• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nỗ lực bảo tồn phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số

Văn hoá 26/11/2022 08:04

(Tổ Quốc) - Trang phục truyền thống là một thành tố văn hóa quan trọng và không thể thiếu trong di sản văn hóa truyền thống độc đáo, rất dễ nhận biết của từng dân tộc. Không chỉ mang đậm bản sắc dân tộc, mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử của từng tộc người, tồn tại từ nhiều đời, là thông điệp của quá khứ để lại cho ngày nay.

Trang phục truyền thống có "nguy cơ" bị mai một

Lào Cai là tỉnh biên giới, cửa ngõ phía Tây Bắc của tổ quốc, là tỉnh đa thành phần dân tộc, nên trong suốt hơn 30 năm tái lập, tỉnh Lào Cai luôn rất quan tâm đến vấn đề bảo tồn văn hóa dân tộc nói chung và bảo tồn trang phục, nghề trông bông/lanh dệt vải, thêu may quần áo truyền thống của các dân tộc

Theo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai cho biết, Lào Cai luôn coi trọng và xác định bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc là nhiệm vụ then chốt, có vị trí quan trọng của tỉnh. Điều này được thể hiện rất rõ trong các Đề án về bảo tồn văn hóa được Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ phê duyệt. Năm 2022, Sở VHTT cũng phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng 4 mô hình câu lạc bộ bảo tồn trang phục, mẫu hoa văn truyền thống các dân tộc Mông, Dao, La Chí…

Nỗ lực bảo tồn phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Trang phục truyền thống là một thành tố văn hóa quan trọng và không thể thiếu trong di sản văn hóa truyền thống độc đáo, rất dễ nhận biết của từng dân tộc

Tuy nhiên vẫn còn đấy những khó khăn trong công tác bảo vệ và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc. Do quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa diễn ra nhanh và quá trình giao thoa văn hóa giữa các dân tộc đang diễn ra ngày càng mạnh trên tất cả các lĩnh vực, nên đã có nhiều ảnh hưởng đến nhận thức cũng như thị hiếu thẩm mỹ, đa số đồng bào các dân tộc đã thay đổi thói quen và nhận thức về sử dụng trang phục truyền thống của một bộ phận lớn đồng bào các dân tộc, đặc biệt là lớp trẻ. Một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số lại sử dụng loại trang phục làm "nhái", "giả" được may sẵn theo kiểu truyền thống bán trên thị trường về để sử dụng… Bên cạnh đó, nguồn kinh phí cho công tác bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: " Định kỳ hàng năm tỉnh Lạng Sơn đã triển khai thực hiện bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể trong việc bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của dân tộc như: Kiểm kê và lập danh mục, nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu phim khoa học trang phục dân tộc; Tổ chức hội thảo khoa học về bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống; tổ chức liên hoan trình diễn trang phục hát dân ca các dân tộc; xây dựng một số sản phẩm lưu niệm về trang phục truyền thống; tuyên truyền, quảng bá, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch địa phương…

Nhưng trước sự lớn mạnh của nền kinh tế thị trường và sự ảnh hưởng từ những xu hướng văn hóa mới những hoạt động nêu trên chưa đủ để bảo vệ các di sản văn hóa dân tộc. Hiện nay, do nhìn nhận trang phục xưa là lạc hậu, thiếu tiện dụng, giới trẻ ngại ngần, thậm chí người lớn tuổi ở một số nơi không còn mặc trang phục truyền thống của dân tộc. Nguồn nhân lực tiếp nối, kế thừa hoạt động thực hành, bảo lưu, trao truyền, phát huy giá trị trang phục ngày càng hạn chế về số lượng và chất lượng. Ngoài ra, sự hạn chế từ chính bộ trang phục truyền thống trong sinh hoạt, lao động, công tác do chất liệu vải tấm tự dệt với nhiều thành tố cầu kỳ, khí hậu nóng bức hơn nên bộ trang phục cổ truyền với chất liệu vải tự dệt, tự nhuộm khá dày, lại nhiều thành tố nên việc mặc trang phục cầu kỳ, mất nhiều thời gian, lại oi bức, bất tiện, giá thành cao…

Nỗ lực bảo tồn phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Việc lưu giữ, trao truyền bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và những nét đặc sắc trong trang phục truyền thống nói riêng được thực hiện một cách thường xuyên

Cũng giống như các địa phương khác, trong công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa tại tỉnh Thái Nguyên hiện nay việc lưu giữ, trao truyền bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và những nét đặc sắc trong trang phục truyền thống nói riêng được thực hiện một cách thường xuyên, cần kể đến một số dân tộc như: Đồng bào Dao, Sán Chí, Mông, Tày, Nùng. Nhưng tỉnh Thái Nguyên cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Số người dân tộc thiểu số sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc mình trong sinh hoạt hàng ngày rất ít, đa số người dân mặc trang phục của người Kinh, trang phục hiện đại trong sinh hoạt. Đồng thời, trang phục truyền thống bị pha tạp nhiều cả về chất liệu và kiểu dáng, khó phân biệt trang phục của dân tộc nào. Đặc biệt, chất liệu may vá trang phục, cách thức trang trí hoa văn trên trang phục đang có những thay đổi ngày càng xa rời nguyên bản, truyền thống, nguyên liệu sợi bông, tơ tằm do quá đắt, nguồn nguyên liệu không còn được trồng nhiều trở nên khan hiếm đã được thay bằng len, màu nhuộm chàm không còn là màu tự nhiên, khung cửi thủ công không còn, hoa văn trang trí không còn theo các hình mẫu truyền thống".

Nỗ lực bảo tồn phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số - Ảnh 3.

Cần nỗ lực bảo tồn phát huy trang phục truyền thống

Trong bối cảnh hiện nay, việc tìm ra những giải pháp để khai thác và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống trong trang phục của các dân tộc là một nhiệm vụ cần thiết.

Để góp phần bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: " Cần phải tiếp tục thực hiện chỉ đạo theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà Nước về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; Tổ chức tuyên truyền, quảng bá và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số, nâng cao nhận thức cho người dân tộc thiểu số hiểu về tầm quan trọng của việc bảo tồn trang phục truyền thống của chính dân tộc mình; Cần đầu tư mở rộng, phát triển các làng nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch nhằm thu hút đồng bào dân tộc tham gia…".

Nỗ lực bảo tồn phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số - Ảnh 4.

Với mong muốn giữ gìn và phát triển trang phục truyền thống của dân tộc thiểu số nói chung và tỉnh Lạng Sơn nói riêng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: "Cần nghiên cứu xây dựng quy hoạch tổng thể về trang phục truyền thống các dân tộc gắn với các điểm du lịch, đặc biệt là các làng văn hóa du lịch cộng đồng. Xây dựng sản phẩm du lịch từ trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số; Nâng cao nhận thức của cộng đồng làm du lịch về giá trị văn hóa của trang phục truyền thống. Tăng cường công tác quảng bá trang phục truyền thống của các dân tộc tỉnh Lạng Sơn trong hoạt động xúc tiến du lịch".

Bên cạnh đó, Sở Văn hóa và Thể Thao tỉnh Lào Cai cũng nêu ra một số ý kiến nhằm nâng cao công tác bảo tồn phát húy trang phục truyền thống, ngành giáo dục tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan để tiếp tục hoàn thiện bộ tài liệu giáo dục địa phương, đẩy mạnh hơn nữa nội dung về văn hóa, về đặc trưng các nghề thủ công truyền thống của các dân tộc. Khuyến khích người dân mặc trang phục truyền thống vào những ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương, ngày hội đoàn kết toàn dân, ngày truyền thống, ngày lễ của dân tộc.

Đồng thời, các địa phương tiếp tục khuyến khích cộng đồng phát triển diện tích trồng các loại nguyên liệu dệt vải (bông, cây lanh…) để phát triển nghề dệt; phát triển diện tích trồng các loại nguyên liệu dùng để nhuộm màu cho vải (cây chàm, củ nâu…) để giữ được các màu sắc truyền thống trên trang phục các dân tộc./.

Bài 2: Vai trò của thanh niên dân tộc thiểu số trong bảo tồn trang phục truyền thống

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ