(Tổ Quốc) -Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT) cho biết, sáng 16.8, bão số 4 đã vượt qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) và đi vào phía đông vịnh Bắc Bộ với sức gió mạnh cấp 9, giật cấp 11.
Bão số 4 giật cấp 11 hướng thẳng Quảng Ninh, Hải Phòng. |
Quảng Ninh chủ động ứng phó với bão số 4, đảm bảo an toàn cho khách du lịch và người dân
Chủ động ứng phó với bão số 4, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN, PCCC tỉnh đã ban hành Công điện khẩn số 13 yêu cầu, rà soát, chỉ đạo đến tổ dân, khu phố các biện pháp ứng phó với bão, đặc biệt là tác động ảnh hưởng mưa lớn có thể xảy ra ngập lụt, sạt lở đất đá. Chủ tịch UBND các địa phương khẩn trương chỉ đạo, triển khai thực hiện các phương án phòng chống mưa bão đã được xây dựng, với tinh thần chủ động ứng phó, sẵn sàng phương tiện, nhân lực, vật tư ứng cứu, hỗ trợ kịp thời khi xảy ra các tình huống.
Người dân sống trên các bè cá được yêu cầu lên bờ để đảm bảo an toàn. |
Do đặc thù về địa hình và các hoạt động sản xuất trên địa bàn nên phương án ứng phó trước mỗi cơn bão của Quảng Ninh cũng cần triển khai thực hiện rất đặc thù. Các đối tượng cần đặc biệt lưu tâm để thông tin, hỗ trợ phường chống, ứng phó với mưa bão là ngư dân nuôi trồng thủy sản trên biển, tàu thuyền khai thác thủy sản, tàu vận chuyển, khách du lịch tham quan Vịnh Hạ Long, các tuyến đảo, công nhân làm việc ở các mỏ than, công nhân thi công tại các dự án công trình trọng điểm, các khu vực nhạy cảm về thiên tai, khu vực bị ảnh hưởng do thi công các dự án trên đồi cao… Đặc biệt đối với cơn bão số 4 này cần đặc biệt lưu ý đến khả năng xảy ra mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đất đá.
Hải Phòng đảm bảo an toàn cho con người, vật tư tại các công trình trọng điểm
Để chủ động ứng phó với bão số 4, UBND thành phố vừa ban hành Công điện về việc phòng, chống bão số 4. Tại Công điện, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, quận và Thủ trưởng các sở, ngành thành phố khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bão như sau:
Chủ động thực hiện các phương án phòng chống bão và ngập úng, phương án sơ tán dân ở các khu vực trũng thấp, ven sông, ven biển, các khu nhà cũ yếu, các khu du lịch biển, khu vực có nguy cơ sạt lở và trên các phương tiện đã về nơi neo đậu.
Tổ chức kiểm tra và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, công trình đang thi công, cầu tàu, bến cảng, các khu công nghiệp ven biển, các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, công trình giao thông, công trình công cộng, hệ thống truyền tải điện, thông tin liên lạc, khu vực khai thác khoáng sản, khu nuôi trồng thủy sản, trang trại, gia trại nông nghiệp, chống gãy đổ cây xanh; kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu thi công chủ động thực hiện ngay biện pháp đảm bảo an toàn cho người, tài sản, phương tiện và an toàn công trình trong thời gian có bão, đặc biệt là công trường thi công các công trình lớn (Cảng Lạch Huyện, cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Vũ Yên, cầu Bạch Đằng, Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast).
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bão, bảo vệ an toàn về người và tài sản. Chủ động hạ thấp mực nước đệm trong các hệ thống công trình thủy lợi để phòng ứng phó khi có mưa lớn. Duy trì lực lượng phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu.