• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhiều tín hiệu tích cực trong phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết

Văn hoá 05/12/2022 13:08

(Tổ Quốc) - Những năm trước đây, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn tồn tại ở một số bản làng vùng núi cao. Nhưng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được nâng cao, người dân đã xoá bỏ nhiều hủ tục lạc hậu…

Tỷ lệ hôn nhân cận huyết ở DTTS vẫn cao

Việc triển khai Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2015 - 2025" (Đề án), đã đạt được những thành quả quan trọng. Trong đó, nhận thức của người DTTS đặc biệt là giới trẻ về tảo hôn đã được nâng lên rõ rệt, đây cũng chính là "chìa khóa" để tiến tới hạn chế tình trạng tảo hôn.

Nhiều tín hiệu tích cực trong phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết - Ảnh 1.

Tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở đồng bào DTTS vẫn còn cao (ảnh minh họa)

Theo kết quả Tổng điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS, tổng dân số người DTTS nước ta là 14,1 triệu người, gần 3 triệu hộ (chiếm 14,7% dân số cả nước); cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 382 xã biên giới. Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước.

Theo số liệu thống kế, tỷ lệ tảo hôn cao nhất là Mông (51,5%), Cơ Lao (47,8%), Mảng (47,2%), Xinh Mun (44,8%), Mạ (39,2%). Theo giới tính, tỷ lệ tảo hôn của nữ DTTS năm 2018 vẫn cao hơn so nam DTTS (năm 2018: nam 20,1% và nữ 23,5%). So với năm 2014, tỷ lệ tảo hôn của nam DTTS đã giảm được 5,9%, cao hơn so với mức giảm tương ứng của nữ DTTS là 3,6% (năm 2014: nam 26,0% và nữ 27,1%). Tỷ lệ tảo hôn của nữ DTTS luôn cao hơn nam ở tất cả các vùng, ngoại trừ Đồng bằng sông Hồng.

Tỷ lệ kết hôn cận huyết trong vùng DTTS có xu hướng giảm nhưng không đáng kể. Tỷ lệ người DTTS kết hôn cận huyết thống năm 2018 là 5,6%, giảm 0,9% so với năm 2014 (6,5%). Theo giới tính, tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống năm 2018 của nam DTTS là 5,29%, giảm 1,26% so với năm 2014 là 6,55%; và tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống của nữ DTTS năm 2018 là 5,87%, giảm 0,5% so với năm 2014 là 6,37%.

Tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống cao nhất năm 2018 gồm Mnông 37,7%, (nam 40,57% và nữ 35,38%), La Chí 30,8% (nam 27,43% và nữ 33,64%), Bru Vân Kiều 28,6% (nam 28,81% và nữ 28,41%), Cơ Tu 28,0% (nam 10,92% và nữ 43,21%) và Lô Lô 22,4% (nam 25,41% và nữ 20,02%).

Tình trạng kết hôn cận huyết thống của người DTTS đã giảm nhưng vẫn tăng cao ở một số dân tộc. Một số DTTS có tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống cao năm 2014, đến năm 2018 đã không còn tình trạng này như Mạ, Mảng, Cơ Ho, Kháng, Chứt.

Tuy nhiên, năm 2018 cũng ghi nhận sự gia tăng của tỷ lệ kết hôn cận huyết thống ở một số DTTS như: La Chí (tăng từ 10,1% năm 2014 lên 30,8% năm 2018), Bru Vân Kiều (tăng từ 14,3% năm 2014 lên 28,6% năm 2018), Lô Lô (tăng từ 8,3% năm 2014 lên 22,4% năm 2018), Gia Rai (tăng từ 9,1% năm 2014 lên 14,6% năm 2018) và La Ha (tăng từ 7,6% năm 2014 lên 11,0% năm 2018).

Tăng cường truyền thông

Nhiều địa phương tích cực tuyên truyền để hạn chế tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Các lớp tập huấn nâng cao vai trò, kỹ năng của đội ngũ truyền thông cũng được tổ chức ở hầu hết các địa phương.

Tại Hòa Bình đánh giá về triển khai Đề án, báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án, phê duyệt mô hình điểm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đã bố trí nguồn kinh phí tập trung thực hiện việc lồng ghép, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Song song với hoạt động tuyên truyền, tỉnh xây dựng 11 mô hình điểm.

Tính đến nay, đã mở 8 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 396 lượt người tham gia; tổ chức 29 cuộc truyền thông cho 2.525 người tham dự. Cung cấp 11.120 cuốn tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Nhờ triển khai những giải pháp này, sau hơn 4 năm triển khai đề án đã góp phần tích cực ngăn chặn, đẩy lùi tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống, cơ bản không còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS.

Nhiều tín hiệu tích cực trong phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết - Ảnh 2.

Tuyên truyền cho đồng bào về tình trạng hôn nhân cận huyết và tảo hôn (ảnh minh họa)

"Số trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giảm dần theo từng năm, từ 500 trường hợp tảo hôn và 5 cặp kết hôn cận huyết thống năm 2015 giảm còn 223 trường hợp tảo hôn, không có cặp HNCHT năm 2021. 100% cán bộ, công chức cấp xã, thôn, bản vùng DTTS, miền núi; người có uy tín; cán bộ, công chức làm công tác dân tộc các cấp được cung cấp thông tin pháp luật liên quan trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình…", báo cáo cho biết.

Tương tự tại Quảng Trị việc triển khai Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống. Theo thống kê trong giai đoạn 2016 - 2020, số cặp tảo hôn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giảm 445 cặp, tình trạng kết hôn cận huyết thống giảm 7 cặp so với giai đoạn 2011 - 2015. Theo số liệu mới được cập nhật, năm 2021, trên địa bàn tỉnh còn 175 cặp tảo hôn, tình trạng hôn nhân cận huyết thống gần như đã chấm dứt, 4 năm liền không có trường hợp kết hôn cận huyết thống.

Từ tháng 11 đến nay UBND huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) đã tăng cường tổ chức Hội tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho 400 đại biểu là trưởng thôn, bản, người có uy tín, thanh niên, phụ nữ thôn và nhân dân ở các xã trên địa bàn huyện. 4 hội nghị đã được tổ chức tại các xã Cốc Lầu, Cốc Ly, Lùng Phình và Hoàng Thu Phố.

Còn tại thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai), UBND thành phố cũng vừa tổ chức Hội nghị tuyên tuyền pháp luật về hôn nhân, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, sức khỏe sinh sản năm 2022. Phấn đấu giảm bình quân 2%-3%/năm số cặp tảo hôn và duy trì không phát sinh kết hôn cận huyết thống. Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh công cuộc giảm nghèo bền vững tại địa phương./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ