(Tổ Quốc) - Ngày 29/2, tại TP Huế, Trường Cao đẳng Du lịch Huế (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề "Chuyển đổi số trong đào tạo nghề du lịch".
Hội thảo có sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu, giảng viên từ các Viện nghiên cứu, trường cao đẳng, đại học trong và ngoài nước, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.. để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số trong lĩnh vực đào tạo nghề du lịch.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, ông Phạm Bá Hùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Huế cho hay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu và mang tính cách mạng trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có ngành du lịch và đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ không chỉ tạo ra những thay đổi trong cách thức quản lý và vận hành kinh doanh trong ngành du lịch mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc chuyển đổi số trong đào tạo nghề du lịch để đáp ứng nhu cầu của một thị trường lao động chất lượng trong kỷ nguyên số.
Theo ông Phạm Bá Hùng, chuyển đổi số trong đào tạo nghề du lịch không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn tạo điều kiện để học viên tiếp cận với những kiến thức và kỹ năng mới mẻ, phù hợp với xu hướng phát triển của ngành du lịch toàn cầu. Sự chuyển đổi này đòi hỏi một hệ thống giáo dục linh hoạt, hiện đại và tiên tiến, có khả năng tích hợp các công cụ số và công nghệ mới vào quy trình đào tạo, từ đó tạo ra môi trường giảng dạy tích hợp, linh hoạt và tính tương tác cao…
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, chuyển đổi số trong đào tạo nghề du lịch cũng đặt ra không ít thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là việc đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin. Điều này đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn cùng với sự cam kết từ phía các cơ sở đào tạo và Chính phủ. Ngoài ra, việc phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng và năng lực sư phạm để giảng dạy trong môi trường số cũng là một thách thức, đòi hỏi phải có chương trình đào tạo giáo viên chuyên nghiệp và bài bản.
"Chuyển đổi số trong đào tạo nghề du lịch là một quá trình đầy thách thức đòi hỏi sự tham gia của nỗ lực của rất nhiều bên nhưng cũng rất nhiều hứa hẹn, mở ra cơ hội để nâng cao chất lượng giáo dục và đáp ứng nhu cầu của ngành du lịch trong tương lai.
Qua hội thảo "Chuyển đổi số trong đào tạo nghề du lịch", chúng tôi mong muốn tạo ra một diễn đàn để các bên liên quan có thể chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và cùng nhau thảo luận nhằm tìm ra các giải pháp hiệu quả cho việc chuyển đổi số trong đào tạo nghề du lịch, góp phần phát triển ngành du lịch Việt Nam trong kỷ nguyên mới; bao gồm các cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về du lịch, các cơ sở đào tạo, chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, doanh nghiệp, cộng đồng…", ông Phạm Bá Hùng nhấn mạnh.
Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) Lê Anh Tuấn cho hay, trong thời gian qua, hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch đã đạt được những bước phát triển vượt bậc, hệ thống cơ sở đào tạo, quy mô tuyển sinh, mô hình, phương thức đào tạo, chất lượng đào tạo từng bước đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực phục vụ thực tiễn phát triển ngành.
Hội thảo được tổ chức lần này sẽ là nơi để bàn thảo, đánh giá thực trạng và đề xuất các định hướng giải pháp trong triển khai chuyển đổi số trong đào tạo nghề du lịch hiện nay; đồng thời có những kiến nghị trúng và đúng đối với các cơ quan quản lý trong việc tạo cơ chế, chính sách phù hợp cho hoạt động này đạt hiệu quả cao nhất.
Cụ thể, tại hội thảo, các đại biểu đã cùng tìm hiểu hơn 20 tham luận, trao đổi một số nội dung chính như: Chia sẻ thực trạng và khuyến nghị giải pháp ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý và đào tạo nghề du lịch; Ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về đào tạo nghề du lịch; Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác tuyển sinh và quản lý học sinh, sinh viên; Thiết kế, xây dựng và quản lý các chương trình đào tạo trên nền tảng số; Nâng cao kỹ năng trải nghiệm của người học dựa trên công nghệ; Trao đổi kinh nghiệm chuyển đổi số trong quản lý của doanh nghiệp du lịch; Xu hướng, kinh nghiệm chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp của một số cơ sở đào tạo trên thế giới.
Theo Ban Tổ chức, số lượng tham luận đa dạng đã phản ánh rõ nét mức độ quan tâm sâu sắc và mong muốn chung của tất cả các bên liên quan đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề du lịch thông qua chuyển đổi số.