(Tổ Quốc) -Chuyện tưởng như đùa này lại là sự thật và đang diễn ra tại nhiều làng quê, khi người chăn nuôi lợn phải khóc ròng vì giá lợn rẻ.
Bỗng dưng thành… “đồ tể”!
Trước nay, những người làm “đồ tể” – giết mổ lợn thường chỉ đếm trên đầu ngón tay ở mỗi khu dân cư. Bởi lẽ nhiều người cho rằng “đồ tể” là một cái nghề “sát sinh” dễ bị ám ảnh và ảnh hưởng đến cuộc sống. Thế nhưng gần đây, khi giá thịt lợn “tụt dốc thảm hại” chưa từng có, thì nhiều chủ hộ chăn nuôi lợn bất đắc dĩ phải sắn áo trở thành “đồ tể”.
Chị Lâm ở Đông Anh (Hà Nội) có thâm niên hơn 20 năm nuôi lợn, phân trần lý do để chồng phút chốc biến thành “đồ tể”, vì đã gọi “đồ tể” chuyên nghiệp gần tháng nay nhưng họ thờ ơ không vào. Lợn thì đã đến kỳ “xuất chuồng” mà người mua dửng dưng. Trong khi, chừng nào lợn chưa xuất chuồng thì vẫn cần phải ăn mà không thể lớn thêm nữa. Thức ăn tốn kém đã đành mà công sức chăm lợn từ cám bã, rau cỏ, vệ sinh chuồng trại... cũng không hề nhỏ. Cộng thêm với tâm lý “sốt ruột”, cận kề cái nắng hè, nhu cầu tiêu thụ thịt của người dân không cao có khi càng để lâu giá lại càng thảm hại. Vì thế không thể kiên trì chờ người mổ lợn đến, nhà chị Lâm quyết định tự mổ lợn bán lấy.
Mỗi con lợn đến tuổi xuất chuồng như thế này người chăn nuôi đang phải chịu lỗ từ 1-1,5 triệu. |
Không chỉ gia đình nhà chị Lâm, mà đây là tình trạng chung của nhiều hộ nuôi lợn kéo dài từ Tết Nguyên đán đến bây giờ. Những gia đình sau mấy tháng chăn nuôi đến khi lợn xuất chuồng ngồi nhẩm tính vốn và giá cả hiện nay ngậm ngùi cho cái công bỏ ra đã huy động anh em họ hàng bạn bè “đụng” lợn, chia mô ăn dần. Thế là lợn từ chuồng nhiều khi cũng được người chưa một lần cầm “dao bầu” vẫn diễn trọn vai “đồ tể”.
Theo chia sẻ của người chăn nuôi lợn, bình thường khi nhà có “đám”, hay công to việc lớn gì, hoặc chỉ đơn giản là liên hoan phải mổ lợn thì người nuôi lợn cũng hiếm khi tự sắm vai đồ tể. Phần lớn họ đi thuê người giết mổ với giá từ 200 – 500 tùy từng con lớn bé, tuỳ thời điểm và địa phương. Lý do lớn nhất được đưa ra là “kỵ” sát sinh. Không những thế, với người vừa nuôi lợn bột – lợn lấy thịt, vừa gây đàn thì càng kỵ kẻo khó thành công, lợn nái dễ bị xảy, hoặc con chết, quặt quẹo… Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, khi giá thịt lợn đang ở mức thấp kỷ lục, việc cứu được đồng vốn nào hay đồng đó được đặt lên hàng đầu thì cái giá giết mổ thuê hàng ngày cũng khiến người chăn nuôi phải lăn tăn và quyết định tự mình làm đồ tể.
Và cả đàn lợn trên dưới chục con như thế này thì người chăn nuôi càng chịu lỗ. |
Thôi thì trước khi giết mổ lợn, để an ủi và đỡ phần nào nặng nề nghiệp sát sinh, chủ nuôi đành phải có đôi lời tự thú: “thôi hóa kiếp cho mày, vì sinh tồn, vì miếng cơm manh áo, mong kiếp sau mày không là lợn nữa…”- chị Thoan rưng rưng chia sẻ trong lần tự tay giết mổ gần đây nhất .
Hết làm đồ tể lại thành... thương lái!
Vì tự giết mổ, nên một mình người chăn nuôi phải sắm cả “mấy vai chèo”, từ gây nái, chăm lợn giống, nuôi lợn bột, làm đồ tể và cuối cùng là đi bán thịt lợn.
Việc vài nhà chung nhau một con lợn thịt ăn dần không thể tiêu thụ hết số lợn trong chuồng của mỗi gia đình. Thông thường, chỉ tính riêng các hộ nuôi lợn thì ít nhất cũng phải có 5 con. Nhà nào chuồng trại rộng, kết hợp có nguồn thức ăn sẵn như bã đậu, bã rượu, cơm rác… thì nhiều hơn, khoảng 10, 15 con. Huy động hết người thân thì phải lân đến người lạ. Và thế là nhà nào có lợn đến kỳ xuất chuồng cứ mỗi sáng lại kéo nhau ra đầu ngõ với phản thịt tự tay bán.
Có nhà gọi thương lái cả tháng không được, có nhà tự giết mổ và bán thịt để gỡ được đồng vốn nào hay đồng vốn đấy. |
Tự đi bán thịt lợn một phần giải quyết chuyện lợn bị ế như ở trên, một phần còn gỡ vốn. Theo chia sẻ của chị Lâm, chị Thoan… những người có thâm niên trên dưới 20 năm nuôi lợn thì chưa bao giờ giá thịt lợn lại rẻ như bây giờ. Một kilogam lợn hơi chỉ tầm 25 -30 nghìn/ kg, lợn móc hàm 35 – 40 nghìn/kg. Điều đáng nói là mặc dù giá thịt lợn bột mua vào “rẻ bèo” nhưng giá “bán ra” chỉ giảm không đáng kể, thậm chí ở khu vực thành phố còn không giảm. Tính ra, trung bình một con lợn nuôi từ khi bé đến lúc xuất chuồng lỗ từ 1- 1,5 triệu. Vì thế, nếu người chăn nuôi tự đi bán thịt lợn thì giá có thể được gấp đôi so với bán cho “thợ”.
Theo anh Luân, một chủ hộ chăn nuôi cho biết, tại Đông Anh còn giáp nội thành Hà Nội nên giá lợn dù rẻ hơn so với hồi Tết nhưng vẫn còn cao hơn so với những địa phương khác. Bạn bè của anh nuôi lợn tại Sóc Sơn, Bắc Giang, Hưng Yên… cũng thở ngắn than dài khi giá lợn hơi xuất chuồng chưa nổi 30 nghìn/kg.
Cảnh mỗi sáng sớm ở đầu làng, cuối xóm bỗng nhiên xuất hiện một “chợ thịt lợn” mà người bán lạ hoắc, miếng thịt của những đồ tể không chuyên đôi khi pha còn vụng về, vừa nát vừa xấu… dường như là cảnh không còn quá hiếm ở nhiều làng quê đã và đang bị cơn bão “lợn rẻ” càn quét qua và không biết khi nào mới dừng.