• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bài toán khó cho công tác bảo tồn và phát triển tranh dân gian Đông Hồ trong đời sống đương đại

Văn hoá 01/11/2019 15:08

(Tổ Quốc) – Sáng 1/11, tại TP Bắc Ninh, đã diễn ra hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Tranh Dân gian Đông Hồ trong đời sống đương đại".

Hội thảo do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và UBND tỉnh Bắc Ninh phối hợp tổ chức.

Bài toán khó cho công tác bảo tồn và phát triển tranh dân gian Đông Hồ trong đời sống đương đại - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Phong phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Phong cho biết, trước đây làng tranh Đông Hồ có 17 dòng họ làm tranh. Sau 1945, các dòng tranh dân gian Đông Hồ cùng với Hàng trống, Kim Hoàng bị suy thoái, đứng bên bờ vực phá sản. Hiện nay, ở làng Đông Hồ chỉ còn lại 3 gia đình nghệ nhân còn làm nghề.

Năm 2013, tranh dân gian Đông Hồ đã được ghi trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2014, UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt Đề án "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ, huyện Thuận Thành, giai đoạn 2014 – 2020 và định hướng đến năm 2030". Cùng trong năm này UBND tỉnh quyết định phê duyệt thực hiện Dự án "Xây dựng Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị tranh dân gian Đông Hồ". Hiện nay, UBND tỉnh Bắc Ninh đang chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về tranh dân gian Đông Hồ; chủ trì phối hợp xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia trình UNESCO đưa tranh dân gian Đông Hồ vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

"Việc tổ chức hội thảo này có ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo vệ các giá trị nghệ thuật của dòng tranh này trong xã hội đương đại, hướng tới sự phát triển bền vững, khơi dậy nhận thức của người dân nói chung và cộng đồng nói riêng về việc giữ gìn và phát huy giá trị của di sản quý giá mà cha ông bao đời truyền lại" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Phong bày tỏ mong muốn được lắng nghe các ý kiến tâm huyết của các khách mời, chuyên gia trong nước và quốc tế, các nghệ nhân để làm sao phát huy được giá trị của dòng tranh này trong đời sống đương đại hiện nay "Những kết quả của hội thảo sẽ góp phần xây dựng chương trình bảo vệ văn hóa phi vật thể nói chung và nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ nói riêng".

Bài toán khó cho công tác bảo tồn và phát triển tranh dân gian Đông Hồ trong đời sống đương đại - Ảnh 2.

PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam Quốc gia Việt Nam phát biểu đề dẫn tại hội thảo.

PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho biết, tại hội thảo khoa học quốc tế lần này, các đại biểu, chuyên gia, khách mời sẽ cùng tập trung thảo luận vào 04 chủ đề là: Vấn đề lý luận, cách tiếp cận nghiên cứu tranh dân gian và tranh Đông Hồ dưới góc độ liên quan (Nghệ thuật, Nghiên cứu văn hóa, Nhân học văn hóa, Văn hóa tranh dân gian…); Nhận diện, giá trị và ý nghĩa của tranh dân gian nói chung và tranh dân gian Đông Hồ nói riêng; Thực trạng, quản lý nghề làm tranh và tranh dân gian Đông Hồ; Vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị của di sản tranh dân gian và tranh Đông Hồ.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến cho việc sản xuất của dòng tranh Đông Hồ ngày càng ít đi. Song nguyên nhân chính vẫn là thị trường tiêu thụ trong nước đã bão hoà, trong khi đó thị trường quốc tế thì chưa mở rộng. Người làm tranh còn thiếu vốn để đầu tư cơ sở sản xuất, nhà trưng bày để quảng bá sản phẩm... Một nguyên nhân khác là nhiều thợ giỏi của Đông Hồ đã di dời đến nhiều nơi để kiếm sống hay chuyển sang đầu tư làm nghề khác cho thu nhập cao hơn. Thị trường tiêu thụ của tranh Đông Hồ hiện nay chủ yếu là khách du lịch, các nhà sưu tập tư nhân hay các viện nghiên cứu, trung tâm văn hoá, bảo tàng ở các nước… với số lượng không nhiều. Mặc dù Nhà nước cũng tạo điều kiện cho các hộ làm tranh đi trình diễn, giới thiệu, quảng bá in tranh ở nhiều nước thông qua các hoạt động Festival đều được khách hàng nước sở tại quan tâm, chú ý.

Bài toán khó cho công tác bảo tồn và phát triển tranh dân gian Đông Hồ trong đời sống đương đại - Ảnh 3.

Biểu diễn hát quan họ khai mạc hội thảo.

Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ của tranh Đông Hồ cũng không có mấy khả quan giống như các ngành nghề thủ công mỹ nghệ khác. Bởi vậy, nguy cơ thất truyền của làng nghề này trong tương lai rất lớn. Vì thế, vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của làng nghề vào trong đời sống đương đại là một bài toán khó giải cho công tác bảo tồn và phát triển của làng nghề này trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay./.

Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ