(Tổ Quốc) - Sau khi dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát lần thứ 2, vào thời điểm này, các địa phương đã lên nhiều phương án nhằm kích cầu, kéo khách du lịch trở lại. Trong đó, việc liên kết tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn được các địa phương đặc biệt chú trọng trong lần kích cầu thứ 2 này.
“Tâm dịch” Đà Nẵng đã sẵn sàng
Là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất sau đợt bùng phát thứ hai của dịch bệnh COVID-19, thế nhưng, đến thời điểm này TP Đà Nẵng đã cơ bản phục hồi để sẵn sàng đón khách du lịch trở lại.
Theo ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, hiện nay, đời sống sinh hoạt xã hội ở Đà Nẵng đã trở lại bình thường sau khi bệnh nhân COVID-19 cuối cùng xuất viện. Ngay sau khi tình hình được ổn định, ngày 25/9, Sở Du lịch Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị phổ biến hướng dẫn đảm bảo an toàn trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn với sự tham gia của các doanh nghiệp khách sạn, lữ hành...
“Từ đây, chúng tôi sẽ đưa ra thông điệp nhằm đảm bảo, tuân thủ chặt chẽ, nghiêm túc về phòng chống dịch bệnh để sẵn sàng liên kết triển khai chương trình kích cầu du lịch trong thời gian tới” - ông Bình cho biết.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng, do chương trình kích cầu lần 1 với chủ đề “Tuyệt vời Đà Nẵng ơi” chưa kịp triển khai nên TP đã nhân cơ hội này để cập nhật, bổ sung nhằm hoàn thiện hơn cho chương trình lần 2. Trước mắt, TP sẽ tổ chức phát động cuộc thi ảnh “Nhớ Đà Nẵng” với mục đích nhằm lưu lại những khoảnh khắc đẹp nhất, yên bình nhất của thành phố.
Về quan điểm, ông Nguyễn Xuân Bình cho rằng, trong đợt kích cầu lần 2 này, vấn đề giá chỉ nên xem là thứ yếu, điều cần tập trung nhất vào thời điểm này chính là tập trung xây dựng các sản phẩm mới, từ đó có chiến dịch phát triển sản phẩm trong dài hạn.
“Chúng tôi hướng đến thị trường nội địa với dòng sản phẩm chính là sự kiện. Sắp tới, Sở sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng và các doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng các sản phẩm du lịch thể thao như tổ chức giải Golf hay Tour du lịch sinh thái tự nhiên hướng về nhóm du lịch nhỏ là gia đình. Bên cạnh với việc liên kết các địa phương có lợi thế về biển, Sở cũng tiến hành xúc tiến trực tuyến các thị trường nước ngoài” - ông Nguyễn Xuân Bình thông tin.
Liên kết kích cầu, tạo động lực để du lịch có sức sống trở lại
Là một trong những địa phương chủ động trong công tác xúc tiến du lịch, ngay từ đợt kích cầu thứ nhất, Sở Du lịch TP HCM đã mở các website đăng tải các gói kích cầu của địa phương và địa phương liên kết. Trong thời gian này, sở cũng đang xây dựng website thương mại phục vụ du lịch.
Bà Võ Thị Ngọc Thúy - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM cho biết: "Chúng tôi tiếp cận kích cầu theo hai hướng đó là mức giá và nhu cầu của người dân. Hiện nay, qua khảo sát cho thấy du khách thích đi theo nhóm nhỏ. Vì vậy, chúng tôi xây dựng gói sản phẩm theo cá nhân hóa: nhóm nhỏ, doanh nhân... Ngoài ra, chúng tôi kích cầu vào thị trường TP HCM bằng cách khuyến khích người TP HCM đi du lịch trong thành phố và người nơi khác đến thành phố".
TP HCM cũng kích cầu hướng ra ngoài bằng cách khuyến khích người TP HCM đi ra các tỉnh, địa phương khác. Kích cầu phải tạo động lực để du lịch có sức sống trở lại, không chỉ nhắm đến một địa phương nào. Thời gian tới, Sở Du lịch sẽ phát huy việc liên kết vùng để tạo ra sản phẩm hấp dẫn, kết nối các địa phương, theo đó TP sẽ là một “mắt xích” của chuỗi địa phương sẵn sàng chào đón du khách.
Nói về việc liên kết các địa phương trong phát triển du lịch, bà Triệu Thị Tình - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết, thời gian qua, Hà Giang đã tham gia với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch. Song song với tuân thủ, tỉnh xây dựng sản phẩm mới để hấp dẫn du khách, kích cầu sự phát triển của ngành.
Cùng với đó, địa phương cũng xây dựng kịch bản kích cầu ngành du lịch trong tương lai, kết hợp phòng chống dịch. Trước mắt, vào tháng 11/2020, Hà Giang sẽ có lễ hội hoa tam giác mạch, liên hoan ẩm thực với 8 tỉnh Tây Bắc, TP HCM. Để chung tay với các doanh nghiệp, Sở cũng đề xuất với các đơn vị, giảm thuế, giá điện để hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Bày tỏ sự ủng hộ việc liên kết giữa TP HCM và các địa phương Tây Bắc, ông Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, ngành Du lịch tỉnh Quảng Ninh sẽ tham gia vào chuỗi liên kết này. “Chúng tôi kỳ vọng sự liên kết này sẽ mang lại sự phát triển du lịch địa phương thời gian tới” - ông Thủy chia sẻ.
Theo ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trong thời điểm này, doanh nghiệp đã “kiệt sức”. Vì vậy, bắt buộc phải có sự hợp tác giữa địa phương với địa phương, địa phương với doanh nghiệp để tung ra nhiều sản phẩm, điểm đến mới phù hợp với nhu cầu của du khách. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, giảm phí tham quan, vé, lệ phí hoạt động để các doanh nghiệp có động lực tiếp tục hoạt động.
Bài 3: Doanh nghiệp đã tự “làm mới” mình thế nào để đón “làn sóng” du lịch trở lại?