(Tổ Quốc) - Ngày 26/9, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã ký ban hành Công điện của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về việc chủ động ứng phó khẩn cấp với bão số 4 năm 2022 (Noru).
Công điện gửi đến Giám đốc Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở DL và Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ tại các tỉnh/thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum và thành phố Đà Nẵng.
Nội dung Công điện của Bộ trưởng Bộ VHTTDL nêu rõ, theo Công điện số 855/CĐ-TTg ngày 25/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, cơn bão có tên quốc tế Noru đang tiến vào Biển Đông là cơn bão có cường độ rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, dự báo từ ngày 26 tháng 9, bão gây gió mạnh, sóng lớn trên vùng biển giữa và Bắc Biển Đông, chiều tối ngày 27 tháng 9, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển và đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, trọng tâm là từ Quảng Trị đến Bình Thuận, gây mưa lớn tập trung ở Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên.
Để chủ động ứng phó, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản, Bộ trưởng Bộ VHTTDL yêu cầu Giám đốc Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở DL chỉ đạo việc tổ chức rà soát, kiểm đếm và quản lý chặt chẽ số lượng tàu thuyền, phương tiện hoạt động du lịch trên biển trong vùng bị ảnh hưởng, hướng dẫn di chuyển về nơi tránh trú an toàn; rà soát, kiểm đếm số lượng khách du lịch đang trong vùng ảnh hưởng của bão, kiên quyết sơ tán, có phương án tránh trú, đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
Các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở DL và các đơn vị thuộc Bộ kiểm tra, rà soát và có phương án bảo vệ các thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch rà soát và có phương án bảo vệ các thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch do đơn vị quản lý, bao gồm: các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu du lịch; tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch tại các địa phương bị ảnh hưởng trong thời gian cơn bão đổ bộ.
Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có trụ sở tại các địa phương bị ảnh hưởng theo dõi sát diễn biến của bão và các thông báo của chính quyền địa phương, Bộ, ngành liên quan để có các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động giáo viên, học sinh, sinh viên.
Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao, các đơn vị phối hợp với địa phương để triển khai các phương án đối phó với bão. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn có để khắc phục hậu quả và hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên thông tin kịp thời và báo cáo Bộ VHTTDL về tình hình ứng phó với bão, thiệt hại xảy ra trên lĩnh vực quản lý của Ngành (nếu có) và báo cáo tổng hợp chung bằng văn bản sau khi cơn bão, mưa lũ kết thúc.