• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bài 2: Bạo hành y tế - “Loay hoay” tìm giải pháp

Sức khỏe 06/03/2018 09:28

(Tổ Quốc) - Mặc dù có nhiều biện pháp từ Bộ Y tế, thậm chí Bộ Luật hình sự cũng được sửa đổi đưa ra những chế tài nghiêm khắc, nhưng dường như các vụ bạo hành, tấn công nhân viên y tế không giảm. Đặc biệt, chỉ trong thời gian ngắn chưa đầy 2 tuần sau Tết Nguyên đán 2018 đã có 5 vụ hành hung nhân viên y tế xảy ra.

 Khi các giải pháp đều thất bại

Cho đến nay, đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra nhằm bảo vệ an toàn, tính mạng của người thầy thuốc tuy nhiên hầu như tất cả đều thất bại. Còn nhớ, vào năm 2017, cũng không ít sự việc hành hung thầy thuốc tương tự xảy ra khiến đích thân Bộ trưởng Y tế đã phải có công văn cầu cứu Bộ Công an.

Các bác sỹ trực tiếp tham gia cấp cứu đối diện nguy cơ bị bạo hành là rất lớn. Ảnh minh họa

Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải trang bị võ thuật cho các y, bác sỹ trực tiếp tham gia công tác khám, chữa bệnh. Trên thực tế, một số bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai giải pháp này. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, có một lớp võ thuật vovinam với học viên chính là đội ngũ y, bác sỹ bệnh viện đã được duy trì từ năm 2014 đến nay.

Là một người luôn trăn trở vì vấn đề đảm bảo an toàn cho người thầy thuốc, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Đại biểu Quốc hội Quốc hội khóa XIV – Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, giải pháp này không khả thi vì rất nguy hiểm. Nếu không may  đánh trả gây thương tích thì dù là tự vệ cũng khiến nhân viên Y tế rơi vào vòng lao lí.

Cũng theo PGS.TS Hiếu, tăng cường lực lượng bảo vệ ở các bệnh viện thì không phải bệnh viện nào cũng có điều kiện để làm, đặc biệt là các bệnh viện tuyến dưới. Khi đối phương đông người như ở Yên Bái vừa qua sẽ không có lực lượng và điều kiện để bảo vệ bởi ngay cả lực lượng công an cũng cần thời gian mới tới được hiện trường.

Bác sỹ hiến kế bảo vệ mình

Chia sẻ với báo chí mới đây, PGS. TS Hiếu cho rằng, hầu hết các vụ tấn công bác sĩ đều là đánh trộm, hoặc đánh khi bác sĩ không chủ động đề phòng, thường là khi họ đang làm nhiệm vụ khám chữa bệnh hoặc cấp cứu. Như vậy để đề phòng bị tấn công, mỗi y bác sĩ cần chủ động bảo vệ mình đầu tiên trong khi làm việc.

TS.BS Võ Tường Kha - Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam trao đổi về giải pháp chống bạo hành y tế.

Hiến kế về giải pháp trong thời gian tới, PGS.TS Hiếu cho biết, ngành y nên thực hiện “Khoảng cách một cánh tay”. Đây là nguyên tắc mà các nước phương Tây đã áp dụng từ rất lâu, đây là khoảng cách an toàn cho mỗi người thầy thuốc khi giao tiếp với người nhà bệnh nhân. Với độ dài 1 cánh tay, trong trường hợp bị tấn công, người bác sĩ có thể lùi lại, hoặc tránh được.

Còn theo TS.BS Võ Tường Kha – Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam, cần phải đưa những trường hợp tấn công, hành hung y, bác sỹ ra xét xử công khai để tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật. Tức là, phải xử lý một số vụ việc làm điểm, mang tính răn đe, như vậy thì trật tự tại cơ sở khám chữa bệnh mới sớm được lập lại.

Cùng đó, TS.BS Kha cũng cho rằng, cần siết chặt hơn nữa những thông tin xấu độc về hình ảnh người thầy thuốc ở trên mạng xã hội. Chính những hình ảnh đó đã phần nào làm mất niềm tin của người thầy thuốc. Báo chí, mạng xã hội cần đưa nhiều hơn nữa những tấm gương, hành động đẹp của các y bác sỹ đang ngày đêm hết lòng vì người bệnh.  

Rõ ràng, trong khi các cơ quan chức năng đang “loay hoay” tìm giải pháp tháo gỡ thì tính mạng, sự an toàn của người thầy thuốc vẫn đang bị đe dọa từng ngày, từng giờ.

Thế Công

 

 

 

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ