• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bài 2: Nhiều mô hình hay trong công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ tình trạng tảo hôn

Pháp luật 16/09/2023 08:59

(Tổ Quốc) - Chỉ thị số 13 của Tỉnh ủy Kon Tum “về tăng cường sự lãnh đạo tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn tỉnh”. Trong đó, nội dung tảo hôn được xem là một trong những hủ tục cần phải xóa bỏ, bởi ngoài ảnh hưởng về kinh tế, những đứa trẻ của các cặp vợ chồng chưa đủ tuổi sinh ra có nguy cơ cao mắc các bệnh dị dạng, chậm phát triển hoặc bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng… ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất, tâm lý, sức khỏe sinh sản của người phụ nữ, sự trưởng thành của trẻ em.

Tỉnh Kon Tum triển khai quyết liệt Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững"; Chỉ thị số 13 của Tỉnh ủy "về tăng cường sự lãnh đạo tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn tỉnh". Trong đó, nội dung tảo hôn được xem là một trong những hủ tục cần phải xóa bỏ, bởi ngoài ảnh hưởng về kinh tế, những đứa trẻ của các cặp vợ chồng chưa đủ tuổi sinh ra có nguy cơ cao mắc các bệnh dị dạng, chậm phát triển hoặc bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng… ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất, tâm lý, sức khỏe sinh sản của người phụ nữ, sự trưởng thành của trẻ em.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cùng với việc đổi mới phương thức tuyên truyền, theo hướng tiếp cận trực tiếp, phù hợp với điều kiện từng vùng và đúng đối tượng nên tình trạng tảo hôn đã giảm đáng kể. Trong đó, các cấp ủy, chính quyền cấp huyện đã quan tâm đẩy mạnh công tác chỉ đạo triển khai thực hiện xuống cơ sơ. Ở các tổ tư vấn ở các thôn làng cũng tích cực vào cuộc vận động tuyên truyền người dân thực hiện tốt. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành đặc biệt là các cơ quan thông tấn báo chí trong việc tuyên truyền nội dung cũng như các hình ảnh trực quan để người dân nắm bắt một cách cụ thể, rõ nét và thấy được tác hại của vấn nạn tảo hôn.

Bài 2: Nhiều mô hình hay trong công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ tình trạng tảo hôn - Ảnh 1.

Bà Y Pran (đứng giữa), người có uy tín ở thôn Kon H’Đrế, xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà tuyên truyền vận động các gia đình không cho con em tảo hôn.

Bà Y Pan, già làng thôn Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum chia sẻ: Nhờ chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động mà cộng đồng người Brâu chúng tôi nhận thức được những tác hại của việc tảo hôn. Với vai trò già làng, tôi cùng thôn trưởng, mặt trận cũng thường xuyên tuyên truyền cho bà con tại các buổi họp thôn. Khoảng 2 năm trở lại đây thì trong thôn không còn tình trạng tảo hôn nữa, các gia đình đã biết và ngăn chặn để không cho con mình lấy vợ, lấy chồng khi chưa đủ tuổi.

Nhờ công tác tuyên truyền trực tiếp và hiểu rõ về tác hại của tình trạng tảo hôn, nhiều trường hợp chuẩn bị tảo hôn đã dừng lại chờ đủ tuổi. Đặc biệt, vai trò của các già làng, người có uy tín trong cộng đồng thôn, làng đã được phát huy.

Ở tuổi 70, hàng ngày, bà Y Pran, người có uy tín ở thôn Kon H'Đrế, xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà vẫn luôn theo dõi sát sao những hoạt động của người dân trong làng. Những câu chuyện hàng ngày xung quanh việc phát triển kinh tế - xã hội. Thậm chí, là những câu chuyện về tâm tư tình cảm của người dân trong thôn bà đều biết rõ. Sự việc phát sinh tình cảm yêu đương giữa em Y.B (học sinh lớp 9) và cậu thanh niên A.D hơn em 6 tuổi (dân tộc Xơ Đăng) cũng không nằm ngoài khả năng nắm bắt của bà. Biết là trái với pháp luật, bà Y Pran đã đến vận động gia đình để ngăn cản kịp thời.

Bà Y Pran cho biết: Nhờ công tác tuyên truyền kịp thời, hai gia đình đã quyết định tách em A.D cho đi làm ăn xa và em Y.B tiếp tục đến trường học tập. Kịp thời ngăn chặn chuyện tình cảm hai đứa trẻ vượt quá giới hạn theo quy định của pháp luật.

Còn tại xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum, nhờ triển khai linh hoạt nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động mà tình trạng tảo hôn không còn xảy ra trong những năm gần đây. Ngoài việc tuyên truyền trực tiếp tại các Câu lạc bộ tiền hôn nhân, các cuộc họp thôn, tại từng hộ gia đình, Mặt trận Tổ quốc các thôn còn phối hợp chặt chẽ với nhà thờ để tuyên truyền, vận động người dân không cho con, em mình kết hôn khi chưa đủ tuổi. Nhờ đó, nhận thức của người dân về vấn đề tảo hôn đã được nâng lên.

Chị Y Chớt dân tộc Ba Na ở thôn Măng La, xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum chia sẻ: Trước đây tôi cũng yêu từ 16 đến 17 tuổi, gia đình cũng khuyên tôi là đừng có yêu sớm, yêu sớm là sẽ mất việc đi làm, việc đi học. Từ đó tôi suy nghĩ và dừng lại, đến năm 21 tuổi tôi mới lấy chồng.

Bài 2: Nhiều mô hình hay trong công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ tình trạng tảo hôn - Ảnh 2.

Tuyên truyền phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết, ở xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum.

Ông A Tẻo – Giáo phu thôn Măng La, xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum cho biết: Về tình hình tảo hôn hiện nay ở địa bàn xã nói chung, thôn Măng La nói riêng đến nay đã giảm xuống. Lý do thứ nhất là bên nhà thờ các cha cũng tuyên truyền, nhắc nhở con em người chưa đủ tuổi không kết hôn được, vì sức chưa đủ, đầu óc chưa minh mẫn, công việc làm ăn chưa chu đáo. Từ chỗ đó con em ở đây kết hôn mà chưa đủ tuổi thì nhà thờ không cho phép. Khi mà xã chấp thuận đối với nam 20 tuổi, nữ 18 tuổi lên xã đăng ký kết hôn, chúng tôi có căn cứ đăng ký kết hôn thì gặp cha mới làm lễ trong nhà thờ.

Với gần 54% dân số là người đồng bào DTTS, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Những năm trước đây, bà con DTTS tại tỉnh Kon Tum vẫn giữ những thói quen cố hữu đã không còn phù hợp như tục ngủ rẫy, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều trường hợp tảo hôn.

Theo ông A Lin – Phó Chủ tịch UBND xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, để bà con thay đổi tập quán này thì cả hệ thống chính trị xã đã bám nắm địa bàn, đi tận ngõ, gõ tận nhà, lên tận rẫy để tuyên truyền vận động người dân loại bỏ việc ngủ rẫy. Đồng thời, thông qua các cuộc họp thôn thì các ngành, đoàn thể như: Hội LHPN, Đoàn thanh niên, Ban quản lý thôn tuyên truyền về Luật Hôn nhân gia đình và nạn tảo hôn. Nhờ đó mà mấy năm trở lại đây thì nạn tảo hôn trên địa bàn xã cơ bản đã không còn nữa.

Tỉnh Kon Tum đang rất nỗ lực loại bỏ nạn tảo hôn ra khỏi đời sống cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu của Chính phủ và của tỉnh đề ra đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số thì địa phương còn rất nhiều việc cần làm. Bởi đây không phải là câu chuyện của một sớm, một chiều mà luôn đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành cũng như từ ý thức mỗi người dân địa phương./.

Khánh Ngân

NỔI BẬT TRANG CHỦ