• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bàn giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Huế trong xây dựng thương hiệu nhà rường Huế

Văn hoá 30/10/2021 07:31

(Tổ Quốc) - Sở KHCN tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phối hợp với các Sở, ngành tổ chức hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Huế trong xây dựng thương hiệu nhà rường Huế". Mục tiêu của hội thảo nhằm tiếp tục phát huy, khai thác giá trị văn hóa đối với nhà rường Huế, đưa nhà rường Huế trở thành biểu tượng của vùng đất Cố đô.

Hội thảo cũng là dịp để tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các nhà nghiên cứu văn hóa Huế nhằm bảo tồn và xây dựng thương hiệu nhà rường Huế gắn với sản phẩm du lịch đặc trưng nổi tiếng của vùng đất Cố đô.

Bảo tồn thương hiệu đặc trưng của Huế

Theo TS. KTS. Nguyễn Ngọc Tùng, Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế), Huế - Cố đô triều đại nhà Nguyễn (1802-1945), được biết đến là thành phố vườn bởi sự cấu thành của những thành tố xanh như: cảnh quan, lăng tẩm vườn, phủ đệ, và đặc biệt là các nhà vườn truyền thống. Nhà vườn truyền thống Huế luôn có sự kết nối hữu cơ giữa ngôi nhà, con người và sân vườn cảnh quan. Nhắc đến nhà rường, nhà vườn thì nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Huế. Đây là thương hiệu đặc trưng của Huế và là những yếu tố tạo nên vẻ đẹp tiềm ẩn và di sản văn hóa của thành phố.

Bàn giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Huế trong xây dựng thương hiệu nhà rường Huế - Ảnh 1.

Các đại biểu trình bày ý kiến tại hội thảo.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định, nhà rường Huế đã có lịch sử mấy trăm năm hình thành, phát triển và tích lũy kinh nghiệm. Bản thân nó đã chứa đựng và thể hiện rất nhiều yếu tố văn hóa, nghệ thuật sâu sắc và hàm súc của con người Huế…

Kiến trúc nhà rường trong các cung điện, phủ đệ, chùa chiền, lăng tẩm,... cùng nhà vườn dân gian có mặt ở khắp mọi nơi trong thành phố Huế và vùng phụ cận. Mỗi công trình này dù có quy mô lớn hay nhỏ đều vận dụng kiểu thức nhà rường Huế, tạo nên những không gian riêng mềm mại mà cá tính. Có lẽ đó là điểm nổi bật nhất của phong cách Huế thể hiện trong cảnh quan kiến trúc truyền thống.

"Dù vẫn còn hiện hữu nhưng nhà rường Huế đã thay đổi diện mạo rất nhiều. Nhiều nhà rường đã không còn, một số không nhỏ khác bị chia năm xẻ bảy, bị thay đổi cấu trúc. Ngay bên trong nhiều khu nhà rường đã xuất hiện những công trình hiện đại… Một số nhà rường còn lại khá nguyên vẹn cũng đang đứng trước những thử thách rất lớn trước cơn lốc đô thị hóa và nền kinh tế thị trường", TS. Phan Thanh Hải nhận xét về thực trạng nhà rường Huế.

Bàn giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Huế trong xây dựng thương hiệu nhà rường Huế - Ảnh 2.

Trùng tu, sửa chữa một ngôi nhà rường tại làng cổ Phước Tích (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) năm 2017.

Thời gian qua, với mục đích nỗ lực trùng tu, phục hồi nhà rường Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều hoạt động, dự án, trong đó có thể kể đến Đề án "Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng" giai đoạn 2015 – 2020. Trong giai đoạn này, đã có nhiều nhà vườn Huế được hỗ trợ trùng tu tôn tạo với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm nhà rường Huế gắn với bảo tồn vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Nhiều vấn đề đặt ra trong hoạt động phục hồi, bảo tồn

Theo TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KHCN tỉnh Thừa Thiên Huế, nhà rường được xem là một tác phẩm nghệ thuật về kiến trúc đã được đúc kết và hoàn thiện qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, theo thời gian, việc bảo tồn và khai thác giá trị văn hóa cũng như thương hiệu nhà rường Huế chưa phát huy mạnh mẽ và có hiệu quả so với tiềm năng, giá trị hiện có. Mặt khác, một số ngôi nhà rường đã dần xuống cấp.

Có thể kể đến một số nguyên nhân như: Các nghệ nhân, lao động lành nghề làm nhà rường Huế ngày càng mai một, trong khi đó việc đào tạo truyền nghề chưa được chú trọng, quan tâm; Nguồn nguyên liệu cho sản xuất nhà rường ngày càng khan hiếm; Tác động của thời gian, thiên tai cùng với nhiều biến cố lịch sử và cơ chế thị trường khiến một số lượng lớn nhà rường Huế bị xuống cấp, biến dạng, bê tông hóa… Do vậy, nhiều vấn đề được đặt ra trong hoạt động phục hồi, bảo tồn nhà rường Huế.

Bàn giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Huế trong xây dựng thương hiệu nhà rường Huế - Ảnh 3.

Một ngôi nhà rường tại làng cổ Phước Tích sau khi được trùng tu.

Trước thực tế này, T.S Hồ Thắng đề xuất cần có một kế hoạch hành động xây dựng thương hiệu nhà rường Huế, có thể bằng hình thức chỉ dẫn địa lý cho nhà rường Huế hoặc nhãn hiệu tập thể. Trong đó đề xuất thành lập Hội sản xuất kinh doanh nhà rường Huế gồm các nghệ nhân, các cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh sản phẩm nhà rường, các chủ nhà rường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế để làm chủ thể quản lý nhãn hiệu nhà rường Huế sau này.

Bên cạnh đó, theo Giám đốc Sở KHCN tỉnh Thừa Thiên Huế, cần hỗ trợ một số chính sách đảm bảo cho nhà rường Huế phát triển như: hỗ trợ tìm nguồn nguyên liệu bền vững; hỗ trợ truyền thông quảng bá, hỗ trợ đào tạo nghề,..; Phải có kế hoạch khảo sát, xác định giá trị văn hóa lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của các nhà rường Huế tiêu biểu để đưa vào diện cần bảo tồn, tiến hành đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di sản nhà rường…; Xây dựng bảo tàng nhà rường Huế gắn với quảng bá sản phẩm du lịch cũng như đưa các mô hình nhà rường có thể thương mại hóa, đưa sản phẩm nhà rường Huế ra thị trường.

"Sự kết hợp có hiệu quả giữa bảo tồn và phát huy giá trị nhà rường Huế với phát triển du lịch bền vững sẽ là một lợi thế trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhà rường và phát triển du lịch. Đưa di sản nhà rường vào chiến lược phục vụ du lịch sẽ góp phần quảng bá nét đặc sắc di sản văn hóa Huế và tạo ra nguồn thu nhập cho chủ nhân nhà rường, qua đó khuyến khích việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhà rường được tốt hơn", ông Hồ Thắng đưa ra ý kiến.

Bàn giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Huế trong xây dựng thương hiệu nhà rường Huế - Ảnh 4.

Nhà rường trong khu nhà vườn An Hiên (TP Huế) là một trong những địa điểm thu hút khách tham quan.

Đặt vấn đề về bảo tồn và phát huy giá trị của "thương hiệu" nhà rường Huế, TS. KTS Nguyễn Ngọc Tùng cho rằng, cần lập bản đồ nhà vườn truyền thống Huế và các công trình di tích khác trên địa bàn tỉnh. Các thông tin về ngôi nhà, vị trí tọa lạc, lịch sử xây dựng, tình trạng ngôi nhà, cùng các hình ảnh và các thông tin khác được thể hiện trên bản đồ này. Qua đó, giúp quảng bá hình ảnh nhà vườn truyền thống cho những ai quan tâm và cho du khách đến Huế.

Đồng thời, cần tạo ra các sản phẩm du lịch liên quan đến nhà rường như quà lưu niệm là mô hình lắp ghép nhà rường kèm tờ hướng dẫn lắp ghép để giới thiệu giá trị và kiến trúc độc đáo của nhà rường, góp phần quảng bá thương hiệu. Tiến hành số hóa VR hoặc AR các nhà rường truyền thống tiêu biểu, có giá trị cao. Đây sẽ là cơ sở dữ liệu cần thiết để ghi lại, phục vụ cho công tác bảo tồn. Ngoài ra, các dữ liệu này cũng để quảng bá, áp dụng du lịch trải nghiệm cho du khách khi không có điều kiện đến tham quan trực tiếp…/.

Lê Chung

NỔI BẬT TRANG CHỦ