• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bạn quên ví trên xe bus? Thế bạn đã quên công thức tối mật làm bom Hydro trên tàu hỏa bao giờ chưa?

Khoa học 12/01/2021 20:26

(Tổ Quốc) - Vào một ngày xấu trời của năm 1953, giáo sư John Wheeler đánh mất bản thiết kế chế tạo bom hydro, thứ bom lắp ráp dễ như chơi lego.

Phần nhiều giới khoa học biết tới nhà vật lý học John Wheeler nhờ thành tựu đại chúng hóa thuật ngữ "hố đen", cho dù nghiên cứu của ông trải dài trên nhiều lĩnh vực bao gồm thuyết tương đối, thuyết lượng tử và công nghệ hợp hạch. Ông đã từng tham gia cộng tác trong Dự án Matterhorn B hồi đầu thập niên 50, là nỗ lực (đã bị lên án kịch liệt) của Mỹ nhằm nghiên cứu chế tạo bom hydro.

Vào một ngày xấu trời của tháng Một năm 1953, giáo sư Wheeler đã để quên tài liệu tối mật liên quan tới chương trình chế tạo bom hydro trên một chuyến tàu, khi ông di chuyển từ quê nhà New Jersey tới thủ đô Washington. Đây là trường hợp điển hình của một vị giáo sư hay xuất hiện trên màn bạc: rất giỏi trong lĩnh vực chuyên môn nhưng thường quên mất thế giới xung quanh mình ra sao. Chỉ có điều chuyện xảy ra với John Wheeler là có thật, và ông lỡ tay đánh rơi cả bí mật quốc gia.

Bạn quên ví trên xe bus? Thế bạn đã quên công thức tối mật làm bom Hydro trên tàu hỏa bao giờ chưa? - Ảnh 1.

Giáo sư John Wheeler.

Sử gia khoa học Alex Wellerstein đã kể lại chi tiết câu chuyện này trên tạp chí Physics Today. Anh Wellerstein công tác tại Viện Công nghệ Stevens đặt tại New Jersey, với chuyên môn nghiên cứu lịch sử của vũ khí hạt nhân và lịch sử công nghệ hạt nhân nói chung. Tự mô tả mình là "một chú chuột tận tụy trong khu lưu trữ", anh Wellerstein duy trì một cơ số các cơ sở dữ liệu chính tay anh tạo ra, lưu giữ và theo dõi toàn bộ những tệp tin số mà anh lưu được suốt nhiều năm qua từ các nguồn chính thống, từ các nhà sưu tập tư nhân và một số tài liệu quý anh tìm được.

Những công trình nghiên cứu không được xuất bản trên các tạp chí hàng đầu thường sẽ xuất hiện trên blog có tên Restricted Data của Wellerstein. Anh cũng là người duy trì hoạt động cho NUKEMAP, một công cụ tương tác cho phép người dùng dựng mô hình mô tả tầm ảnh hưởng của vũ khí hạt nhân lên bất cứ địa điểm nào bạn muốn.

Wellerstein biết tới câu chuyện của giáo sư Wheeler khi đọc tài liệu từ thập niên 50 đã được Quốc hội Mỹ giải mật, cụ thể số tư liệu này do Ủy ban Liên kết Năng lượng Nguyên tử ban hành. "Đây là một ủy ban có quyền lực lớn hồi thập niên 50", anh Wellerstein kể với ArsTechnica. "Nhiều câu chuyện kỳ lạ xuất hiện từ đây lắm, bởi lẽ không một thành viên nào của ủy ban nghĩ rằng một ngày những chi tiết này sẽ xuất hiện trước công chúng, nên họ thẳng thắn một cách đáng ngạc nhiên".

Bạn quên ví trên xe bus? Thế bạn đã quên công thức tối mật làm bom Hydro trên tàu hỏa bao giờ chưa? - Ảnh 2.

Tài liệu về bom hydro đã được giải mật và che mờ những điểm tối quan trọng.

Thậm chí, tài liệu còn cho thấy có người hỏi tại sao lại ghi lại những chi tiết này mà làm gì, khi mà không ai đọc được chúng? Họ không tưởng tượng được rằng sau này sẽ có một sử gia có tên Wellerstein sẽ mang câu chuyện này ra ánh sáng.

Câu chuyện của giáo sư Wheeler hấp dẫn anh Wellerstein không chỉ vì bối cảnh lịch sử, mà còn bởi những chi tiết thú vị vô cùng có được sau quá trình điều tra dài và vất vả. Nhưng câu chuyện này chỉ tới từ một phía, ấy là ông William Borden, giám đốc Ủy ban đương thời và cũng là người đã bị sa thải sau sự cố đáng tiếc của giáo sư Wheeler, nên Wellerstein đã lục tìm trong các tài liệu cũ hòng tìm thêm thông tin. Anh thậm chí còn sử dụng quyền được nêu trong Đạo luật Tự do Thông tin Hoa Kỳ (FOIA) để xin FBI cung cấp file liên quan tới giáo sư Wheeler.

"Họ làm việc cật lực để tái dựng lại chính xác chuyện xảy ra, nên là họ thẩm vấn tất cả mọi người đến cả triệu lần", anh Wellerstein kể. "FBI lại trở thành một cầu nối giữa Quốc hội, Ủy ban Năng lượng Nguyên tử và ông Wheeler, bởi lẽ chẳng nhóm nào muốn hợp tác với nhau cả".

Không đơn thuần là một bản báo cáo

Điều đặc biệt gì nằm trong bộ tài liệu mà giáo sư Wheeler đánh mất? Đoạn trích từ bài viết của Wellerstein được đăng tải trên Physics Today sẽ trả lời phần nào thắc mắc lớn: "Tài liệu bom hydro không phải một bản báo cáo kỹ thuật thông thường. Nó là thứ vũ khí của chính phủ nhắm thẳng vào kẻ địch chính trị của người tạo ra nó".

Bạn quên ví trên xe bus? Thế bạn đã quên công thức tối mật làm bom Hydro trên tàu hỏa bao giờ chưa? - Ảnh 3.

Alex Wellerstein.

Năm 1949, Liên bang Xô-viết cho nổ quả bom nguyên tử đầu tiên, tiếng nổ lớn mang tiềm năng đánh bạt bất kể lợi thế chiến lược quân sự nào mà Mỹ đã đạt được trước đó. Một số nhà vật lý học, với hai người dẫn đường là Edward Teller và Ernest Lawrence, cho rằng giải pháp tháo gỡ tình hình là một loại vũ khí hạt nhân mới: một thứ bom hydro với sức mạnh dựa trên phản ứng hợp hạch chứ không phải phân hạch; tuy nhiên thứ vũ khí này vẫn cần ngòi nổ là một quả bom phân hạch hạt nhân.

Nhưng nhiều nhà khoa học khác, trong đó có J. Robert Oppenheimer, người từng giữ chức điều hành Dự án Manhattan và thường được gọi là "cha đẻ của bom nguyên tử", lại không đồng tình với việc chế tạo bom hydro; Oppenheimer cho rằng công nghệ này là thừa thãi trong bối cảnh lúc ấy. Tổng thống đương thời là Harry Truman đã đứng về phía Teller và Lawrence, thông qua dự án chế tạo bom hydro nhưng nhóm các nhà vật lý học vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung.

Tháng Ba năm 1951, Teller và Stanislaw Ulam thảo ra thiết kế bom hydro, một mô hình được cả các nhà khoa học của phe đối lập khẳng định là sẽ hoạt động được. Thiết bị thử nghiệm có biệt danh là "Mike" phát nổ thành công vào tháng Mười một năm 1952. Tuy nhiên, Mike vẫn chưa sẵn sàng ra chiến trường bởi nó cần tới số thiết bị làm lạnh nặng 80 tấn để giữ cho nhiên liệu deuterium ở trạng thái lỏng.

Bạn quên ví trên xe bus? Thế bạn đã quên công thức tối mật làm bom Hydro trên tàu hỏa bao giờ chưa? - Ảnh 4.

Mike là quả bom hydro nổ thành công đầu tiên trên thế giới.

Trong khi đó, đề xuất chế tạo bom hydro châm ngòi cho một cuộc chiến diễn ra trên trường chính trị, một cuộc "nội chiến" giữa các nhà khoa học thuộc Ủy ban Liên kết Năng lượng Nguyên tử; nhiều người trong số họ vẫn bất đồng với Oppenheimer do phải nghe những lời chỉ trích sắc bén tới từ vị giáo sư già. Trách nhiệm giải trình được chuyển cho giám đốc Borden: ông vừa phải soạn ra lịch sử nghiên cứu và phát triển bom hydro dựa trên những tài liệu có sẵn, mà bài viết lại phải hậu thuẫn chiến dịch phản bác Oppenheimer. Ông Borden gửi một bộ tài liệu gồm 6 mặt giấy cho Wheeler, với mong muốn nhờ vị giáo sư tời từ Princeton kiểm tra công nghệ chế tạo bom.

Wheeler mang số tài liệu mật lên tàu trên đường tới Washington - ông định bụng sẽ đọc nó ngay lập tức để tránh phải trả thêm phí khách sạn cho một ngày ngồi nghiên cứu tại phòng. Tuy Wheeler không dám khẳng định chắc chắn những sự việc đã xảy ra khi được hỏi sau này, ông vẫn gợi nhớ được những chi tiết sau: ông để tài liệu mật vào trong một phong bì trắng, đưa phong bì này vào một phong bì lớn hơn màu vani, sau đó đặt chúng vào cặp táp và dựa cặp vào tường, còn ông ngồi dựa lên cặp.

Theo đúng lời dặn của Wheeler, người trực toa ngủ trên tàu là Robert Jones đã đánh thức vị giáo sư vào lúc 6 giờ 45 phút sáng. Sau đó Wheeler cầm cặp táp vào phòng vệ sinh ở cuối toa và thực hiện vệ sinh cá nhân. Dưới đây là trích đoạn bài viết của Wellerstein đã được đăng tải trên Physics Today:

Wheeler để cặp trên bệ đặt bồn rửa mặt, cầm phong bì màu vani cùng mình vào trong nhà vệ sinh, và ông đóng cửa lại. Do không tìm thấy chỗ đặt phong bì, ông đã cài nó vào khe hở giữa ống nước và tường toa-lét, ngay cạnh cửa sổ đặt kế chỗ ông ngồi. Ông đi vệ sinh. Ông rời khỏi nhà xí và tiếp tục làm vệ sinh cá nhân - và rồi ông nhận ra mình đã bỏ quên phong bì trong toa-lét.

Lúc đó, có hai người đang sử dụng bồn rửa mặt và một người đang ngồi trong phòng vệ sinh. Không để phép lịch thiệp ngăn ông hành động bảo vệ bí mật quốc gia, Wheeler trèo lên bệ đặt bồn rửa mặt và cố nhìn qua song sắt nằm trên cửa nhà vệ sinh. Ông không thấy phong bì đâu cả, nhưng thấy được người đàn ông kia và có thể thấy anh ta đang không đọc gì cả. Wheeler quan sát người đàn ông này cho tới khi anh ta xong việc và mở cửa đi ra, ngay lập tức Wheeler chạy vào với lấy phong bì màu vani đang nằm sau ống nước. Trông phong bì vẫn nguyên vẹn.

Nhưng khi ông Wheeler về chỗ ngồi và mở phong bì ra xem, ông thấy phong bì trắng chứa tài liệu mật đã biến mất. Nhờ tới cả sự trợ giúp của người trực toa, ông Wheeler cố gắng tìm chiếc phong bì trắng trên cả đoàn tàu, thậm chí hỏi cả ban nhận đồ thất lạc xem có ai nộp lại phong bì không nhưng vô hiệu. FBI bắt tay vào điều tra kỹ càng nhưng cũng không tìm thấy số tài liệu đâu cả.

Bạn quên ví trên xe bus? Thế bạn đã quên công thức tối mật làm bom Hydro trên tàu hỏa bao giờ chưa? - Ảnh 6.

Sơ đồ toa xe lửa nơi ông John Wheeler nghỉ ngơi đêm mùng6/1/1953.

Số giấy tờ mật biến mất vĩnh viễn, đến ngày nay vẫn chưa ai biết chúng nằm đâu. Và cũng như mọi bí ẩn không lời đáp khác, một loạt những giả thuyết xuất hiện. Bản thân anh Wellerstein tin vào khả năng người trực toa đã tìm thấy số tài liệu nhưng rồi vứt chúng đi thay vì báo cáo với cơ quan chức năng, bởi lẽ họ cho rằng thà giả vờ không biết còn hơn. Hiển nhiên, có người cho rằng điệp viên của phe phái nào đó đã có được số tài liệu mật, nhưng không có đủ bằng chứng cho thấy giả thuyết này khả thi.

Theo lời Wellerstein, ông Wheeler đánh mất tài liệu chế tạo bom hydro vào thời điểm quá nhạy cảm, nhất là khi xét tới cấu tạo bom hydro khác biệt với bom hạt nhân nhường nào. Đây là thứ công nghệ được giấu giếm bằng bức màn bí ẩn chứ chẳng có bí mật công nghệ nào. Anh Wellerstein nói: "Đây chẳng phải vật liệu kỳ diệu gì, mà cũng chẳng khó để chế tạo nó. Bạn chỉ cần biết cách lắp ráp sao cho đúng thôi".

Với các nhà lập pháp và ban chỉ huy quân đội, mất mát này vừa khiến Mỹ mất đi lợi thế về mặt chiến lược, mà họ lại đứng trước nguy cơ công nghệ mật rơi vào tay đối phương.

"Bom hydro là thứ được cho là sẽ mang lại nhiều lợi thế, bởi những điệp viên theo dõi Dự án Manhattan không biết nhiều về nó. Bạn có trong tay những nguyên lý cơ bản để tạo nên nó nhưng thực tế không sở hữu một quả bom hydro nào cả. Giờ đây lại xuất hiện thêm khả năng mất hoàn toàn lợi thế, nếu như công nghệ này rơi vào tay quân Xô-viết", anh Wellerstein nhận định.

Số tài liệu này bị mất đã khiến sự nghiệp chính trị của một cơ số người tan thành mây khói, giám đốc Borden là một trong số những nạn nhân. Sau khi bị đuổi việc, ông Borden quay trở lại nghiên cứu luật và rồi trở thành … một thuyết gia âm mưu toàn thời gian. Ông đặc biệt có thù oán với giáo sư Oppenheimer, và rồi chiến dịch công kích nhà vật lý lỗi lạc đã góp phần khiến Oppenheimer bị mất quyền đặc cách an ninh.

Còn số phận giáo sư Wheeler, người đánh mất số hồ sơ mật thì sao? Ông thoát tội, chỉ nhận được một bức thư chứa đôi lời lẽ quở trách nặng nề từ phía Ủy ban. "Với vai trò một nhà khoa học, giá trị của ông quá lớn. Họ nói rằng họ không thể trừng phạt ông mà không làm ảnh hưởng tới chương trình phát triển hạt nhân", anh Wellerstein chốt lại câu chuyện.

Tham khảo ArsTechnica

Dink

NỔI BẬT TRANG CHỦ