• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bài 4: Công nghiệp văn hóa cho Thủ đô Hà Nội nhìn từ Hồ Tây như thế nào?

Văn hoá 10/08/2022 14:28

(Tổ Quốc) - Nếu chúng ta có niềm tin rất lớn vào các giá tri phi vật thể của Việt Nam như một tiền đề bảo đảm cho nền công nghiệp văn hóa có thể phát triển mạnh mẽ thì song song với chúng, các giá trị vật thể cũng phải được tạo ra ở một mức tương xứng.

Xây dựng Hồ Tây thành trung tâm văn hóa mới của Thủ đô là một quyết định đúng đắn

Mở đầu câu chuyện với chúng tôi vào một ngày đầu tháng Tám, là một KTS và nhà quy hoạch, TS. Hoàng Hữu Phê được cho là có "duyên" với Hà Nội. Ông kể, "Tôn tạo Khu 36 Phố Phường Hà Nội" là nội dung luận án thạc sỹ của mình cùng GS Yukio Nishimnra (Nhật Bản) ở Học viện Công nghệ Châu Á - AIT và cũng là tên cuốn sách nhỏ vừa được tái bản lần thứ 3 ở Nhà Xuất bản Thế Giới (các lần xuất bản trước là ở Bangkok và Tokyo). Chính nghiên cứu này đã đưa ông đến Đại học Tổng hợp London để làm luận án tiến sỹ về một lý thuyết tổng quát trong cấu trúc đô thị.

Hà Nội là nơi tập trung tinh hoa của văn hóa đất nước, ít nhất kể từ khi Lý Công Uẩn viết Chiếu dời đô vào năm 1010. Theo TS. Hoàng Hữu Phê, cùng với việc các giá trị di sản của nhiều thời đại lịch sử tập trung dày đặc tại địa phận Thủ đô, Hà Nội có một sức hút lớn đối tầng lớp nhân tài, đặc biệt là lớp người trẻ. Chính họ là yếu tố quan trọng nhất trong 4 yếu tố tạo nên sức cạnh tranh của các đô thị trên thế giới hiện nay (nhân tài, mức độ hội nhập, đầu tư và du lịch) và đồng thời là tầng lớp có hiểu biết và nhu cầu rất cao về hưởng thụ văn hóa, bao gồm các hoạt động biểu diễn nghệ thuật có chất lượng.

Bài 4: Công nghiệp văn hóa cho Thủ đô Hà Nội nhìn từ Hồ Tây như thế nào? - Ảnh 1.

TS. KTS Hoàng Hữu Phê.

Trên cơ sở địa giới hành chính của Hà Nội được mở rộng vào năm 2008, Thủ đô thực chất đã phát triển theo một cấu trúc nghiêng về phía đa cực, trong đó các khu vực khác nhau trong thành phố đảm nhiệm các chức năng và phương thức phát triển phù hợp với thế mạnh của mình, tạo điều kiện cho việc hình thành các cực vị thế (Status poles) trong các nghiên cứu của TS Hoàng Hữu Phê.

Và theo ông, các phương thức phát triển đặc thù tại các khu vực khác nhau cho phép kết hợp việc bảo tồn, phát huy di sản với việc xây dựng các công trình văn hóa thể thao mới. Ví dụ, nếu khu 36 Phố Phường như ta đã nói có các quy định thiên về hạn chế việc xây dựng mới và quy mô lớn để giữ nguyên bản sắc một đô thị thương mại cổ châu Á vốn có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với người dân cả nước và khách du lịch nước ngoài, thì các khu vực khác, như quận Tây Hồ, có thể được phát triển theo các xu hướng mới nhất, nhằm đưa Hà Nội thành một Thủ đô có vị trí nổi bật trong khu vực và trên thế giới, nhưng vẫn giữ được những nét đặc trưng của cảnh quan đô thị Hà Nội truyền thống.

Trở lại với Quy hoạch khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An đang được lấy ý kiến người dân. Quy hoạch này đã đề xuất hướng tới ý tưởng gia tăng các không gian xanh đồng thời hướng tới việc kiến tạo một công viên văn hóa công cộng bao gồm đa dạng các hạng mục như công viên văn hóa, nhà hát Opera... Một số hạng mục có thể kể tới như quảng trường trung tâm: đây là không gian mở và dự kiến sẽ được sử dụng làm nơi tổ chức các lễ hội lớn, các chương trình biểu diễn nghệ thuật ngoài trời, các sự kiện văn hóa cộng đồng; Hệ thống mặt nước được thiết kế dựa trên nguyên tắc tôn trọng hiện trạng. Các ao hồ sẽ được cải tạo bờ kè theo tiêu chuẩn.

Đồ án quy hoạch cũng dành nhiều không gian vui chơi giải trí, tham quan, vãn cảnh cho người dân và du khách. Cụ thể như khu dịch vụ vui chơi giải trí cung cấp các dịch vụ vui chơi giải trí, các trò chơi dân gian và tổ hợp dịch vụ phục vụ nhu cầu của du khách. Khu trưng bày nghệ thuật dân gian và gian hàng truyền thống trưng bày và giới thiệu những vật phẩm liên quan đến nền văn hóa nghệ thuật dân gian của nước ta như tuồng, chèo, cải lương, múa rối nước, dân ca quan họ… Tại đây cũng sẽ trưng bày, quảng bá các loại hình nghề truyền thống của Quảng An, Tây Hồ như nghề trồng sen, các sản phẩm từ sen… Bên cạnh đó, còn có Khu trưng bày nghệ thuật đương đại - nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đương đại, tổ chức và trình diễn văn hóa nghệ thuật các nước trên thế giới.

Giải pháp quy hoạch mạng lưới giao thông sẽ được thiết kế có các cấp hạng từ thấp đến cao bao gồm đường cấp khu vực và đường cấp đô thị. Trong đó, đường Đặng Thai Mai được đề xuất mở rộng.

Theo TS. Hoàng Hữu Phê, việc xây dựng Hồ Tây thành trung tâm văn hóa mới của Thủ đô là một quyết định đúng đắn. Các hạng mục công trình như trục cảnh quan đi bộ, quảng trường, bảo tàng nghệ thuật, triển lãm, nhà hát nổi trên Đầm Trị là các thành tố vật thể cần thiết cho trung tâm văn hóa mới. Tuy nhiên, yếu tố quyết định cho thành công của trung tâm văn hóa này lại chính là các yếu tố phi vật thể, hay là phần hồn của nó.

"Khu Trung tâm văn hóa Hồ Tây phải phản ánh các giá trị xã hội cốt lõi, phù hợp với cảnh quan đô thị và trở thành một cực vị thế nổi bật. Để quy hoạch Trung tâm văn hóa mới của Thủ đô tại khu vực Hồ Tây sớm được triển khai, cần tuân thủ quy trình phê duyệt trong đó có việc lấy ý kiến cộng đồng. Trong nhiều trường hợp tương tự không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới, các ý kiến trong cộng đồng có thể rất khác nhau. Để tạo được sự đồng thuận, sẽ không bao giờ thừa nếu có thể tiến hành các cố gắng cung cấp thông tin, giải thích hoặc tổ chức hội thảo nghiêm túc"- TS. Hoàng Hữu Phê nêu quan điểm.

Vậy công nghiệp văn hóa cho thủ đô Hà Nội nhìn từ Hồ Tây như thế nào?

Trên thế giới, các cường quốc kinh tế đều là các cường quốc văn hóa và "sức mạnh mềm" dựa trên vốn văn hóa của họ đã góp phần không nhỏ vào việc duy trì tính cạnh tranh cao của các nền kinh tế này.

Tuy nhiên, đối với một số nước phát triển muộn hơn, nền công nghiệp văn hóa đã trở thành lực lượng chủ đạo trong chiến lược phát triển đất nước. Một ví dụ rất rõ ràng và sinh động là Hàn Quốc. Chính phủ nước này đã chuyển từ trọng tâm kiểm soát chính trị đối với các ngành công nghiệp văn hóa trước đây đến việc coi chúng là yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế dựa vào xuất khẩu văn hoá. Kết quả là các sản phẩm văn hóa của họ (từ văn hóa Kim Chi truyền thống đến K-pop hiện đại) nhận được hỗ trợ hiệu quả bởi đầu tư của chính phủ vào các ngành liên quan như công nghệ thông tin và truyền thông. Từ những năm 1990, Hàn Quốc đã tham gia mạnh mẽ vào thị trường Đông Á và từ đầu những năm 2000, đã trở thành một hiện tượng thực sự đặc biệt trên thị trường toàn cầu, giúp Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất về mọi mặt trên thế giới.

Ngay trong khu vực Đông Nam Á, Singapore và Thái Lan cũng dựa rất mạnh vào vốn văn hóa của mình để phát triển và cạnh tranh thành công trên phạm vi toàn cầu.

Theo TS Hoàng Hữu Phê, nếu chúng ta có niềm tin rất lớn vào các giá trị phi vật thể của Việt Nam như một tiền đề bảo đảm cho nền công nghiệp văn hóa có thể phát triển mạnh mẽ thì song song với chúng, các giá trị vật thể cũng phải được tạo ra ở một mức tương xứng.

Bài 4: Công nghiệp văn hóa cho Thủ đô Hà Nội nhìn từ Hồ Tây như thế nào? - Ảnh 2.

Một góc Hồ Tây hiện nay. Ảnh minh họa: Nam Nguyễn

"Một nền công nghiệp văn hóa muốn hoạt động và phát triển đến đỉnh cao cần phải tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật cho cả 7 ngành nghệ thuật truyền thống, bao gồm Kiến trúc, Điêu khắc, Hội họa, Văn học, Âm nhạc, Biểu diễn và Điện ảnh. Đặc biệt đối với 3 ngành cuối: Âm nhạc, Biểu diễn và Điện ảnh, các không gian chuyên dụng chất lượng cao là yêu cầu tối thượng"- TS Hoàng Hữu Phê chia sẻ.

Bàn luận về việc Hà Nội mong muốn xây dựng một nhà hát tầm cỡ trong khu vực và kỳ vọng đây sẽ là một biểu tượng văn hóa không chỉ của thủ đô mà của cả nước, TS Hoàng Hữu Phê cho rằng, một nhà hát tầm cỡ khu vực chắc chắn là ưu tiên hàng đầu cho Trung tâm Văn hóa – Thể thao quốc tế Hồ Tây, nếu muốn đẩy nhanh quá trình hội nhập và đưa Việt Nam vào tâm điểm của khu vực Đông Nam Á trên lĩnh vực văn hóa.

Ông đưa ra một số lý do mà theo ông là "hiển nhiên". Thứ nhất: Đối với các ngành Âm nhạc, Biểu diễn và Điện ảnh, thành công của chúng phụ thuộc gần như hoàn toàn vào công nghệ nghe nhìn hiện đại đã có những bước phát triển vượt bậc, yêu cầu các không gian và thiết bị chuyên dụng được thiết kế kỹ lưỡng.

Thứ hai, các cơ sở biểu diễn hiện nay ở Hà Nội, tuy đã phục vụ tuyệt vời cho cộng đồng dân cư đô thị từ ngày xây dựng nhưng chỉ có công suất hạn chế, không còn thích hợp với quy mô rất lớn của các hoạt động văn hóa tầm cỡ khu vực hoặc toàn cầu - chính là đích nhằm tới của nền công nghiệp văn hóa mới của Việt Nam.

Thứ ba, một nhà hát tầm cỡ với các không gian và hệ thống phụ trợ sẽ là tâm điểm, hoặc là cực vị thế quan trọng nhất, tạo ra sức hút mạnh mẽ đối với cộng đồng dân cư thủ đô và bè bạn năm châu.

Và thứ tư: Cơ sở vật chất - kỹ thuật tầm cỡ quốc tế của nhà hát này sẽ là nơi đào tạo các tài năng với những hứa hẹn phát triển rực rỡ của giới trẻ làm nghệ thuật, những người góp phần xây dựng sức mạnh mềm của đất nước mà ai cũng biết là sẽ đóng một vai trò đáng kể trong các chiến lược phát triển kinh tế của một đất nước Việt Nam hùng mạnh và văn minh.

"Tôi nghĩ nếu nói chuyện về nhà hát thì đó là một "cỗ máy" hết sức phức tạp, cần rất nhiều sự cải tiến. Một nhà hát không chỉ đơn giản là chỗ ngồi xem hát mà là cả một hệ thống vận hành, hệ thống kỹ thuật rất phức tạp và nó đòi hỏi rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm và tôi ủng hộ việc xây dựng một công trình như thế này" – TS Hoàng Hữu Phê chia sẻ.

Hồ Tây nên được ứng xử theo cách tiếp cận tôn tạo di sản thay vì bảo tồn lịch sử

Để thực hiện hài hòa giữa bảo tồn và phát triển di sản hiện nay, theo TS. Hoàng Hữu Phê, trước hết cần phải nói rằng, đứng trước một khu vực hay công trình có các yếu tố di sản cần bảo vệ và phát huy, ta có ba cấp độ xử lý, tùy theo mức độ quan trọng và tình huống đô thị: Bảo tồn lịch sử, Tôn tạo di sản và Tái phát triển.

Trên thế giới, cấp độ thứ nhất chỉ áp dụng cho các công trình di sản đặc biệt khi cần giữ nguyên hiện trạng lịch sử, đến từng chi tiết như màu sơn và vật liệu khởi thủy, chẳng hạn đối với các lâu đài và nơi thờ tự ở Rome, Paris, Bắc Kinh, hoặc khu Đại nội trong thành Huế.

Bài 4: Công nghiệp văn hóa cho Thủ đô Hà Nội nhìn từ Hồ Tây như thế nào? - Ảnh 2.

Theo quy hoạch, trên mặt hồ Đầm Trị nằm trong bán đảo Quảng An sẽ được xây dựng một nhà hát Opera.

Các khu vực cảnh quan rộng lớn như Hồ Tây thì cần áp dụng cấp độ thứ hai, tức là tôn tạo di sản. Các nghiên cứu gần đây trên thế giới, đặc biệt của các thành viên tích cực thuộc ICOMOS (Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế) đã chỉ ra rằng cấp độ hai hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc phát triển bền vững, đó chính là cái chúng ta cần cho Hà Nội. Tôn tạo di sản cho phép chúng ta tận dụng mọi nguồn lực để nhanh chóng phát triển Trung tâm Văn hóa – Thể thao quốc tế Hồ Tây mà không phải máy móc giữ ở trạng thái bất biến tất cả các thành tố vật thể ở đây.

"Các thay đổi có tuân theo nguyên tắc phát triển bền vững và bảo đảm giữ nguyên bản sắc của khu vực là một hoạt động bình thường ngay ở những đô thị có quy định chặt chẽ nhất về quy hoạch tôn tạo di sản"- TS. Hoàng Hữu Phê khẳng định.

Hồ Tây là một cảnh quan lịch sử, do vậy TS. Hoàng Hữu Phê nhấn mạnh lại một lần nữa là: nên được ứng xử theo cách tiếp cận tôn tạo di sản thay vì bảo tồn lịch sử. Trong cách tiếp cận này, không nhất thiết phải giữ nguyên trạng hoặc phục hồi nguyên trạng các yếu tố vật thể, mà phải giữ cho được các đặc tính phi vật thể, tức là hồn cốt của nơi chốn, các giá trị căn bản của cái thường được gọi là trí nhớ văn hóa. Để thực hiện được cần lập một thiết chế thích hợp là khu vực tôn tạo/bảo tồn, nơi lưu giữ các đặc điểm kiến trúc/tự nhiên được coi là có giá trị và cần được bảo vệ.

Về mặt thiết kế công trình, hiện nay tại khu vực Hồ Tây chưa có công trình tầm cỡ nào về hoạt động văn hóa nghệ thuật được xây dựng và đây là một cơ hội lớn để đầu tư cho những công trình biểu tượng bề thế. Công trình cũng phải phản ánh trình độ, mức độ phát triển hiện tại của xã hội chúng ta.

Về hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông phải được quan tâm hàng đầu, đặc biệt đối với các khu vực tập trung nhiều hoạt động văn hóa – biểu diễn công cộng. Việc xử lý nước thải và chất thải rắn cần phải bảo đảm ngăn chặn ở mức cao nhất các khả năng xảy ra ô nhiễm đối với một diện tích đáng kể mặt nước tự nhiên. Có thể nói, đây là nơi tập trung cao nhất các hoạt động văn hóa – văn nghệ, nên cách tiếp cận quy hoạch và kiến trúc phù hợp với một số lượng người rất lớn cần được cân nhắc kỹ, đặc biệt quan tâm đến công tác an toàn và chất lượng môi trường.

Các công trình nổi bật so với thế giới có lẽ vẫn còn ở phía trước

Phải thành thực mà nói rằng, ở một đất nước đã chứng kiến rất nhiều biến động dữ dội của lịch sử và sự tàn phá khốc liệt của nhiều cuộc chiến tranh thì lĩnh vực sáng tạo các sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể có thể trở thành di sản để lại cho các thế hệ mai sau, chúng ta chưa làm được gì nhiều. Những công trình lịch sử lớn trong khuôn khổ Hoàng thành Thăng Long, Thành Huế đã không còn được nguyên vẹn. Sau 1954 và sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975, các công trình văn hóa ở Hà Nội đã xuất hiện nhiều hơn, như nhà hát Chèo, Bảo tàng Dân tộc học, Nhà hát Tuổi Trẻ, Trung tâm Chiếu phim quốc gia, v..v… và các công trình do nước bạn giúp như Cung Văn hóa Công nhân, Bảo tàng Hồ Chí Minh. Những công trình này đã thu hút một lượng người hưởng thụ văn hóa đông đảo. Tuy nhiên, các công trình nổi bật cả về trình độ công nghệ và giá trị kiến trúc so với khu vực và trên thế giới có lẽ vẫn còn ở phía trước. Chúng ta chắc chắn sẽ tiến tới việc phát triển các công trình này thông qua các cuộc thi kiến trúc quốc tế như hầu hết các nước trên thế giới, kể cả các nước phát triển nhất, vẫn thường làm khi đầu tư cho các công trình mấu chốt.

Cuộc thi kiến trúc nhà hát Opera đã diễn ra với trình độ chuyên môn và mức độ kinh nghiệm cao nhất có thể trên thế giới

"Năm 2010, Công ty Vinaconex R&D do tôi làm giám đốc đã được UBND TP Hà Nội chọn làm Nhà tư vấn cho cuộc thi Kiến trúc Quốc tế về Nhà hát Opera Hà Nội. Chúng tôi gửi giấy mời và gọi điện thoại chính thức cho 4 công ty của các kiến trúc sư được coi là hàng đầu thế giới lúc bấy giờ: Norman Foster (Anh), Renzo Piano (Ý), Zaha Hadid (Anh) và Paul Andreu (Pháp). Cuối cùng Zaha và Paul không tham gia được vì bận và phương án của Renzo Piano đã được lựa chọn bởi một Hội đồng Giám khảo quốc tế uy tín dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng, nữ Giáo sư Christine Hawley, lúc bấy giờ là người đứng đầu Khoa Kiến trúc tại Đại học Tổng hợp London (The Bartlett School of Architecture, University College London).

Cuộc thi kiến trúc đã diễn ra với trình độ chuyên môn và mức độ kinh nghiệm cao nhất có thể trên thế giới và chúng tôi cùng với Hội đồng giám khảo tin chắc rằng nếu được quyết định đầu tư thì đây sẽ là một công trình nổi bật của Việt Nam, sẽ gây tiếng vang lớn cho Trung tâm Văn hóa – Giao dịch quốc tế Hồ Tây, đưa Việt Nam hội nhập với sinh hoạt văn hóa của cộng đồng quốc tế rộng rãi" – TS Hoàng Hữu Phê khẳng định.


Song Đào

NỔI BẬT TRANG CHỦ