(Tổ Quốc) -Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch các quan chức cao cấp APEC 2017 (SOM), Trưởng tiểu ban Tuyền truyền và Văn hóa, Ủy ban Quốc gia APEC 2017 vừa chủ trì cuộc họp báo về Năm APEC 2017.
Kỳ vọng cao của cộng đồng quốc tế với Việt Nam
Phát biểu khai mạc họp báo, Chủ tịch Bùi Thanh Sơn chia sẻ, 2 ngày làm việc của Hội thảo về các ưu tiên của Năm APEC 2017 và Hội nghị không chính thức các quan chức cao cấp của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (ISOM), có thể khái quát 5 kết quả của ISOM và các hoạt động liên quan.
Họp báo về Năm APEC 2017 |
Hội thảo đã hội tụ hàng trăm chuyên gia, học giả hàng đầu quốc tế và khu vực, đại diện nhiều tập đoàn, doanh nghiệp của APEC và Việt Nam cũng như nhiều lãnh đạo các bộ, cơ quan và tỉnh thành của Việt Nam. Phó Thủ Tướng Phạm Bình Minh, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia APEC 2017 đã dự và phát biểu chỉ đạo tại cuộc hội thảo về các ưu tiên của Năm APEC năm 2017.
“Sự tham gia của đông đảo bạn bè quốc tế cho thấy sức hấp dẫn của diễn đàn sự ủng hộ mạnh mẽ và kỳ vọng cao của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam với tư cách là chủ nhà APEC2017”- Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định.
Chúng ta đã nêu 4 hướng ưu tiên của năm 2017: Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, nhất là đẩy mạnh triển khai mục tiêu Bogor về tự do hoá, thuận lợi hoá thương mại và đầu tư, tăng cường kết nối; thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạp và bao trùm, trong đó ưu tiên cải cách cơ cấu, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số, chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo, tăng cường kết nối giữa, thu hẹp khoảng cách phát triển; tăng cường anh ninh lương thực và nông nghiệp bền vững; chú trọng thúc đẩy cộng đồng tự cường để ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, bệnh dịch…
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho hay, lần này, Việt Nam mời thành phần khá rộng và đa dạng các đại biểu tham dự Hội thảo từ APEC cũng như các tổ chức quốc tế, như Ngân hàng Thế giới, IMF, OECD, ERIA, FAO… Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến thực chất, sâu sắc về các hướng ưu tiên này, cho rằng các ưu tiên đó thể hiện đúng các quan tâm của các nền kinh tế, phù hợp với tình hình hiện nay, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển, xử lý các thách thức cấp bách trong khu vực.
Một hoạt động mang dấu ấn trong chuỗi các hoạt động ISOM lần này là diễn đàn APEC với doanh nghiệp, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp APEC, đại diện các hội doanh nghiệp châu Á – Thái Bình Dương và doanh nghiệp trong nước.
Các ý kiến đóng góp, trao đổi của các doanh nghiệp tại diễn đàn sẽ góp phần làm cho các nội dung hợp tác và hoạt động của Năm APEC 2017 ngày càng thiết thực, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của doanh nghiệp.
Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Ông Alan Bollard, Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC, trong các cuộc họp của APEC gần đây đều có nội dung cần nâng cao năng lực siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong đó rất chú trọng vai trò lãnh đao của phụ nữ trong APEC.
Các thảo luận đã nêu ra một số chính sách tập trung vào hỗ trợ các nền kinh tế chưa phát triển trong khu vực để có thể tận dụng được nguồn lực từ phụ nữ và các doanh nghiệp siêu nhỏ.
“Nếu bạn tham gia vào các cuộc họp của APEC sẽ thấy, có rất nhiều gương mặt nữ doanh nhân điển hình tham gia vào mô hình kinh tế siêu nhỏ, kết nối chuỗi giá trị toàn cầu. Thêm vào đó chúng ta có nhiều cơ hội để doanh nghiệp siêu nhỏ và vừa tham gia tương mại điện tử. Cũng có nhiều câu chuyện thực tế từ phụ nữ đã huy động vốn từ internet, cung cấp dịch vụ trên internet đây là lĩnh vực mà APEC rất hứng thú” – ông Alan Bollard cho hay.
Ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn doanh nhân APEC thì cho biết, lần này, chúng ta sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tìm được luồng đầu tư mới hơn, chất lượng hiệu quả hơn, mang lại giá trị thặng dư hơn. Khả năng tồn tại của doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ của Chính phủ đặc biệt trong xây dựng hệ thống luật pháp minh bạch, rõ ràng.
“Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nâng cao giá trị chế biến nông nghiệp để tăng giá trị. Tại 10 tỉnh thành cũng có thể hút khách du lịch với 1.000 doanh nghiệp hàng đầu thế giới vào Việt Nam họp thì đây là cơ hội lớn để tìm được các đối tác, kinh nghiệm kỹ thuật mới để nâng cao cạnh tranh”- ông Hoàng Văn Dũng nói.
Đưa ra đánh giá của APEC về việc Nhật Bản vừa thông qua hiệp định TPP, các hoạt động trong năm APEC 2017 có lưu ý gì tới TPP, ông Bùi Thanh Sơn khẳng định, qua trao đổi tại hội nghị cấp cao Peru vừa qua của APEC cũng như lần này, một lần nữa khẳng định có nơi này, nơi kia có xu thế tang chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và chống toàn cầu hóa nhưng APEC khẳng định quyết tâm quá trình đẩy mạnh tự do hóa thương mại. Vì từ khi hình thành tới nay, APEC đã tạo ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp, người dân trong diễn đàn.
Nói thêm về điều nay, ông Alan cho hay, Việt Nam có vị trí tốt để thực hiện điều này vì Việt Nam là thành viên của TPP, cộng đồng kinh tế ASEAN. TPP không phải APEC và các nước cần phải có các quyết định cho riêng mình./.
Song Đào