(Tổ Quốc) - Tảo hôn là tập tục tồn tại lâu đời ở nhiều vùng, miền nhưng phổ biến vẫn là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tảo hôn không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, sự trưởng thành của trẻ em mà còn tước đoạt nhiều quyền con người của các em, ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội, dân tộc.
Theo PGS.TS Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho biết: Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) đã khảo sát và cho thấy gần 70% trẻ em dân tộc thiểu số không được trang bị kiến thức về tảo hôn. Cũng như điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số của Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê vào năm 2018, đã đưa ra những con số đáng báo động khi khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ tảo hôn cao nhất là 27,5%; tiếp theo là Trung du và miền núi phía Bắc 24,6%; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 22,4%. Đồng bằng sông Hồng, nơi không có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ tảo hôn cũng ghi nhận ở mức 7,8%.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các chính sách, pháp luật về vấn đề hôn nhân và gia đình chưa được triển khai thực hiện hiệu quả ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Dù mức xử phạt thấp, những trường hợp vi phạm hầu hết là hộ nghèo nên dù có phạt vẫn không thu được tiền. Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở vẫn còn lúng túng trong vấn đề xử lý vi phạm về tảo hôn.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương còn hạn chế do nhiều yếu tố: rào cản về ngôn ngữ như nhiều người dân không biết nói tiếng phổ thông (tiếng Kinh), trình độ dân trí thấp (mù chữ, học vấn thấp), thiếu kinh phí triển khai, đối tượng được tuyên truyền ít tham gia (thanh thiếu niên)… dẫn đến hiệu quả không cao.
Đặc biệt, ảnh hưởng của phong tục tập quán và quan niệm lạc hậu trong hôn nhân, những hủ tục như hứa hôn vẫn còn tồn tại cùng với những quan niệm mang tính duy tâm, đã dẫn đến nhiều gia đình quyết định dựng vợ gả chồng cho con em mình khi chưa đến tuổi kết hôn. Sự thiếu hiểu biết do trình độ học vấn thấp kết hợp với phong tục tập quán và nhiều yếu tố khác đã làm gia tăng tình trạng tảo hôn.
Tuy hiện nay tình trạng tảo hôn so với trước đây đã giảm đi nhiều nhưng vấn nạn vẫn còn tồn tại và để lại nhiều hệ lụy nặng nề. "Ở vùng đồng bảo dân tộc thiểu số, vấn đề tảo hôn được họ coi là phong tục tập quán tộc người, và là việc hoàn toàn bình thường, nhưng rõ ràng việc tảo hôn mang rất nhiều hệ lụy. Đối với tảo hôn, trẻ em gái khi kết hôn sớm, sẽ làm cho sức khỏe của họ yếu đi, đặc biệt có thể gặp nhiều biến chứng khi mang thai. Tảo hôn gây những tác động rất tiêu cực tới phụ nữ. Khi tảo hôn, trẻ em gái sẽ bị sốc tâm lý, có thể bị trầm cảm, rối loạn tâm thần do bất đồng về quan điểm sống, thậm chí dẫn tới bạo lực gia đình.
Ngoài ra, khi kết hôn sớm, trẻ em cả nam lẫn nữ đều bị hạn chế cơ hội học tập, vui chơi, giải trí, tự do tham gia các sinh hoạt văn hóa và nghệ thuật phù hợp với lứa tuổi; ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển nhân cách, tài năng, trí tuệ và thể chất của các em. Từ đó, giảm khả năng tìm kiếm việc làm, thu nhập thấp dẫn đến tỷ lệ đói nghèo ngày càng tăng cao, hôn nhân dễ tan vỡ…" PGS.TS Lâm Bá Nam nói.
Trước thực trạng đó, để giảm tối đa tình trạng tảo hôn cần tăng cường thực hiện chủ trương xóa bỏ và hạn chế các hủ tục. PGS. TS Lâm Bá Nam khẳng định: "Tuy ở nhiều địa phương đã áp dụng một số biện pháp hành chính để đẩy lùi nạn tảo hôn như: không cho đăng ký kết hôn, không được làm giấy khai sinh cho con,.. nhưng đó chỉ mới là giải pháp, còn gia đình thực sự vẫn tồn tại, người ta vẫn kết hôn theo kiểu đó.
Vậy nên, vấn đề tảo hôn cần được thường xuyên thảo luận trong cộng đồng; đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các hình thức đa dạng, ngắn gọn, dễ hiểu và gây ấn tượng mạnh. Ngoài những chương trình chuyên đề, chúng ta cũng cần lồng ghép nội dung chống tảo hôn vào sinh hoạt cộng đồng, lễ hội văn hóa, hương ước, quy ước và thiết chế văn hóa của cộng đồng; tiêu chuẩn thôn, bản, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa".
Bên cạnh đó, ở các tộc người thiểu số, đội ngũ già làng, trưởng các dòng họ, người có uy tín có vai trò rất lớn. Đây là đội ngũ phải đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền, vận động để bà con hiểu và xóa bỏ các hủ tục. Cùng với đó, chính quyền địa phương cần yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các quy định của Luật hôn nhân và gia đình; có hướng dẫn cụ thể để người dân hiểu rõ quy định, vận dụng trong dòng họ./.
Thương Nguyễn
* Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện