Trưởng Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý “khẳng định chắc chắn sẽ có câu trả lời thỏa đáng” trước những vấn đề báo chí phản ánh về kết quả thi THPT quốc gia 2018 của tỉnh này.
Đại diện Ban Chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia 2018 của tỉnh Hà Giang khẳng định tỉnh không bao che, có sai phạm thì sẽ xử lý theo quy định. Quan điểm của tỉnh Hà Giang là cần đánh giá, kiểm tra khách quan, trung thực, xem có sai hay không, có thiếu sót hay không. “Tôi khẳng định chắc chắn sẽ có câu trả lời thỏa đáng”, báo Lao động dẫn lời ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 tỉnh Hà Giang.
Ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 tỉnh Hà Giang - Ảnh: Báo Lao động |
Cũng theo ông Trần Đức Quý, ngay sau khi các phương tiện thông tin đại chúng đặt nghi vấn về kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang, lãnh đạo tỉnh đã giao cho Sở GDĐT tỉnh tập trung đánh giá, rà soát lại toàn bộ quy trình, các khâu tổ chức kỳ thi.
Ông cũng nhấn mạnh, quan điểm của UBND tỉnh Hà Giang là sai đến đâu phải xử lý nghiêm túc đến đấy, kể cả vấn đề hình sự. Tỉnh quyết tâm làm và sẽ không có vùng cấm, không có chuyện bao che. Mục tiêu là điểm phải trở về điểm thực với năng lực của học sinh.
Trước vấn đề này, theo TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), với quy trình chấm thi chặt chẽ như năm nay, khi có sự giám sát của công an, thanh tra, thì việc gian lận, tiêu cực chỉ có thể xảy ra khi có sự thông đồng giữa các bên, tức là “sai phạm có tổ chức”, “ăn dây” với nhau.
“Tôi nghĩ tốt nhất những người có trách nhiệm của Hà Giang nên thành thật, làm kiên quyết và không xuê xoa, vì nó liên quan đến quyền lợi, sự công bằng cho hàng triệu thí sinh trên cả nước. Các địa phương hiện nay được giao quyền tổ chức kỳ thi thì phải gắn với trách nhiệm giải trình và chịu sự giám sát của xã hội. Nếu có sai phạm, Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Sự việc ở này sẽ là bài học cho các địa phương khác, không nên vì thành tích mà đánh đổi niềm tin của xã hội”, ông Khuyến nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết thêm, ngay sau khi có công văn của Bộ GDĐT, ngày 13/7, tỉnh đã tiến hành rà soát. Khi rà soát, Hà Giang thấy rằng cũng có những vấn đề bất thường, đã trao đổi với Bộ GDĐT và đề nghị Bộ hỗ trợ.
Ngoài đoàn của Bộ, tỉnh còn đề nghị đoàn của Học viện Ngân hàng trực tiếp tham gia giám sát thi, coi thi lên kiểm tra. Bên cạnh đó, tỉnh cũng lấy ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực khác.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GDĐT cho biết: “Đoàn công tác của Bộ vẫn đang phối hợp với Ban Chỉ đạo thi tỉnh Hà Giang rà soát lại tất cả các khâu. Hiện chưa có kết quả chính thức. Ngay khi có kết luận, chúng tôi sẽ thông tin đến dư luận”.
Tỉ lệ tốt nghiệp của Hà Giang vẫn thấp nhất nước
Trước đó, sau khi phổ điểm thi THPT 2018 được Bộ GDĐT công bố, đã có những ý kiến xung quanh vấn đề học sinh ở Hà Giang đạt điểm cao bất thường ở một số môn thi.
Kỳ thi THPT quốc gia 2018, cả nước có hơn 925.000 thí sinh dự thi, trong đó Hà Giang có gần 5.500 thí sinh, tức là chỉ chiếm 5,9% số thí sinh của cả nước. Tuy nhiên, năm nay Hà Giang đã đạt được rất nhiều kỷ lục, vượt qua cả những địa phương có truyền thống dẫn đầu cả nước về số lượng thí sinh dự thi và kết quả thi.
Cụ thể, cả nước có 76 thí sinh có điểm thi khối A1 đạt từ 27 điểm trở lên, riêng tỉnh Hà Giang đã có 36 thí sinh đạt mức điểm này, chiếm 47,37%. Số thí sinh đạt trên 27 điểm khối A (Toán-Lý-Hóa) của cả nước là 82, thì riêng Hà Giang có 29 (chiếm 35,3%).
Đối với môn Vật lý, toàn tỉnh có 65 thí sinh đạt mức điểm từ 9 trở lên, trong khi số thí sinh đạt mức từ 8 đến dưới 9 chỉ 28.
Theo các chuyên gia, kết quả này trái quy luật, những thí sinh đạt mức từ 8 đến dưới 9 phải có tỷ lệ nhiều hơn từ 9 trở lên mới hợp lý.
Đặc biệt, dù có nhiều thí sinh đạt điểm cao nhưng tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm nay của Hà Giang lại chỉ đạt 89,35%, thuộc nhóm thấp nhất cả nước.
Vũ Phong
(Nguồn: chinhphu.vn)