• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm về vấn đề tảo hôn của đồng bào dân tộc thiểu số - Bài 1: Tảo hôn, vấn đề đáng quan tâm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Pháp luật 14/09/2023 12:52

(Tổ Quốc) - Tình hình tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum tuy đã có những chuyển biến nhất định nhưng vẫn luôn là vấn đề xã hội gây nhức nhối trong công tác dân tộc và dân số. Để từng bước hạn chế tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các cấp, các ngành tại Kon Tum đã và đang thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số nhằm từng bước ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi tình trạng tảo hôn.


Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở Bắc Tây Nguyên với tổng diện tích tự nhiên hơn 9.689 km2. Toàn tỉnh có 10 huyện, thành phố. Là tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia. Dân số toàn tỉnh hơn 540 nghìn người, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 54% với 28 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 7 DTTS tại chỗ gồm: Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ - Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hrê.

Cũng như các tỉnh thành khác trong cả nước, tình hình tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng luôn là vấn đề nhức nhối trong những năm gần đây. Chỉ tính riêng trong năm 2017 toàn tỉnh Kon Tum có 351 trường hợp tảo hôn, chủ yếu tập trung ở 07 dân tộc tại chỗ sinh sống lâu đời trên địa bàn tỉnh.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm về vấn đề tảo hôn của đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Từ thực trạng tảo hôn gia tăng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Kon Tum đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để từng bước hạn chế tình trạng này.

Những cặp vợ chồng lấy nhau ở cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" dù là tình yêu tự nguyện hay gả ép hầu hết đều có kết cục không mấy sáng sủa. Sau kết hôn, các em phải gánh vác trách nhiệm nặng nề của một gia đình, vượt quá sức hiểu biết và chịu đựng để rồi, nhẹ là cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, còn nặng thì đường ai nấy đi. Khổ hơn nữa là không ít cặp vợ chồng rơi vào cảnh bế tắc, đói nghèo đeo bám, tương lai bất định. Đồng thời, áp lực của những gia đình tảo hôn lên xã hội là không nhỏ khi phần lớn trong số này rơi vào diện nghèo.

Điển hình như em Y.N (ở thôn Klâu Ngol Ngó, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum). Do điều kiện gia đình khó khăn, học đến lớp 8 thì em nghỉ học để phụ giúp gia đình, rồi sau đó em lấy chồng sớm. Hành trang chuẩn bị cho việc lập gia đình của Y.N cũng chỉ vỏn vẹn ở việc đã biết nấu cơm, giặt đồ, rửa chén và cạo mủ cao su.

Xã Ia Chim, thành phố Kon Tum là một trong những địa phương có tỷ lệ tảo hôn tương đối cao so với các xã phường khác trên địa bàn thành phố. Với đặc thù hơn 50% dân số là đồng bào DTTS, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên các em thường nghỉ học sớm để phụ giúp gia đình. Từ đó, nhận thức về pháp luật, về hôn nhân trong các em chưa cao, dẫn đến lập gia đình khi chưa đủ tuổi theo quy định. Như chị Y.T (dân tộc Gia Rai, sinh năm 1985, ở làng Klâu Ngol Ngó) lấy chồng khi 15 tuổi. Đến nay, vợ chồng chị đã có với nhau 10 mặt con. Đứa lớn nhất sinh năm 2000, đứa nhỏ nhất mới 1 tuổi. Gia cảnh khó khăn, những đứa con lớn lần lượt bỏ học giữa chừng và lại đi tìm lối thoát cho cái nghèo bằng cách lập gia đình sớm. 3 đứa con lớn trong nhà chị Y.T đều lấy vợ lấy chồng khi chưa đủ tuổi.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm về vấn đề tảo hôn của đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Em Y.N (ngoài cùng bên phải), xã Ia Chim, thành phố Kon Tum.

Về nguyên nhân của tình trạng tảo hôn, ông Siu Lê, thôn trưởng thôn Klâu Ngol Ngó, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum cho biết: Do ý thức của một số gia đình chưa cao, chưa có sự quan tâm đến con cái, thường xuyên để con lập gia đình sớm, đẻ con nhiều để có công việc làm nữa. Riêng trong thôn một số tảo hôn rất khó khăn, một là kinh tế họ yếu kém.

Chính từ thực trạng tảo hôn gia tăng trong vùng đồng bào DTTS, tỉnh Kon Tum đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để từng bước hạn chế tình trạng này. Tỉnh cũng xác định rõ những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn để có giải pháp tuyên truyền, vận động phù hợp. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do các chính sách, pháp luật về vấn đề hôn nhân và gia đình chưa được triển khai thực hiện hiệu quả ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Dù mức xử phạt thấp, nhưng những trường hợp vi phạm hầu hết là hộ nghèo nên dù có phạt vẫn không thu được tiền; chính quyền cơ sở vẫn còn lúng túng trong vấn đề xử lý vi phạm về tảo hôn. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương còn hạn chế do nhiều yếu tố: rào cản về ngôn ngữ như nhiều người dân không biết nói tiếng phổ thông, trình độ dân trí thấp, thiếu kinh phí triển khai, đối tượng được tuyên truyền ít tham gia… dẫn đến hiệu quả không cao.

Ông Bloong Hâm - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi cho biết: Qua khảo sát thì nguyên nhân của việc xảy ra tảo hôn trên địa bàn xã là hiện nay một số hộ gia đình không đủ điều kiện để mà chăm lo cho việc học hành của con em mình đến nơi, đến chốn nên dẫn đến có tình trạng bỏ học giữa chừng, rồi sau đó là quan hệ nam nữ dẫn đến bắt buộc phải tảo hôn. Bên cạnh đó nữa là hiện nay dưới sự tác động mạnh mẽ của mạng xã hội thời buổi 4.0 thì việc tiếp xúc những hình ảnh nhạy cảm đối với giới trẻ diễn ra mạnh mẽ hơn dẫn đến sự trưởng thành về tâm sinh lý của nam cũng như nữ có sự nhanh chóng hơn.

Theo bà Uông Thị Trang – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Chim, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum thì việc tảo hôn trong các làng đồng bào DTTS là nguyên nhân gây ra việc tăng dân số nhanh và không đảm bảo chất lượng, là một trong những nguyên nhân gây ra đối với trẻ em mới sinh ra thiếu dinh dưỡng, chậm phát triển. Việc người mẹ chưa chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho việc sinh nở và cơ thể chưa phát triển, chưa sẵn sàng cho việc sinh con đã ảnh hưởng rất lớn đến một số hộ gia đình tảo hôn trong thời gian vừa qua.

Cùng với đó, sự thiếu hiểu biết do trình độ học vấn thấp kết hợp với phong tục tập quán và nhiều yếu tố khác đã làm gia tăng tình trạng tảo hôn. Không có việc làm hoặc cần người để làm việc cũng là yếu tố góp phần làm tỷ lệ kết hôn sớm tăng. Những phản ứng từ phía cộng đồng còn rất yếu ớt, hầu hết đều coi đây là chuyện riêng của từng gia đình, thậm chí cộng đồng không những không phản đối mà còn đồng tình ủng hộ. Việc quản lý con em của phụ huynh chưa được quan tâm chú trọng, nhiều gia đình có sự buông lỏng con cái… Những nguyên nhân này dẫn đến tình trạng tảo hôn ở Kon Tum luôn là vấn đề nhức nhối.


Khánh Ngân

NỔI BẬT TRANG CHỦ