(Tổ Quốc) - Tờ Nikkei Asian Review phỏng vấn Chủ tịch EuroCham về tương lai đầu tư nước ngoài từ châu Âu vào Việt Nam sau đại dịch COVID-19.
Trang Nikkei Asian Review đăng tải, sau những thành công trong ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Việt Nam hiện trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn cho những công ty muốn đa dạng hóa chuỗi cung cấp của mình. Chính vì vậy, cùng với một số nền kinh tế khác, châu Âu đang kêu gọi Việt Nam mở cửa lại các đường bay quốc tế.
Thách thức và cơ hội cho Việt Nam hậu COVID-19
Chia sẻ với phóng viên của Nikkei, Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam Nicolas Audier bày tỏ mong muốn người nước ngoài sớm được cấp visa vào Việt Nam.
Việt Nam hiện cho phép người nước ngoài có thể rời khỏi đất nước cũng như các chuyến bay thương mại tiếp nhận và đưa hành khách quay trở lại châu Âu. Tuy vậy, các chuyến bay tiêu chuẩn từ châu Âu tới Việt Nam nhiều khả năng sẽ chưa tái hoạt động cho tới ít nhất là năm 2021.
Hôm 8/6, hiệp định EVFTA đã chính thức được Quốc hội Việt Nam thông qua. Như vậy, Việt Nam cũng chính là quốc gia Đông Nam Á thứ hai (sau Singapore) kí kết thành công một hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu. Hiệp định dự kiến sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 8.
Theo Đại sứ EU tại Hà Nội Giorgio Aliberti, với EVFTA, "giờ đây các công ty EU sẽ cân nhắc Việt Nam [như một điểm đến đầu tư] thậm chí còn nhiều hơn trước đây".
"COVID-19 và các yếu tố khác sẽ thúc đẩy mọi người nghĩ rằng họ không nên tập trung quá nhiều vào Trung Quốc mà phải đa dạng hóa", ông Aliberti nói. "Tôi nghĩ đó là một thách thức cho Việt Nam nhưng cũng là một cơ hội trong đó, Việt Nam phải thiết lập được một môi trường kinh doanh tốt để tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài".
Ngài Đại sứ chỉ ra, "các công ty sẽ xuất khẩu nhiều hơn sang Mỹ thông qua một nước khác, và Việt Nam là một trong những quốc gia tốt nhất [để đầu tư vào]".
Tuy nhiên, kể từ sau ngày ¼, tất cả đường bay kết nối giữa Việt Nam và EU đã dừng hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
"Các doanh nghiệp châu Âu phải sắp xếp làm việc thông qua video trực tuyến với các đối tác Việt Nam; tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư muốn trực tiếp tới Việt Nam vài ngày giống như họ vẫn làm trong quá khứ", ông Audier cho biết. Những đại diện của các công ty lớn từ châu Âu "sẽ ở lại Việt Nam 2 ngày, một ngày khác ở Malaysia trong chuyến đi công tác của họ bởi vì họ cũng có công việc tại các nước còn lại trong khu vực".
Ông Audier nhấn mạnh, Việt Nam hiện là cửa ngõ vào Đông Nam Á cho các doanh nghiệp châu Âu.
"Nghị viện EU đủ thông minh để hiểu rằng Việt Nam sẽ là một đất nước chủ chốt, quan trọng nhất trong ASEAN. Không chỉ là hôm nay mà vào năm 2030, 2040, Việt Nam vẫn sẽ là một trong những trụ cột của ASEAN và ASEAN sẽ là trụ cột của châu Á", ông Audier nói.
Nhiều quốc gia muốn Việt Nam mở cửa lại các đường bay quốc tế
Tuy nhiên, Chủ tịch EuroCham cũng kêu gọi, "nếu anh muốn có lợi thế kinh doanh, anh cần phải mở cửa biên giới ở mức độ nào đó" để cho phép kinh doanh hồi phục.
Nhu cầu từ các công ty EU đã khiến Hà Nội và Việt Nam bắt đầu thảo luận về việc khôi phục lại đường bay tới các thành phố châu Âu, bao gồm Paris, London và Frankfurt. Tuy nhiên, các cuộc thương lượng mới chỉ ở giai đoạn sơ khai bởi tình hình dịch bệnh ở châu Âu vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.
Đối lập lại, theo Nikkei, Việt Nam đang nằm trong số các quốc gia phục hồi nhanh nhất sau đại dịch. Đã gần 70 ngày Việt Nam không có thêm ca nhiễm cộng đồng mới và vẫn chưa có trường hợp tử vong nào do virus.
Việt Nam hiện là điểm tới được mong đợi nhất cho các chuyến bay quốc tế tại châu Á trong bối cảnh các nền kinh tế đang dần vận hành lại. Trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington gia tăng căng thẳng, các doanh nghiệp trong khu vực cũng đang tìm cách đa dạng hóa các chuỗi cung cấp vốn từng phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Ngoài EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Australia cũng kêu gọi Hà Nội nối lại các đường bay quốc tế, từ đó hướng tới từng bước mở rộng thương mại và du lịch.
Chính phủ Việt Nam và các hãng hàng không đang tiến rất gần tới việc khôi phục đường bay với Seoul, Quảng Châu, Đài Loan, Lào và Tokyo sau một loạt các cuộc đàm phán song phương. Các tuyến bay giữa Việt Nam và Singapore dự kiến cũng sẽ sớm đi vào hoạt động lại.
"Tuy nhiên, Việt Nam tỏ ra cẩn trọng trước kế hoạch tái mở cửa hoàn toàn các chuyến bay tới các thành phố nước ngoài trong bối cảnh đất nước chuẩn bị đối phó với khả năng làn sóng bùng phát thứ hai của đại dịch", Nikkei viết.
"Năng lực kiềm chế virus để các nhà máy có thể hoạt động bình thường và những người nước ngoài chủ chốt có thể tới đất nước, đồng nghĩa với mức độ đầu tư nước ngoài vào đất nước gần như chắc chắn sẽ tăng sau COVID-19, khi thương hiệu Việt Nam được nâng cao như một điểm đến kinh doanh", Trinh Nguyen, một chuyên gia kinh tế tại tổ chức Natixis nhận định trong một báo cáo công bố tháng trước.
Còn ông Aliberti nói, đầu tư nước ngoài "không phải là thứ xảy ra chỉ trong một đêm. Anh phải chờ đợi nó". Mặc dù vậy, ông cho rằng, chính phủ Việt Nam có thể đưa ra nhiều hỗ trợ. "Khi các đầu tư tiềm năng tới Việt Nam, họ nhìn thấy nhiều thủ tục", ông chỉ ra. "Tôi nghĩ chính quyền nhận thức được tình hình và đang cố gắng hết sức mình".