(Tổ Quốc) - Tối 27/4, tại Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam đã tổ chức Chương trình giao lưu chính luận - nghệ thuật "Bài ca thống nhất". Chương trình là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2021).
Chương trình giao lưu chính luận - nghệ thuật "Bài ca thống nhất" do Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện, gồm ba phần: Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước; Những bước chân thần tốc; Bài ca thống nhất, tái hiện giai đoạn lịch sử hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ thần kỳ mà đỉnh cao là Đại thắng Mùa xuân năm 1975.
Những phóng sự, thước phim, và các câu chuyện kể của các nhân vật - nhân chứng lịch sử đã đưa công chúng trở về với những năm tháng hào hùng của dân tộc. Những năm tháng mà ở đó, cùng với bao gian lao, hi sinh, mất mát là chiến thắng huy hoàng của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Những câu chuyện kể của các nhân vật - nhân chứng gắn liền với giai đoạn lịch sử hào hùng này như Nhà báo Hà Đăng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương; Thiếu tướng Khuất Việt Dũng - con trai Trung tướng Khuất Duy Tiến; Thượng tướng, viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu –nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Nhà báo Trần Mai Hạnh, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam... cùng nhiều nhân vật khác đã đưa khán giả hồi tưởng lại chặng đường gian lao cùng những hi sinh, mất mát mà dân tộc ta đã phải trải qua trên con đường giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thiếu tướng, TSKH Quân sự Lộ Khắc Tâm, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 25 thuộc Mặt trận Tây Nguyên, đơn vị đã tham gia đánh trận mở màn Chiến dịch Tây Nguyên, tháng 3 năm 1975. Thiếu tướng cho biết: Chiến dịch Tây Nguyên là chiến dịch chiến lược. Thành bại của chiến dịch này ảnh hướng trực tiếp đến cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Vì thế, để chiến dịch thành công, Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng và Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo các đơn vị từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế, Sài Gòn Gia Định hoạt động tác chiến, phối hợp để giam chân và chia cắt địch về mặt chiến lược, tạo điều kiện để Chiến dịch Tây Nguyên giành thắng lợi.
Chiến dịch Tây Nguyên chọn mục tiêu đột phá là thị xã Buôn Mê Thuột, nơi hậu cứ của Sư đoàn 23 quân đội Sài Gòn. Địch nghĩ chúng ta sẽ đột phá vào Kon Tum và Playku. Vì vậy, chúng đã điều lực lượng lên để sẵn sàng đối phó. Vì thế chúng để sơ hở Buôn Mê Thuột. Địa hình Buôn Mê Thuột lại tạo điều kiện để chúng ta triển khai binh chủng hợp thành, chuẩn bị cho cuộc tấn công. Điểm thứ hai là cài thế và chia cắt chiến dịch. Chúng ta đã cắt đường 19, đường 14 để địch ở Kon Tum, Playku không ứng cứu được Buôn Mê Thuột. Chặn đường 21 để địch không có đường chạy.
Điểm nổi bật nữa là đánh thắng các trận then chốt. Đột phá vào thị xã Buôn Mê Thuột; tiêu diệt lực lượng đổ bộ đường không ở Phước An; đánh ở sân bay Phùng Sơn.
Sau khi bị những đòn đánh bất ngờ, địch hoảng loạn, đẩy chúng đến quyết định phải rút khỏi Tây Nguyên. Cuộc ""nghi binh hoàn hảo"" tạo ra chiến thắng thần tốc ""1 ngày bằng 20 năm"".
Sau khi làm chủ Tây Nguyên (24/3), các cánh quân của ta tiếp tục phát triển xuống duyên hải Trung Bộ theo các trục đường 19, 7 và 21, giải phóng Bình Khê, Phú Yên, Nha Trang - Cam Ranh.
Nhà báo Trần Mai Hạnh, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ với khán giả đang theo dõi chương trình truyền hình những cảm xúc còn vẹn nguyên khi ông may mắn được chứng kiến những giờ lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập và viết bài tường thuật đầu tiên của giới báo chí Việt Nam với nhan đề "Thành phố Hồ Chí Minh: Rực rỡ sao vàng". Bài tường thuật được in trên Bản tin Đấu tranh thống nhất phát báo đêm 30/4/1975, được đọc trong buổi thời sự đặc biệt của Đài Tiếng nói Việt Nam trưa 1/5/1975 và được đăng trên Báo Nhân Dân số đặc biệt ra ngày 2/5/1975 với đầu đề được đặt lại là "Tiến vào Phủ Tổng thống nguỵ".
Ông Trần Mai Hạnh kể lại chặng đường tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh trong đoàn cán bộ đặc biệt của VNTTX ngày ấy do đích thân nhà báo Đào Tùng, Tổng Biên tập VNTTX dẫn đầu. Ông Trần Mai Hạnh cho biết, trên chiếc Honda 90 phân khối phóng hết tốc lực, ông tới Dinh Độc Lập khi lá cờ chiến thắng vừa được Đại đội trưởng Bùi Quang Thận kéo lên cột cờ cao nhất trên nóc Dinh Độc Lập. Tổ phóng viên mũi nhọn của TTXVN trong đó có em ruột tôi là nhà báo Trần Mai Hưởng đã đến trước ít phút, vì đi theo sư đoàn 304 và lữ đoàn thiết giáp 203, các anh đã kịp ghi lại những bức ảnh lịch sử. Còn tôi lao vào lấy tài liệu để viết bài tường thuật đầu tiên. Ngay sau đó tôi phóng Honda ra Cảng Sài Gòn là nơi Bác Hồ kính yêu ra đi tìm đường cứu nước. Khi ra đó, một khung cảnh huy hoàng hiện lên trước mắt. Những tàu hải quân của Mỹ Ngụy bị trúng đạn pháo của quân Giải phóng bốc cháy dữ dội trên sông Sài Gòn. Hàng trăm đồng bào mang ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cờ giải phóng, cờ đỏ sao vàng ùa ra đón đoàn quân giải phóng tiến vào. Khi tôi đặt bút viết bài thường thuật, hình ảnh đó hiện lên trước mặt và tâm trí tôi hiện lên dòng chữ "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng"- và tôi chọn đó làm tiêu đề bài tường thuật của mình - Nhà báo Trần Mai Hạnh chia sẻ.
Trưa 30/4/1975, thời khắc xe tăng của quân Giải phóng húc đổ cổng, hùng dũng tiến vào Dinh Độc Lập là hình ảnh quen thuộc của hàng triệu người dân Việt Nam. Tác giả bức ảnh nổi tiếng "Xe tăng quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập" được dùng như một biểu tượng của chiến thắng, Nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN cho biết: Mùa xuân 1975 là mùa xuân đặc biệt, in đậm trong tâm khảm của muôn triệu người Việt Nam. Bức ảnh đối với tôi là một cơ duyên, là sự may mắn trong cuộc đời làm báo, cuộc đời cầm máy. Trước đó, tôi cùng nhóm phóng viên mũi nhọn của TTXVN được cử đi theo quân Giải phóng cánh quân phía đông, giải phóng Huế, Đà Nẵng, tiến dọc vào Xuân Lộc, tham gia với Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 và Bộ Chỉ huy của Sư đoàn 304, chứng kiến trận đánh cuối cùng ở căn cứ Nước Trong. Sau đó, khi chuẩn bị đưa lực lượng vào giải phóng Sài Gòn, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đã cho chúng tôi đi cùng mũi thọc sâu gồm Lữ đoàn thiết giáp 203 và Sư đoàn bộ binh 304.
Chúng tôi hành quân cùng anh em từ ngày 29/4, từ phía Nước Trong vào Sài Gòn. Tôi vẫn nhớ chiều 29/4, xe tăng chúng ta xuất quân, cờ bay bụi đỏ trong rừng cao su hình ảnh vô cùng hùng dũng. Chúng ta vẫn nói thời khắc ấy, chúng ta đi 1 ngày bằng 20 năm, không ai nghĩ chiến thắng đến gần và đến nhanh như vậy. Vừa đi vừa đánh, xe tăng, bộ binh, nhà báo cùng tiến vào Sài Gòn, chiến sự vẫn diễn ra. Khi chúng tôi tiến đến Dinh Độc Lập, tôi đã chụp 7 bức ảnh, nhan đề là Sài Gòn ngày 30/4. Đây là xe tăng 846, không phải là xe đầu tiên, nhưng là 1 trong 7 xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập, đây là xe thứ 4. Đây là một biểu tượng của chiến thắng, là một khoảnh khắc của lịch sử.
Khán giả theo dõi chương trình truyền hình trực tiếp chứng kiến phút gặp lại xúc động giữa nhà báo Trần Mai Hưởng với cựu chiến binh Trần Bình Yên (lái xe) và Nguyễn Bá Tứ (pháo thủ) trên chiếc xe tăng số hiệu 846 tiến vào Dinh Độc Lập trong khoảng khắc lịch sử 46 năm trước.
Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là đại thắng mùa xuân năm 1975 là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm của dân tộc. Quân và dân ta đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho đất nước; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Có được vinh quang ấy, chúng ta không thể quên những người chiến sĩ đã hiến dâng cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong những ngày tháng 4 lịch sử, mỗi người Việt Nam đã dành tình cảm tri ân những liệt sĩ, thương binh, mẹ Việt Nam anh hùng… Những Mẹ VNAH Nguyễn Thị Nuôi, Nguyễn Thị Thứ… và hàng ngàn người mẹ Việt Nam khác, đã "bao lần tiễn con đi, bao lần khóc thầm lặng lẽ" khi những đứa con của mình mãi mãi không trở về.
Chương trình giao lưu chính luận - nghệ thuật được truyền hình trực tiếp "Bài ca thống nhất" là dịp để nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước, nhận thức sâu sắc hơn giá trị, những bài học kinh nghiệm tổng kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.