(Tổ Quốc) – Hiện nay, phát triển du lịch nông thôn của nước ta đã được nhiều địa phương khai thác với quy mô và tốc độ phát triển khác nhau, tuy nhiên mức độ quan tâm đầu tư còn hạn chế, hiệu quả kinh tế xã hội còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của một đất nước nông nghiệp, với hơn 65% dân số sinh sống tại khu vực nông thôn.
Nhận thức về phát triển du lịch nông thôn chưa đồng bộ
Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho hay, hiện nay phát triển du lịch ở khu vực nông thôn của nước ta đã được nhiều địa phương khai thác với quy mô và tốc độ phát triển khác nhau, tuy nhiên mức độ quan tâm đầu tư còn hạn chế, hiệu quả kinh tế xã hội còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của một đất nước nông nghiệp.
Khách du lịch tham quan khu du lịch cộng đồng Cồn Sơn - TP Cần Thơ.
"Nhìn chung việc phát triển du lịch nông thôn hiện nay còn đang mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của khu vực này".
Cụ thể theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, hiện việc đánh nguồn lực để phát triển du lịch tại khu vực nông thôn chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều địa phương đang chỉ mới tập trung khai thác, tận dụng các tài nguyên sẵn có chứ chưa có sự quan tâm, nhìn nhận đúng về vị trí và vai trò của phát triển du lịch nông thôn. Điều này dẫn đến thực trạng phát triển nóng (ồ ạt, phá vỡ cảnh quan, môi trường sinh thái). Việc khai thác các yếu tố sản xuất nông nghiệp, nông thôn vào du lịch còn rời rạc, chưa có sự liên kết chặt chẽ trên cơ sở hình thành các chuỗi giá trị, chuỗi liên kết, tạo ra các tour, tuyến đặc thù, nổi bật. "Ở nhiều địa phương, phát triển du lịch nông thôn chưa có được sự quan tâm, vào cuộc của các cấp chính quyền, đặc biệt là các ngành liên quan dẫn tới sự phát triển một cách tự phát, thiếu tính chuyên nghiệp cùng sự bền vững", ông Ngô Hoài Chung nhấn mạnh.
Sự tự phát, thiếu tính chuyên nghiệp đó được thể hiện rõ nét qua các dịch vụ đơn điệu, nghèo nàn. Một số dịch vụ homestay không duy trì được chất lượng dịch vụ ban đầu, nguồn khách không ổn định, khách chi tiêu thấp. Lao động (du lịch – PV) chủ yếu là lao động đơn giản, nên chất lượng phục vụ thấp. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển lâu dài cũng như nhu cầu trước mắt của du khách. "Vấn đề nhà vệ sinh, vệ sinh môi trường, rác thải sinh hoạt, rác thải làng nghề tại khu vực nông thôn đã trở thành những vấn đề nhức nhối, khiến du khách một đi không trở lại", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phân tích.
Trải nghiệm mát sa chân tại khu vực nuôi cá lồng bè trên sông Hậu.
Nâng cao nhận thức về phát triển du lịch gắn với nông thôn mới
Trên cơ sở những hạn chế, vướng mắc đang gặp phải trong phát triển du lịch nông thôn hiện nay, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung, trong thời gian tới, để đạt được các mục tiêu phát triển du lịch nông thôn bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, cần tập trung vào một số nhiệm vụ.
Trước hết là nâng cao nhận thức về phát triển du lịch gắn với nông thôn mới. Trong đó, cần nhấn mạnh phát triển kinh tế du lịch gắn với thị trường (năng lực cung ứng dịch vụ của điểm đến), tránh việc phát triển theo phong trào. "Phát triển du lịch nông thôn cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đặc biệt nhấn mạnh.
Trải nghiệm du lịch miệt vườn tại đồng bằng sông Cửu Long.
Về chính sách phát triển du lịch nông thôn, cần tập trung ưu tiên đầu tư hạ tầng tại những địa phương có ưu thế về tài nguyên. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân liên kết đầu tư du lịch kết hợp với phát triển ngành nghề nông nghiệp truyền thống, thông qua các ưu đãi về thuế, vốn vay, quyền sử dụng đất…
"Cần rà soát, quy hoạch, phát triển du lịch nông thôn trong phạm vi từng địa phương, trong đó cần gắn chặt với mục tiêu phát triển nông thôn mới, từ đó quyết định hình thành các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng cao. Sản phẩm du lịch nông thôn phải được khai thác dựa trên giá trị cốt lõi (thế mạnh sản xuất nông nghiệp của vùng, đảm bảo sự hoàn chỉnh của dịch vụ, hình thành chuỗi giá trị du lịch – nông nghiệp, tránh sự phát triển ồ ạt, tăng trưởng nóng", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung nói.
Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông thôn. Vì chủ thể của hoạt động du lịch nông thôn không ai khác chính là bà con nông dân, do đó để khai thác và phát triển du lịch nông thôn, bắt buộc phải trang bị những kỹ năng, kiến thức về nghiệp vụ du lịch cho bà con.
Là đất nước nông nghiệp, với hơn 65% dân số sinh sống tại khu vực nông thôn, tài nguyên cho phát triển du lịch nông thôn của Việt Nam rất lớn. Vì thế, việc phát triển du lịch nông thôn là hướng đi đúng đắn và phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.
Mục tiêu lớn nhất của phát triển kinh tế du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới là việc liên kết, khai thác chuỗi giá trị nông nghiệp – du lịch, đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội của khu vực nông thôn Việt Nam, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị./.