• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Báo quốc tế: Điện ảnh Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất châu Á

Văn hoá 27/02/2024 10:42

(Tổ Quốc) - Theo trang Deadline, không thị trường điện ảnh nào ở châu Á năm nay có sức cạnh tranh mạnh mẽ bằng ở Việt Nam trong kỳ nghỉ tết kéo dài cả tuần từ 9-15/2.

Tết Nguyên đán là dịp mà hầu hết các phòng vé ở châu Á luôn tấp nập người đến rạp xem phim. Tại Việt Nam, theo tác giả bài viết Liz Shackleton, sự bùng nổ từ bộ phim "Mai" của Trấn Thành đã mang đến doanh thu 400 tỷ đồng (16,4 triệu USD), xếp vị trí là bộ phim đang đứng đầu phòng vé.

Báo quốc tế: Điện ảnh Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất châu Á - Ảnh 1.

Ảnh: Tran Thanh Town, CJ HK Entertainment

Cũng được phát hành trong dịp nghỉ Tết, bộ phim hài "Gặp lại chị bầu" do Nhất Trung đạo diễn xếp vị trí thứ hai với doanh thu 3 triệu USD. Hai bộ phim nội địa khác cũng khởi chiếu vào ngày 10/2 là "Sáng Đèn" với chủ đề âm nhạc của Hoàng Tuấn Cường và phim "Trà" của Đạo diễn Lê Hoàng – đã rút lui khỏi rạp sau vài ngày do hiệu ứng phòng vé kém.

Lịch phát hành dày đặc phản ánh một thị trường sôi động ở VIệt Nam đã chứng kiến sự phục hồi xuất sắc sau đại dịch Covid-19. Theo một số ý kiến, thị trường Việt Nam có khả năng phục hồi nhanh thứ hai ở châu Á sau Ấn Độ, cùng với ngành công nghiệp điện ảnh nội địa trẻ và năng động.

Trước Tết, phim kinh dị Quỷ Cẩu - phim đầu tay của đạo diễn Lưu Thành Luân đứng đầu 6 tuần liên tiếp, thu về hơn 108 tỷ đồng (4,5 triệu USD). Bộ phim lập kỷ lục phim nội địa kinh dị ở Việt Nam dù tháng 1 thường là tháng yên tĩnh trước Tết.

Báo quốc tế: Điện ảnh Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất châu Á - Ảnh 2.

Phim kinh dị Quỷ Cẩu - phim đầu tay của đạo diễn Lưu Thành Luân. Ảnh:89s Group

Mặc dù ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam chỉ mới mở cửa cách đây 10-15 năm, nhưng doanh thu phòng vé đã tăng trưởng ổn định 10% hàng năm trước đại dịch, vượt qua Thái Lan - quốc gia được biết đến là có ngành điện ảnh phát triển và lâu đời hơn nhiều.

Năm ngoái, doanh thu phòng vé Việt Nam đạt 150 triệu USD, tương đương khoảng 90% mức trước đại dịch, từ tổng số 1.100 rạp. Đây được xem là bước tiến xa đối với thị trường điện ảnh Việt Nam khi mà năm 2010 chỉ có 90 rạp chiếu và doanh thu hàng năm dưới 15 triệu USD.

Yếu tố tăng trưởng

Theo tác giả bài viết Liz Shackleton, sự phát triển của nền điện ảnh Việt một phần nhờ vào hệ thống rạp chiếu, do doanh nghiệp Hàn Quốc CJ CGV và Lotte Cinema thực hiện, cùng các hãng phim địa phương Galaxy Cinema và BHD Star Cineplex. Gần đây, Việt Nam cũng chứng kiến sự xuất hiện của chuỗi rạp chiếu phim mới, như Beta Cinema và Cinestar - đơn vị cung cấp mức giá vé phải chăng dành cho sinh viên và khán giả có thu nhập thấp.

Là thị trường điện ảnh đang thử nghiệm nhiều thể loại mới và sản xuất nhiều loại phim hơn, những thành tựu đạt được cũng xuất phát từ nỗ lực của các công ty tư nhân tham gia vào thị trường điện ảnh vào giữa những năm 2000. Trong đó phải kể đến CJ ENM và Lotte tích cực tài trợ và sản xuất phim nói tiếng Việt như Mai, Nhà bà Nữ (CJ ENM), Hai Phượng, Người vợ cuối cùng (Lotte).

Báo quốc tế: Điện ảnh Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất châu Á - Ảnh 3.

Phim Người vợ cuối cùng (The Last Wife) của Đạo diễn Victor Vũ. Ảnh: Lotte Entertainment

Ngoài ra, theo ông Giám đốc phân phối phim của CJ HK Nguyễn Tuấn Linh, 80% khán giả tới rạp là người dưới 29 tuổi. Về cơ bản, nhóm khán giả trẻ tuổi đang quyết định thị hiếu của thị trường. Họ thích thể loại lãng mạn, hài, kinh dị mang yếu tố địa phương cũng như các phim Hàn Quốc, Thái Lan và Indonesia.

"Đây cũng là nhóm tuổi rất tích cực chia sẻ trên mạng xã hội, đặc biệt là TikTok và Instagram, và sẽ nhanh chóng mang đến hiệu ứng mạnh", ông Justin Kim, giám đốc sản xuất phim quốc tế của CJ ENM nhận định.

Hiện tại, khán giả dường như cũng thích những bộ phim nội địa hơn phim Hollywood. Tính trong năm 2023, chỉ có hai bộ phim của Mỹ là Fast X và Elemental nằm trong top 10 dự án ăn khách nhất năm trong khi có tới 6 phim nội địa vào bảng xếp hạng, đứng đầu là Nhà bà Nữ (Trấn Thành đạo diễn), Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh (Lý Hải) và Đất rừng phương Nam (Nguyễn Quang Dũng).

Những kết quả này phản ánh xu hướng mới của khán giả châu Á hậu đại dịch Covid-19, trong đó nguồn cung phim mới của hãng phim Mỹ đã chậm lại do ảnh hưởng kép của Covid và các cuộc đình công của Hollywood. Thế hệ Gen Z (những bạn trẻ sinh năm 1997 đến 2012) thường thích xem những bộ phim phù hợp hơn về văn hóa đồng thời giới thiệu các trào lưu và ngôi sao văn hóa đại chúng châu Á.

Khi nhắc đến phim nhập khẩu từ nước ngoài thì phim Hàn Quốc, Thái Lan và Indonesia hiện đang nằm trong số những phim được yêu thích nhất. Vì vậy, để thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh, giá trị sản xuất, chiến lược tiếp thị và nội dung câu chuyện sẽ là những yếu tố giúp ích cho một bộ phim ở Việt Nam.

Công nghiệp điện ảnh Việt Nam đang ở giai đoạn khởi đầu

Mặc dù rõ ràng là không thiếu tham vọng trong ngành điện ảnh Việt Nam nhưng các nhà sản xuất và làm phim đều ghi nhận những vấn đề giống nhau - ngành này vẫn đang ở giai đoạn đầu, các nhà đầu tư vẫn thận trọng sau đại dịch và nguồn nhân tài chưa đủ lớn để đáp ứng thỏa mãn nhu cầu của khán giả.

Hằng Trịnh, người sáng lập công ty sản xuất, phân phối phim Silver Moonlight và Skyline Media cho biết khi bắt đầu một dự án mới, chúng tôi không có nhiều lựa chọn giữa dàn diễn viên và đoàn làm phim để khiến bộ phim có cảm giác mới mẻ và khác biệt. Ngay bây giờ, đào tạo nhân lực là vấn đề then chốt để chúng tôi có thể có thêm nhân tài thúc đẩy thị trường thực sự phát triển.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung của CJ CGV Việt Nam cho biết trước đại dịch, Việt Nam sản xuất khoảng 40-45 phim mỗi năm nhưng giờ chỉ có dưới 30 dự án vì nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính.

Ông Hải cũng bày tỏ lạc quan trong thời gian tới, kế hoạch V Pictures - công ty đầu tư, sản xuất phim Việt và phát hành phim nước ngoài, do Nguyễn Hoàng Hải làm Giám đốc điều hành - huy động tài chính cho một loạt dự án trong nước, còn CGV đang hỗ trợ tài năng làm phim trẻ bằng cách tài trợ cho các phim ngắn.

Phạm Thiên Ân - Đạo diễn đoạt giải Camera d'Or Liên hoan phim Cannes 2023, là một trong những nhà làm phim bắt đầu sự nghiệp bằng việc thực hiện phim ngắn "Hãy tỉnh thức và sẵn sàng (2019)" dưới sự hậu thuẫn của CGV.

Không giống như các thị trường Đông Nam Á khác, Việt Nam không phải là trọng tâm chính của các nhà phát trực tiếp toàn cầu ngay cả trước khi quy mô sản xuất bằng ngôn ngữ địa phương giảm dần như hiện nay.

Theo trang Deadline, có một số vấn đề cản trở đầu tư nước ngoài vào Việt Nam như việc kiểm duyệt, ít ưu đãi thuế và các biện pháp hỗ trợ sản xuất phim.

Tuy nhiên, gần đây, Chính phủ đã quan tâm nhiều hơn đến ngành công nghiệp phim, dường như sẵn sàng lắng nghe ngành hơn về những gì cần thiết để phát triển thị trường. Theo Luật Điện ảnh mới, có hiệu lực từ tháng 1 năm 2023, hệ thống xếp hạng phim của đất nước đã được cập nhật, giúp việc phân loại trở nên minh bạch hơn và dễ dàng hợp tác hơn, đồng thời các công ty tư nhân lần đầu tiên được phép tổ chức các liên hoan phim.

Liên hoan phim Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (HIFF) cũng dự kiến diễn ra từ ngày 6 -13/4, bên cạnh các liên hoan phim hiện có tại Hà Nội và Đà Nẵng.

"Ngành công nghiệp phim đã trải qua thời kỳ thử thách trong suốt đại dịch nhưng chúng ta đã có những câu chuyện hay để kể và chắc chắn có cơ hội," người sáng lập BHD kiêm Phó Chủ tịch cấp cao Ngô Bích Hạnh cho biết.

Tiếp cận thị trường Bắc Mỹ và hơn thế nữa

Năm ngoái là một khoảnh khắc đáng tự hào đối với các nhà làm phim Việt Nam trong khuôn khổ liên hoan phim, với "Bên trong vỏ kén vàng" (Inside The Yellow Cocoon Shell) của Phạm Thiên Ân chiếu tại Bắc Mỹ và bộ phim Pháp "The Taste of Things" của Đạo diễn Trần Anh Hùng vào top 15 đề cử Phim quốc tế xuất sắc Oscar. Phim Việt cũng đang bắt đầu mở rộng các kênh phân phối chính thống, đặc biệt là ở Mỹ.

Báo quốc tế: Điện ảnh Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất châu Á - Ảnh 4.

Bộ phim "Inside The Yellow Cocoon Shell". Ảnh: Cercamon

Hiện các nhà sản xuất ở Việt Nam đang bắt đầu thử nghiệm làm lại và hợp tác sản xuất như một phương tiện tiếp cận thị trường quốc tế. Ông Justin Kim - Tổng Giám Đốc của CJ HK Entertainment và cũng là Trưởng phòng Sản Xuất Phim Quốc Tế tại CJ ENM đang tìm kiếm cơ hội làm lại nội dung phim Việt Nam và hướng tới chuyển thể sang tiếng Anh.

"Phim Việt Nam cũng có thể đi theo con đường này trong tương lai và CJ, với mạng lưới quốc tế, có thể giúp việc đó", ông Justin Kim nhận định.

Ngoài ra, Hằng Trịnh - Người sáng lập công ty sản xuất, phân phối phim Silver Moonlight và Skyline Media cũng đang thực hiện một loạt phim hợp tác sản xuất với các nước trong đó có Mỹ, Hàn Quốc và Mông Cổ.

"Mối lo ngại chính của chúng tôi là các nước khác chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19, nhưng chúng tôi tin rằng nếu kiểm soát chi phí và có các yếu tố thương mại và quốc tế phù hợp, chúng tôi có thể tiếp cận nhiều thị trường quốc tế hơn", bà Hằng nhấn mạnh./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ