• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Áp lực học tập – điều khiến trẻ không hạnh phúc

Giáo dục 05/08/2018 07:58

(Tổ Quốc) - Học sinh không chỉ áp lực về thành tích, về bài thi và kiểm tra mà việc các em phải học tập trong một thời gian và lượng bài học quá nhiều, dày đặc cũng là điều khiến các em bị áp lực.

Áp lực trong học tập không chỉ là điểm số. Ảnh: Phùng Nguyên.

Áp lực trong học tập không chỉ là điểm số

Thành tích là cái “huy hiệu” mà đứa trẻ nào cũng mong muốn được “đính” lên ba lô như là để khoe và cũng như là để nhắc nhở mỗi ngày đến trường – hãy tiếp tục kiếm thêm mấy cái “huy hiệu” nữa! Ngày còn mẫu giáo thì mong cuối tuần được nhận phiếu bé ngoan.

Lớn thêm tí nữa, những ngày đi học tiểu học thì mong mang điểm 10 về cho cha mẹ, đến nỗi điểm 10 đỏ chót sẽ là món quà vô cùng ý nghĩa em tặng mẹ nhân ngày mùng 8/3 đã đi vào cả những bài văn của tụi nhỏ. Lớn thêm tí nữa, lại lo ôn luyện và thi cử sao cho điểm cao để được vào lớp 10 và trường đại học thật tốt... cứ thế, cứ thế điểm số trở thành cái “huy hiệu” chán ngắt và cũ kỹ mà nhiều đứa trẻ cứ phải lần mò cho bằng được.

Thế nhưng, áp lực học tập không chỉ là điểm số, phía sau những con số vô tri kia có thể là những cuộc chiến tâm lý mà đứa trẻ phải chiến đấu để có được mấy cái “huy hiệu cũ kỹ”. Đó là, tôi cần phải kiếm mấy con số “lớn” để thoả mãn những kì vọng của cha mẹ, của thầy cô. Để cuối năm điểm phẩy của tôi bằng chúng bằng bạn thì phụ huynh đi họp cũng “mát mày mát mặt”.

Cứ thế, cứ thế, cái nguy là đứa trẻ tự động nghĩ rằng nó kiếm điểm cho cha mẹ, kiếm điểm để nó thấy hơn hoặc bằng bạn bè ở cái con số ngang nhau hay cao thấp. Thế là thành ra cái học và cái điểm nó mất đi ý nghĩa, thay vào đó là thoả mãn được cái “sĩ diện hão” của cha mẹ hoặc của chính trẻ và nếu như cái “sĩ diện hão” đó bị vỡ tan nát thì cũng là lúc mà mọi căng thẳng, áp lực đã quá nhiều nhưng hành động lại thất bại, cùng với đó là thái độ chê trách, bị bỏ rơi vì khiến người khác thất vọng/ thậm chí là thất vọng với chính mình thì ắt sẽ dẫn đến suy sụp.

Chia sẻ của N.T về kết quả thi THPT vừa rồi cho chúng tôi thấy, việc em buồn chán không phải vì kết quả thi mà là vì thái độ của người mẹ đối với em và cái “huy hiệu thấp giá” mà em mang về: K thi lần này em đã rất tự tin và mẹ em cũng hy vọng em sẽ được điểm cao, nhưng sau khi so kết quả thì thay vì được 9 điểm Anh như mong đợi, em chỉ được 6, em cũng không thể tin là điểm lại thấp như vậy. Khi nói với mẹ rằng em chỉ được 6 điểm môn Anh, mẹ em tỏ rõ sự thất vọng và nói “mẹ buồn con quá!”. Thấy mẹ nói vậy, em bảo mẹ là em đi ra ngoài chút, mẹ nói “đi đi cho đỡ bực mình!”. Em rất buồn, em thất vọng về mẹ, về chính em.

Một trường hợp đáng để những phụ huynh, những nhà giáo dục và chính người học phải suy ngẫm, cái giá phải trả cho câu chuyện của N.T là một mối quan hệ an toàn bị rạn nứt, niềm tin vào bản thân bị xâm phạm.

Bên cạnh đó, trẻ còn bị nhiều áp lực khác trong học tập, Thạc sĩ Tâm lý Đặng Trang, Viện Nghiên cứu tâm lý, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: Trong nghiên cứu của tôi và đồng nghiệp cho thấy, học sinh không chỉ áp lực về thành tích, về bài thi và kiểm tra mà việc các em phải học tập trong một thời gian và lượng bài học quá nhiều, dày đặc cũng là điều khiến các em bị áp lực. Có những học sinh đã chia sẻ, với lượng kiến thức quá nhiều, bài tập quá nhiều, thời gian học trên lớp đã nhiều lại còn phải đi học thêm khiến các em bị quá sức và thực sự chán nản. Đây như là lời “kêu cứu bất lực” của những đứa trẻ vì chúng thừa hiểu dù mệt mỏi nhưng chúng vẫn phải “chiến đấu” tiếp.

Giảm áp lực học tập, để con không trở thành đứa trẻ bất hạnh. Ảnh: Phùng Nguyên.

 

Giảm áp lực học tập, để con không trở thành đứa trẻ bất hạnh

Hai nghiên cứu của nhóm tác giả PGS. TS Phan Thị Mai Hương, TS. Đặng Thị Thu Trang, Nguyễn Minh Trang và Đinh Ngọc Bình được công bố trong Hội thảo quốc tế về Tâm lý Học đường lần VI (2018) đã cho thấy áp lực trong học tập là điều làm học sinh ít có cơ hội trở thành đứa trẻ hạnh phúc và được đa số các học sinh cho rằng đó là điều khiến các em cảm thấy bất hạnh khi ở trường.

Giáo dục và học tập là một trong những con đường để trẻ sống trong hiểu biết, là chìa khoá để thành công và sống hạnh phúc hơn, nhưng dường như áp lực học tập đã bóp méo đi ý nghĩa của điều này.

Vậy làm thế nào để những đứa trẻ không bị bất hạnh vì áp lực học tập? -PV.

Thạc sĩ Đặng Trang chia sẻ: Theo tôi, có vẻ như cái guồng quay áp lực hiện tại như là một “thói quen”, vì thế mà có những đứa trẻ biết rằng nó đang phải đeo một túi chì trên vai nhưng nó vẫn vác theo dù không vui vẻ. Tôi thiết nghĩ, dù áp lực từ bố mẹ hay xã hội thì đứa trẻ hãy là người làm chủ chính nó, thay vì đòi hỏi phụ huynh và nhà trường, những người vốn đã quen nay lại bắt họ ngay lập tức từ bỏ việc tạo áp lực cho con em họ thì chính trẻ hãy tự giúp chính mình để bản thân có sự cân bằng về mặt sức khỏe tinh thần cũng như thể chất, điều này giúp trẻ mạnh mẽ hơn để chiến đấu. Tôi đã từng nói chuyện với một cô bé trong giai đoạn gay cấn để chuẩn bị cho kì thi đại học, em đã dám đối mặt với bố mẹ và nói ra rằng, đừng khiến con phải thêm áp lực bởi con cũng đang cảm thấy áp lực rồi, con cũng đang lo sợ, điều con cần bây giờ là bố mẹ hãy tin tưởng con vì con vẫn đang cố gắng. Hay thay vì liên tục đâm đầu trong bàn học, thì hãy bỏ ra vài chục phút hay một hai giờ trong ngày để các em tự thư giãn cho mình bằng các hoạt động mà các em yêu thích thì điều đó cũng sẽ giống như việc các em đang phải hít khói bụi và chịu đựng những ồn ào ở thành phố quá nhiều trong tuần nhưng cuối tuần lại được sống giữa đồng cỏ xanh mướt, điều này sẽ lấy lại cho trẻ sự cân bằng giữa một bên là phải chiến đấu với áp lực nhưng lại có thời gian để trải nghiệm hạnh phúc.

Chị Trang chia sẻ thêm: Thế tuy nhiên không phải đứa trẻ nào cũng mạnh mẽ và có thể tự cân bằng cho mình, chúng vẫn cần sự hỗ trợ và ủng hộ từ những người mà chúng tin tưởng. Thế nên tôi vẫn muốn kêu gọi, chính phụ huynh và nhà trường hãy giảm áp lực học tập cho trẻ, thậm chí hãy gỡ bỏ “cái túi chì nặng trĩu” đó khỏi vai các em. Người tốt nhất để tạo áp lực học tập cho trẻ, theo tôi là tự chính trẻ, phụ huynh và thầy cô chỉ là người hỗ trợ để làm sao việc trẻ tự đặt áp lực cho chính mình ở mức độ phù hợp với năng lực của các em. Loại áp lực này sẽ tạo động lực để các em phát triển, nhưng lại là loại áp lực mà các em có thể làm chủ.

Phùng Nguyên

Phùng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ