• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bản quyền tác giả luôn là vấn đề quan trọng trong quá trình hội nhập đất nước

Thời sự 25/12/2016 14:20

(Tổ Quốc) - Như tin đã đưa, tiếp sau hội thảo quốc gia “Vai trò của quyền tác giả đối với sự phát triển văn hóa và kinh tế” do Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTTDL phối hợp với Bộ VHTTDL Hàn Quốc tổ chức diễn ra tại Hà Nội, một hội thảo tương tự đã diễn ra tại TP.HCM.


Mở đầu hội thảo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên cho rằng: “Tất cả các sáng tạo dù ở lĩnh vực nào cũng cần được bảo hộ. Bản quyền tác giả luôn là vấn đề quan trọng trong quá trình hội nhập đất nước. Là điều kiện bắt buộc trong quá trình phát triển. Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đã có sự phê duyệt của Chính phủ. Để nó đi vào cuộc sống cần sự nỗ lực lớn. Trước tiên phải là nhận thức của toàn xã hội về quyền tác giả và sở hữu trí tuệ. Thói quen xài chùa, dùng miễn phí trước đây đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của công nghiệp sáng tạo. Muốn thay đổi được điều này chúng ta phải làm một cuộc cách mạng để mọi người có ý thức dùng phải trả tiền…”.

Ông Brian Nicholas Garnett, Chủ tịch Interright Co Limited chia sẻ rằng: “Từ năm 1709 tại Anh đã ra bộ luật mới, Luật Bản quyền đầu tiên trên thế giới để bảo vệ bản quyền các ngành công nghiệp trong đó có cả ngành mới như in ấn… Đến năm 2016 nước Anh có Bộ luật Quyền tác giả tối tân, hiện đại nhất thế giới.

Nhấn mạnh về vai trò của bản quyền trong công nghiệp sáng tạo, ông Brian cho biết: Đóng góp GDP theo từng quốc gia có sự khác biệt đáng kể từ 10% ở Hoa Kỳ đến dưới 2% ở Brunei. Giá trị đóng góp cho GDP bình quân và trung bình tương ứng với 5,48% và 4,83%… Đóng góp của công nghiệp bản quyền đối với lao động trong nước cao hơn đóng góp GDP, với mức trung bình là 5,34% và bình quân 4,91%. Gần 3/4 các nước có đóng góp từ công nghiệp bản quyền chiếm khoảng 4% và 7% lao động trong nước.

Ông cũng chỉ ra thế giới mới của bản quyền đều liên quan đến cuộc “cách mạng công nghệ” từ việc kinh doanh bằng các chương trình máy tính; lái xe tự động dựa vào bản quyền của công nghệ; in 3D phụ thuộc vào các tập tin CAD có bản quyền… Trong khi đó, thách thức trong lĩnh vực phát triển công nghệ số đang vừa là cơ hội nhưng cũng lại là rào cản lớn của ngành công nghiệp văn hóa. Nhất là lĩnh vực phim ảnh, ca nhạc, hội họa… điều này xảy ra trên toàn thế giới không riêng gì Việt Nam. Bà Soon Hyun Myung, chuyên viên Phòng phát triển quyền tác giả, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cho rằng: Khả năng tạo ra một sản phẩm hiện đại đi kèm khai thác bản quyền là rất khó khăn. Một thách thức không nhỏ đối với sự hiểu biết, đóng góp bản quyền đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa của một quốc gia.

Chia sẻ thông tin về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào thực thi quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số, ông Dae Hee Lee, GS khoa Luật Trường ĐH Hàn Quốc cho biết: “Pháp luật về môi trường kỹ thuật số gồm các quy định quốc tế nhằm bảo hộ quyền tác giả hoặc quyền của người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi âm trong môi trường kỹ thuật số. Hiệp định thương mại tự do FTAs Hàn Quốc, Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN, Việt Nam… cũng bao gồm nhiều quy định mạnh mẽ về bản quyền kỹ thuật số…”.

Theo ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả: Hệ thống pháp luật Việt Nam đã bổ sung, điều chỉnh kịp thời các quan hệ pháp luật mới, theo xu hướng quốc tế gồm Luật Bản quyền tác giả; tham gia các điều ước song, đa phương… Hệ thống thực thi với nhiều biện pháp từ tự bảo vệ, dân sự đến xử phạt hành chính, hình sự… đã được hoàn thiện. Điều quan trọng, ngoài những trang bị về hệ thống pháp lý, quản lý và thực thi… thì vấn đề cốt yếu vẫn phải là một cuộc “cách mạng” công nghệ số để người dùng có ý thức, thay đổi thói quen dùng miễn phí như hiện nay.

Báo Văn hóa


NỔI BẬT TRANG CHỦ