• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bài 4: Nâng cao nhận thức của người dùng mạng xã hội để những nội dung xấu độc "tự đào thải"

Thời sự 31/05/2022 20:15

(Tổ Quốc) - Các chuyên gia cho rằng để ngăn chặn những nội dung nhảm nhí, lệch chuẩn văn hoá trên mạng xã hội cần phải phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó nếu người dùng tự nâng cao năng lực hiểu biết, tẩy chay những nội dung xấu độc thì chúng sẽ tự đào thải.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc, TS Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, hiện tượng "xả rác" trên không gian mạng vẫn đang diễn ra phức tạp, gây nhức nhối trong xã hội hiện nay. Vì vậy, việc tăng cường công tác quản lý, giải quyết dứt điểm vấn đề rác trên môi trường mạng là rất cần thiết.

Theo TS Đặng Văn Cường, thời gian qua, với chính sách của một số đơn vị cung cấp dịch vụ mạng về việc trả tiền cho người thực hiện các hoạt động trên không gian mạng, một số nghề nghiệp mới hình thành khiến môi trường mạng ngày càng sôi động, lực lượng lao động làm việc trên không gian mạng, kiếm tiền, làm giàu trên không gian mạng ngày càng nhiều.

"Cơ hội kiếm tiền phụ thuộc vào lượng người tương tác đối với các tài khoản. Trong khi nhận thức, văn hóa, thói quen của người sử dụng mạng internet chưa theo kịp sự phát triển của xã hội, bởi vậy không ít người đã xem nhẹ các chuẩn mực đạo đức xã hội, coi nhẹ các quy định, chế tài của pháp luật", TS Đặng Văn Cường phân tích.

Nâng cao nhận thức của người dùng mạng xã hội để những nội dung xấu độc "tự đào thải" - Ảnh 1.

Tiến sĩ luật học, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội)

TS Đặng Văn Cường nhấn mạnh, điều đáng chú ý là sức lan tỏa thông tin trên môi trường mạng rất nhanh (theo cấp số nhân) nên những tác động tiêu cực từ những hành vi thiếu chuẩn mực đạo đức, không phù hợp với văn hóa xã hội sẽ rất khủng khiếp.

Theo TS Đặng Văn Cường, để giảm thiểu những hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng nói chung, hành vi đăng tải các clip, các thông tin nhảm nhí giả mạo trên mạng xã hội nói riêng thì cần phải thực hiện đồng bộ, đầy đủ các giải pháp. Trong đó, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân; Quan tâm hơn nữa đến giáo dục đạo đức nhân cách, văn hóa, đặc biệt là văn hóa ứng xử trên không gian mạng.

"Văn hóa ứng xử trên không gian mạng không chỉ cần thiết đối với người trẻ mà cả đối với người trưởng thành.

Những người sử dụng mạng xã hội nói riêng và thực hiện các hành vi trên không gian mạng nói chung cần phải có kiến thức, kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình cũng như tránh hành vi vô tư "xả rác" trên không gian mạng", TS Đặng Văn Cường nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, theo TS Đặng Văn Cường, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường lực lượng, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật và quyết liệt hơn nữa trong việc đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, trong đó có cả những hành vi vi phạm hành chính để ngăn chặn những hành vi có thể diễn biến nguy hiểm hơn, hậu quả khó lường hơn trên không gian mạng.

TS Đặng Văn Cường nhấn mạnh, những hành vi đưa thông tin giả mạo, bịa đặt, sai sự thật, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, những thông tin lừa đảo thì cần phải xử lý kịp thời, nghiêm minh, bằng các chế tài của pháp luật.

Nâng cao nhận thức của người dùng mạng xã hội để những nội dung xấu độc "tự đào thải" - Ảnh 2.

TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam)

Cùng trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc, TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cho rằng những giải pháp để ngăn chặn những nội dung xấu độc tràn lan trên mạng xã hội phải triệt để, không để tái diễn tình trạng "cứ dẹp xong đợt rác này lại xuất hiện đợt rác khác".

TS Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh sự phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp là rất cần thiết. Trong đó, về luật, phải xây dựng chế tài xử lý cụ thể và nghiêm khắc hơn với vấn đề này. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần phải thật sự mạnh tay, kiên quyết ngăn chặn những nội dung lệch chuẩn văn hoá, độc hại để những nội dung này không thể tiếp cận người dùng.

"Phải sử dụng các công cụ pháp luật, biện pháp công nghệ để can thiệp, buộc các công ty công nghệ, các mạng xã hội phải siết chặt kiểm duyệt các nội dung cho phù hợp" - TS Nguyễn Viết Chức nói.

TS Nguyễn Viết Chức cũng nhấn mạnh biện pháp tăng cường giáo dục, nâng cao năng lực nhận thức và hiểu biết của người dùng mạng xã hội, đặc biệt của giới trẻ để tất cả cùng tẩy chay, tránh xa những video, clip độc hại thì những nội dung này cũng sẽ "tự đào thải".

Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ