(Tổ Quốc) - Bà Rịa – Vũng Tàu phát huy lợi thế địa lý và điểm đến an toàn; Đến năm 2035: TP Vĩnh Long có đường thủy phục vụ du lịch; Hậu Giang khai giảng 3 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch năm 2020 là tin du lịch tiêu biểu tại các tỉnh Nam Bộ mới đây.
Bà Rịa – Vũng Tàu phát huy lợi thế địa lý và điểm đến an toàn
Từ đầu năm đến nay, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động kinh doanh của các DN ngành du lịch. Làm sao kéo khách trở lại BR-VT là bài toán được ngành du lịch đang tìm lời giải, trong đó tăng cường quảng bá, truyền thông là một biện pháp được chú trọng.
BR-VT có rất nhiều lợi thế, nhất là sự thuận tiện về giao thông, du lịch biển quanh năm, hệ thống cơ sở lưu trú nhiều, đáp ứng nhu cầu của mọi phân khúc khách du lịch, nguồn hải sản, ẩm thực đa dạng. Hơn 1 tháng nay, kể từ khi các hoạt động kinh tế-xã hội bình thường trở lại, du lịch BR-VT cũng chuyển động theo hướng tích cực dần. Khách đi du lịch theo gia đình, nhóm nhỏ chiếm số đông. Bên cạnh đó, khách đoàn đến từ các công ty, xí nghiệp thuộc các KCN trong khu vực Đông Nam bộ đến nghỉ dưỡng, tổ chức hội nghị, hội thảo cũng tăng dần.
Thời gian qua, thông điệp xuyên suốt "BR-VT điểm đến hấp dẫn an toàn" đã được Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch tỉnh đẩy mạnh truyền thông, quảng bá. Đồng thời sẵn sàng đón khách với một đội ngũ kinh doanh du lịch văn minh, thân thiện và mến khách; giới thiệu các sản phẩm du lịch là thế mạnh của BR-VT như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển, sinh thái, văn hóa, lịch sử, ẩm thực… 78 DN ngành du lịch cũng đã chung tay cùng các cơ quan chức năng tham gia việc kích cầu du lịch, tung ra các gói ưu đãi về giá đối với tất cả các ngành lưu trú. Trong đó phải kể đến Công ty TNHH lữ hành Công Đoàn - Vũng Tàu xây dựng các tour Vũng Tàu - Bình Châu, Côn Đảo, City tour liên kết cùng các khu du lịch Hồ Mây, Bảo tàng Vũ Khí Cổ, các khu du lịch tại huyện Côn Đảo… thực hiện việc giảm giá trọn gói các dịch vụ cho khách đoàn đến 50%, khách sạn Imperial giảm các gói lưu trú đến 55%, nhà hàng giảm 25%, spa giảm 20% và KDL Hồ Mây giảm trọn gói các dịch vụ cáp treo, vui chơi giải trí cho khách lẻ 30%...
Để tạo hiệu ứng lan tỏa chương trình kích cầu du lịch, trong 2 ngày 5 và 6/6, Hiệp hội Du lịch cũng đã tổ chức famtrip giới thiệu các điểm đến tham quan, danh lam thắng cảnh, khu vui chơi cho giới truyền thông và các công ty lữ hành, đồng thời kết hợp tổ chức họp báo công bố các gói ưu đãi dịch vụ du lịch, giới thiệu tiềm năng du lịch và kế hoạch tổ chức các sự kiện du lịch của tỉnh đến năm 2021.
Tiếp đó, từ nay đến cuối năm, chuỗi hoạt động kích cầu, quảng bá du lịch sẽ được phát sóng trên các kênh VTV, HTV, truyền hình Vĩnh Long, Đài BR-VT và thông tin trên các đầu báo có lượng phát hành cao, tạp chí du lịch, hàng không, báo điện tử, mạng xã hội để du khách có thể biết tất cả chương trình ưu đãi của các DN có uy tín trên địa bàn và dễ dàng lựa chọn chương trình phù hợp. Ngành du lịch cũng tiếp tục kết nối đến, quảng bá đến các thị trường trọng điểm của du lịch BR-VT qua các hội chợ du lịch trong nước, các kênh ký kết hợp tác về du lịch; tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng sản phẩm và nhân lực du lịch BR-VT…
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam , trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành có thế mạnh du lịch biển đều kích cầu du lịch bằng các sự kiện truyền thông, khẳng định điểm đến an toàn, ấn tượng, du lịch BR-VT khởi động chiến dịch kích cầu rầm rộ như thế rất ý nghĩa, tạo được tiếng vang, hút du khách về tỉnh. Tuy nhiên, BR-VT cần xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch, các điểm đến phù hợp với thị hiếu, xu hướng mới của du khách. Sau dịch, tâm lý của người dân vẫn còn khá e dè, nên phải đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về điểm đến an toàn. Song song với việc khôi phục và phát triển du lịch, BR-VT cũng phải phòng, chống dịch một cách bền bỉ và kiên trì, đảm bảo các quy định, điều kiện về an toàn phòng, chống dịch cho khách du lịch, người lao động và cộng đồng người dân địa phương.
Đến năm 2035: TP Vĩnh Long có đường thủy phục vụ du lịch
Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Vĩnh Long đến năm 2035, định hướng hệ thống đường thủy TP Vĩnh Long gồm giao thông phục vụ vận tải và phục vụ du lịch.
Theo đó, giao thông thủy phục vụ vận tải là các tuyến trên sông Tiền, sông Cổ Chiên, sông Cái Cam (tuân thủ theo Quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030)...
Bên cạnh, đảm bảo đồng bộ về quy hoạch luồng tuyến và quy hoạch cảng, bến, đồng bộ giữa cầu vượt sông và kích thước thông thuyền của giao thông đường thủy.
Cùng với đó, giao thông đường thủy phục vụ du lịch gồm: xây dựng cảng du lịch quốc tế tại sông Cổ Chiên nằm tại Phường 9 và khu vực phát triển du lịch ở xã An Bình.
Bố trí hệ thống giao thông đường thủy kết nối liên hoàn với hệ thống cáp treo, đường cây xanh, đường xe đạp... giúp tăng cường kết nối các trọng điểm ven sông, hình thành tuyến du lịch mới cho các trọng điểm chính dọc sông Cổ Chiên như: cồn Chim, cồn Giông, công viên ven sông Cổ Chiên.
Hậu Giang khai giảng 3 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch năm 2020
Sở VHTTDL Hậu Giang vừa tổ chức khai giảng 3 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch năm 2020, gồm quản lý nhà hàng - khách sạn, lễ tân và phục vụ bàn. Đây là 3 lớp bồi dưỡng đầu tiên của năm nay.
Lớp bồi dưỡng có gần 90 học viên tham gia là đội ngũ quản lý, nhân viên nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh. Trong 2 tháng, học viên sẽ được các giảng viên đến từ Trường Đào tạo Nghề Western (Cần Thơ), trang bị những kiến thức chuyên môn, đủ để đáp ứng nhu cầu công việc, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ, tạo sức cạnh tranh cho du lịch Hậu Giang trong thời gian tới.