• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những sự thật ‘khó tin’ ở kỳ thi THPT quốc gia 2018

Giáo dục 15/07/2018 11:51

(Tổ Quốc) - Bốn ngày sau khi Bộ GDĐT công bố điểm thi kỳ thi THPT quốc gia 2018 của tất cả các tỉnh thành, nhiều người vẫn chưa hết ngạc nhiên bởi những gì xảy ra xung quanh kỳ thi năm nay. 

Đáng chú ý là sự bất thường trong kết quả điểm thi của tỉnh Hà Giang vẫn chưa có đáp án và hiện Đoàn công tác của Bộ GDĐT cũng vẫn đang làm việc cùng tỉnh này để rà soát lại quy trình thi cử.

Ngay ngày đầu Bộ GDĐT công bố kết quả thi và phổ điểm thi của các môn thi, kết quả thi khiến nhiều người giật mình bởi điểm thi môn Lịch sử quá thấp và phổ điểm của môn này thấp nhất trong 9 môn thi.

Cũng cần phải nói thêm rằng, năm nay không phải là năm đầu tiên điểm thi môn Sử thấp, thế nhưng con số 1.277/563.013 thí sinh đạt điểm <=1 môn này có khiến chúng ta, những bậc phụ huynh cũng như những nhà giáo suy nghĩ? Thêm vào đó, nhiều địa phương có tỉ lệ thí sinh đạt điểm trên trung bình chỉ xấp xỉ 20%, Đà Nẵng và TP.HCM là hai tỉnh thành có điểm thi môn Sử thấp nhất cả nước, gần 90% thí sinh có điểm thi dưới trung bình. Mặc dù đã có những lý giải nguyên nhân của kết quả này như đổi mới cấu trúc đề lẫn cách tổ chức thi và tâm lý lựa chọn môn thi, học để đối phó… thế nhưng làm sao môn Lịch sử trở nên thân thiện hơn, học sinh học hứng thú hơn, giáo viên dạy hiệu quả hơn và từ đó dẫn đến kiến thức lịch sử tích lũy được, năng lực vận dụng lịch sử trong cuộc sống được nâng lên vẫn là một câu hỏi cũ tiếp tục được nhấn mạnh sau đánh giá kết quả thi lần này.

Cùng với môn Lịch sử, môn tiếng Anh điểm thấp, thực trạng cũng đáng lo ngại. Trong số 814.779 bài thi môn Tiếng Anh kỳ thi THPT quốc gia 2018 có 78,22% thí sinh đạt điểm dưới trung bình, điểm trung bình môn Tiếng Anh năm 2018 chỉ đạt 3,91 điểm, điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là điểm 3, chỉ có 76 bài thi đạt điểm 10. Lý do điểm thi môn tiếng Anh thấp được cho là đề thi khó, trình độ của thí sinh không đồng đều giữa các tỉnh thành, nhiều năm qua đây cũng là một môn thi luôn có nhiều điểm thấp… thế nhưng tới năm nay vẫn không khắc phục được tình trạng này, phải chăng chúng ta đã coi nhẹ việc dạy và học môn ngoại ngữ trong nhà trường, hoặc chương trình giảng dạy không đủ hấp dẫn học sinh dẫn đến chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục Việt Nam không được cải thiện. Và đây cũng là minh chứng cho sự thất bại của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia (?!)

Nhiều tỉnh thành có điểm trung bình thi chỉ từ 5 điểm. Chỉ có 28/63 tỉnh thành có điểm trung bình thi trên 5 điểm, cao nhất là Hà Nam với điểm trung bình thi THPT Quốc gia 2018 là 5,494 điểm, còn lại 35 tỉnh thành có điểm trung bình thi dưới 5, trong đó Sơn La và Hà Giang xếp cuối cùng trong danh sách thống kê của cả nước về mức điểm trung bình thi THPT quốc gia năm 2018 với lần lượt 4,26 và 4,28 điểm. Hà Nam đứng đầu trong danh sách thống kê với mức điểm trung bình thi THPT quốc gia 2018 là 5,494 điểm. Nam Định xếp thứ 2 với mức điểm 5,48. Ninh Bình xếp thứ 3 với mức 5,448 điểm. Hai tỉnh thành lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có mức điểm trung bình thi THPT quốc gia 2018 trên trung bình. Hai tỉnh Sơn La và Hà Giang là xếp cuối cùng trong danh sách thống kê của cả nước về mức điểm trung bình thi THPT quốc gia năm 2018 với lần lượt 4,26 và 4,28 điểm.

Các tân thủ khoa kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 (ảnh truongcaodangyduocpasteur)

Thi thử tiếng Anh chỉ được 1,2 điểm nhưng thi thật lại được 9,8 điểm, đó là kết quả thi của thí sinh Ngô Lương Bảo Ngọc, lớp 12 chuyên sử, Trường THPT chuyên Sơn La, tỉnh Sơn La, thí sinh này cũng nằm trong danh sách 11 học sinh có điểm cao nhất trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Kết quả thi 6 môn còn lại của Bảo Ngọc cũng rất cao: Toán 9,8; Ngữ văn 8,75; Lịch sử 7,5; Địa lý 8,25; Giáo dục Công dân 8; Tiếng Anh 9,8, mặc dù trước đó khi thi thử, điểm số các môn thi cao nhất cũng chỉ được 6,25 điểm và cho dù Hiệu trưởng của trường THPT chuyên Sơn La cho biết độ khó của đề thi thử khó hơn nhiều đề thi thật nhằm để cho các em học sinh phải cố gắng hơn nhưng cũng có những dấu hỏi đặt ra với sự chênh lệch này. Cũng tại trường này, thí sinh Trần Ngọc Diệp, 12 chuyên văn, cũng khiến nhiều người giật mình vì kết quả thi quá cao: Toán 9,6; Ngữ văn 9; Lịch sử 10; Địa lý 8,25; tiếng Anh 10; Giáo dục Công dân 7,5 trong khi điểm thi thử THPT quốc gia lại đạt điểm thấp.

Nghi vấn điểm thi ở Hà Giang tới nay vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Mặc dù ngay sau khi được phản ánh về bất thường này, một Thứ trưởng Bộ GDĐT đã phải vào cuộc và ngày 14/7, đoàn công tác của Bộ GDĐT đã đến Hà Giang để cùng tỉnh này làm rõ sự việc. Thế nhưng tới tận hôm nay, chúng ta vẫn chưa có câu trả lời là tại sao một tỉnh miền núi, học sinh phải học trong những điều kiện, môi trường không bằng những tỉnh thành khác (như Hà Nội, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh…) mà lại đứng đầu danh sách điểm số? Phải chăng, học sinh được tự do học tập, không phải chịu áp lực thi cử như các tỉnh thành lớn thì sẽ có kết quả tốt? Câu trả lời đang nằm ở phía trước và nếu báo cáo kết luận “không có gì bất thường xảy ra” thì không thể chấp nhận được và khi đó cần phải có sự vào cuộc của Thanh tra Bộ, Thanh tra Chính phủ hoặc công an để làm sáng tỏ mọi chuyện, TS. Lê Viết Khuyết đã đưa ra hướng xử lý tiếp về sự việc này trên tờ Tuổi trẻ.

Đây chỉ là một số bất thường nhìn từ kỳ thi THPT quốc gia 2018, là kỳ thi toàn quốc do Bộ GDĐT tổ chức và chịu trách nhiệm cao nhất. Nhưng thiết nghĩ, một kỳ thi mà để lại những ấn tượng không mấy tốt đẹp thì các nhà quản lý giáo dục của Việt Nam cần phải xem xét và tìm hướng giải quyết dứt điểm để làm sao sự nghiệp giáo dục của Việt Nam nói chung cũng như những học sinh trong sáng kia trước khi bước vào ngưỡng cửa cuộc đời đỡ phải chịu điều tiếng.

Quỳnh Nga

NỔI BẬT TRANG CHỦ