫn được xác định là vùng du lịch an toàn.
Theo dự báo từ các đơn vị lữ hành, hoạt động du lịch tại Cần Thơ và ĐBSCL có thể bắt nhịp trở lại từ tháng 5. Do đó, ngành du lịch thành phố cũng đang bàn các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, kích cầu du lịch trong thời gian tới. Ông Vưu Chấn Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, đưa ra đề xuất: "Hiệp hội du lịch Việt Nam cũng vừa ban hành các tiêu chí du lịch an toàn với dịch COVID-19; đồng thời cũng đang xây dựng các chương trình kích cầu về du lịch. Trong đó, liên minh kích cầu ở liên tuyến phía Bắc và Tây Nguyên đã được hình thành. Ở phía Nam, TP Hồ Chí Minh được Tổng cục đề xuất cần kết nối với ĐBSCL để xây dựng chương trình liên minh kích cầu hiệu quả. Riêng Cần Thơ có thể xây dựng chương trình riêng, hoặc liên tuyến kích cầu với các tỉnh, thành lân cận".
Sở VHTTDL thành phố cũng đang xây dựng nhiều kế hoạch và chương trình hành động để đưa du lịch Cần Thơ vượt qua khó khăn, trọng điểm là giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6. Ngành du lịch Cần Thơ hiện tập trung vào hai nội dung, đó là: trấn an du khách, lan tỏa thông điệp, hình ảnh Cần Thơ là điểm đến an toàn; xây dựng chương trình kích cầu du lịch ở thời điểm phù hợp". Theo đó, ở nội dung thứ nhất, ngành du lịch thành phố sẽ dựa trên các tiêu chí du lịch an toàn của Hiệp hội Du lịch Việt Nam để xây dựng hệ thống du lịch an toàn của Cần Thơ (tập trung ở điểm đến, doanh nghiệp du lịch, dịch vụ ngủ, nghỉ, lưu trú, vui chơi an toàn, dịch vụ ăn uống, hàng hóa, dịch vụ vận chuyển an toàn), hình thành bản đồ du lịch vùng an toàn. Những điểm này sẽ được thẩm định từ các cơ quan chức năng và có kế hoạch truyền thông quảng bá, lan tỏa thông điệp theo từng giai đoạn. Với chương trình kích cầu du lịch, đơn vị sẽ phối hợp cùng các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến du lịch, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, Hiệp hội Du lịch TP Cần Thơ và những tỉnh, thành nằm trong liên tuyến liên kết để hình thành liên minh kích cầu hiệu quả.
Trước những diễn biến của dịch COVID-19, ngành du lịch Cần Thơ đã có những bước đi cần thiết và thận trọng, phù hợp để từng bước khẳng định Cần Thơ là điểm đến "An toàn - Thân thiện - Chất lượng".
Trao giải Cuộc thi Sáng tác mẫu sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch TP Cần Thơ
Mới đây, Sở VHTTDL TP Cần Thơ trao giải Cuộc thi Sáng tác mẫu sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch TP Cần Thơ.
Cuộc thi được phát động năm 2017, nhằm tìm các sản phẩm thiết kế sáng tạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch đặc trưng của địa phương; đồng thời, tăng cường quảng bá du lịch, hình ảnh về Cần Thơ.
Cuộc thi có 31 tác phẩm dự thi của 9 tác giả và 1 công ty. Qua Hội đồng bình chọn chấm điểm và lấy ý kiến từ công chúng trên các phương tiện thông tin và Cổng thông tin của thành phố, Ban Tổ chức đã chọn trao 2 giải Nhì và 3 giải Ba, không có giải Nhất. Theo đó, tác phẩm: Tranh lá và chợ nổi (Lê Đức Ngọc), Tranh chợ nổi Cái Răng (Triệu Vinh) đồng giải Nhì; các tác phẩm: Giỏ lục bình hoa hồng (Nguyễn Thị Mỹ Dung), Nón lá gạo xay (Nguyễn Hồng Khánh Chi) và Tranh cầu Cần Thơ ban đêm (Nguyễn Thị Mỹ Dung) đồng giải Ba.
Những sản phẩm này sẽ được ngành du lịch địa phương sử dụng trong các hoạt động quảng bá, giới thiệu về Cần Thơ; ngành chức năng cũng sẽ định hướng các cơ sở sản xuất, kinh doanh quà lưu niệm, quà tặng du lịch trên địa bàn thành phố ưu tiên sử dụng các mẫu đạt giải vào sản xuất và kinh doanh, từng bước làm đa dạng hệ thống quà tặng, lưu niệm của Cần Thơ.