• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo đảm quyền được đến trường của trẻ em là trách nhiệm lớn của mỗi gia đình

Giáo dục 18/09/2023 19:52

(Tổ Quốc) - Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu là một trong 25 quyền cơ bản của trẻ em (Luật Trẻ em năm 2016), trong đó, gia đình có một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện quyền này.

Quyền được học tập là một trong số các quyền cơ bản của trẻ em

Thời gian qua, tình trạng học sinh ở nông thôn, đặc biệt là những vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa phải bỏ học là hiện trạng không hiếm. Trước mỗi năm học mới hoặc sau thời gian nghỉ Tết nguyên đán, các thầy cô giáo phải rất vất vả đến các gia đình để vận động cho trẻ trong độ tuổi đi học được tới lớp. Một nguyên nhân dễ dàng nhận thấy chính là do các em sinh sống trong các gia đình thuần nông, gia đình có kinh tế chủ yếu từ lao động chân tay, trình độ học vấn thấp… chính điều này khiến cho các em nhỏ phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ gia đình mình.

Cũng chính vì trình độ văn hoá, trình độ nhận thức của các bậc cha mẹ, người giám hộ của trẻ còn thấp, ý thức của cha mẹ trong các gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn trong việc đảm bảo quyền lợi của trẻ, hay thiếu ý thức trong việc bảo vệ chính con cái của mình, từ trong gia đình, tới nhà trường và ngoài xã hội... khiến cho trẻ em sinh trưởng trong các gia đình này không được đảm bảo thực hiện quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu của mình.

Tuy vậy, quyền được học tập của trẻ em trong các gia đình hiện nay đã có sự khác biệt rõ rệt giữa các khu vực thành thị với các huyện, thị trong xã hội, giữa gia đình thành thị và gia đình nông thôn.

Trẻ sinh trưởng trong các gia đình tại những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh - là những trung tâm kinh tế, chính trị lớn của cả nước, có điều kiện được gia đình đảm bảo Quyền này.

Cha mẹ luôn tìm những điều kiện học tập tốt nhất, trong khả năng của mình, để dành cho con cái. Trẻ em tại đây cũng dành được sự quan tâm của chính quyền địa phương, của nhà trường và cả xã hội, thể hiện ở việc hệ thống trường lớp với cơ sở vật chất và các giáo viên tốt giảng dạy, quan tâm tới việc học tập của các em. Số lượng trẻ em trong độ tuổi đi học được tới trường ở tỉ lệ cao. Trong môi trường này, các gia đình ở những nơi khác chuyển đến sinh sống tại các khu vực này cũng có sự quan tâm, đảm bảo cho con em mình được đến trường học cao hơn, trái ngược lại với tình trạng này ở những vùng nông thôn, vùng kinh tế khó khăn…

Bảo đảm quyền được đến trường của trẻ em là trách nhiệm lớn của mỗi gia đình - Ảnh 1.

Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu

Gia đình có trách nhiệm bảo đảm cho con em mình được học tập

Hiện nay, hệ thống các văn bản pháp luật của Việt Nam ngoài việc quy định trực tiếp quyền được học tập của trẻ em thì còn quy định các chính sách để bảo vệ quyền đó nhất là trách nhiệm, nghĩa vụ của gia đình, nhà trường, các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội.

Từ Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung vào năm 2001), Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Trẻ em, Luật Giáo dục… đều quy định rõ về Quyền này của trẻ em và trách nhiệm của gia đình đối với việc bảo đảm cho trẻ được đến trường học tập.

Trong đó, trách nhiệm giáo dục trẻ em trước tiên thuộc về gia đình cụ thể là cha mẹ, người giám hộ trong việc tạo điều kiện cho trẻ em thực hiện quyền học tập, học hết chương trình giáo dục phổ cập và cho trẻ học ở trình độ cao hơn. Cha mẹ có trách nhiệm trong việc bảo đảm cho trẻ em thực hiện quyền học tập, hoàn thành chương trình giáo dục phổ cập theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho trẻ em theo học ở trình độ cao hơn; phát hiện, khuyến khích, bồi dưỡng, phát triển tài năng, năng khiếu của trẻ em; tạo điều kiện để trẻ em được vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch phù hợp với độ tuổi.

Bên cạnh đó, mỗi thành viên trong gia đình cũng cần trở thành những tấm gương sáng cho trẻ học tập, noi theo, thông qua các mối quan hệ trong gia đình làm cho "sợi dây" gắn kết giữa các thành viên trong gia đình chặt chẽ hơn, phát huy vai trò của từng thành viên trong gia đình trong việc đảm bảo việc học tập của trẻ được tốt nhất.

Đồng thời, cha mẹ, người giám hộ phải có trách nhiệm cho con cái mình được đến trường học tập, ngay từ khi sinh ra, đứa trẻ đã cần được đăng kí khai sinh, đến tuổi học mầm non cần đưa trẻ tới trường mầm non, khi trẻ đủ độ tuổi đến các cấp học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, gia đình cần phát huy vai trò hướng dẫn, bảo đảm cho con em mình có đầy đủ các quyền lợi được học tập như trẻ em bình thường khác…

Như vậy, có thể thấy gia đình có trách nhiệm rất lớn trong việc bảo đảm việc học tập của trẻ em và việc bảo đảm thực hiện quyền được đến trường của trẻ em là trách nhiệm lớn của mỗi gia đình.

Trẻ em là tương lai của mỗi quốc gia, chính vì vậy, bảo đảm cho trẻ được đến trường học tập chính là việc bảo đảm cho tương lai phát triển của đất nước, do đó, mỗi gia đình cần có ý thức và trách nhiệm đối với việc bảo đảm quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu của chính con em mình.

Phương Anh


* Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện

NỔI BẬT TRANG CHỦ