• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bài 2: Ủy ban các vấn đề xã hội đề xuất gì với Luật Phòng, chống ma túy?

Thời sự 07/11/2017 09:52

(Tổ Quốc) -Trên cơ sở kết quả giám sát việc thực hiện Luật phòng, chống HIV/AIDS, Luật phòng, chống ma túy và Pháp lệnh phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 -2016, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã kiến nghị một loạt vấn đề.

Nhận định về tình hình thực hiện Luật Phòng, chống ma túy, báo cáo cho hay, tuy đã thực hiện được nhiều kết quả song tội phạm ma túy đã lợi dụng các chính sách tạo thuận lợi của nhà nước trong hoạt động đầu tư, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh để cất giấu, vận chuyển trái phép ma túy.

Cơ chế phối hợp hoạt động, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy còn hình thức. Quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chức năng Việt Nam với các nước trên thế giới và trong khu vực nhất là các nước láng giềng trong đấu tranh phòng, chống ma túy tuy đã được cải thiện nhưng còn chậm và hạn chế.

Ảnh minh họa: Minh Khánh

Nhận thức về nghiện ma túy và phục hồi cho người nghiện ma túy của phần lớn người nghiện, gia đình người nghiện và một bộ phận cán bộ còn hạn chế. Tình trạng kỳ thị người nghiện trong xã hội còn phổ biến.

Đa số các tỉnh, thành đều không đạt được chỉ tiêu Chính phủ giao về số bệnh nhân được điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Việc mở mới các điểm điều trị Methadone gặp nhiều khó khăn cả về kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu và thủ tục. Một số bệnh nhân sau khi điều trị Methadone ổn định, có xu hướng chuyển sang dùng ma túy đá; đăng ký điều trị nhưng bỏ trị, không tuân thủ phác đồ điều trị. Có tình trạng lạm dụng việc tham gia chương trình điều trị Methadone để tránh việc đi cai nghiện tập trung.

Trong khi đó, công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng gặp nhiều khó khăn; ở một số địa phương xảy ra hiện tượng học viên cai nghiện gây rối tập thể, đập phá cơ sở cai nghiện, bỏ trốn gây mất an ninh, trật tự tại địa phương…

Nghiên cứu để sớm đề xuất sửa đổi Luật phòng, chống ma túy

Theo đó, Ủy ban đề nghị Quốc hội quan tâm bố trí nguồn lực, đầu tư ngân sách cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy và mại dâm tương xứng với nhiệm vụ, yêu cầu. Đồng thời giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về các lĩnh vực này, thúc đẩy Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương quan tâm tháo gỡ khó khăn, quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện.

Với Chính phủ, Ủy ban kiến nghị tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật phòng, chống HIV/AIDS, Luật phòng, chống ma túy và Pháp lệnh phòng, chống mại dâm để sớm đề xuất Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng Luật và pháp lệnh của Quốc hội.

Rà soát, đánh giá các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật phòng, chống HIV/AIDS, Luật phòng, chống ma túy và Pháp lệnh phòng, chống mại dâm để kịp thời bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho quá trình tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, ma túy và mại dâm.

Đồng thời tổng kết đánh giá Chương trình điều trị các chất nghiện dạng thuốc phiện bằng Methadone.

Ngoài ra, phải xác định rõ quan điểm và chủ động hơn trong việc huy động và bố trí nguồn lực (bao gồm cả nhân lực, vật lực) cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy và mại dâm. Trong đó, đảm bảo nguồn lực từ ngân sách nhà nước cả trung ương và địa phương.

Chỉ đạo phối hợp hiệu quả giữa các Bộ, đặc biệt là các bộ: Bộ Y tế, Bộ Lao động - thương binh và xã hội và Bộ Công an trong việc đảm bảo yếu tố giới được đưa vào các chương trình ứng phó HIV/AIDS, phòng, chống ma túy và mại dâm một cách đầy đủ. Trong đó, xác định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm cho từng bên cũng như phân bổ các nguồn lực con người, kỹ thuật và tài chính cũng như quyền hạn phù hợp để thực hiện…

Báo cáo cũng đề xuất các giải pháp với các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, với Bộ Công an, Ủy ban đề nghị thúc đẩy việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật và chủ động nghiên cứu để sớm đề xuất sửa đổi Luật phòng, chống ma túy nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc về pháp luật trong lĩnh vực này.

Đồng thời ưu tiên bố trí nguồn lực đối với các nhiệm vụ và hoạt động trong tâm, đặc biệt tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy ở các vùng trọng điểm.  Chủ trì trong việc tham mưu các hoạt động hợp tác quốc tế với các nước có chung đường biên giới với Việt Nam để triển khai phòng, chống và ngăn ngừa ma túy từ xa hiệu quả hơn…/.

Thái Tùng

NỔI BẬT TRANG CHỦ