(Tổ Quốc) -Xuất phát là một dự án văn hoá do tư nhân sáng lập, đến nay, Bảo tàng Đồng Quê đã trở thành một điểm đến thú vị không thể thiếu của Nam Định.
- 01.03.2018 Hàng loạt khách sạn ở Đà Nẵng chưa nghiệm thu đã đưa vào sử dụng
- 01.03.2018 Vietnam Airlines bắt đầu phục vụ suất ăn nhẹ kiểu mới trên các chuyến bay ngắn
- 02.03.2018 Hướng dẫn viên kể sự cố nhớ đời khi đi tour Trung Quốc dịp Tết
- 02.03.2018 Đà Nẵng truy tìm người phụ nữ Trung Quốc thuyết minh sai về lịch sử Việt Nam
- 02.03.2018 Sẽ có “Liên hoan Ẩm thực quốc tế” tại Festival Huế 2018
Bảo tàng Đồng Quê nằm khiêm nhường tại thôn Bỉnh Di, xã Giao Thịnh, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định là một trong số hiếm hoi Bảo tàng về văn hoá đồng quê mà lại do tư nhân thành lập. Nơi đây đã tái hiện lại hình ảnh cuộc sống lao động, sinh hoạt của các tầng lớp dân cư vùng đồng bằng Bắc Bộ từ xưa đến nay. Những hình ảnh xưa của làng quê Bắc bộ đã được tái hiện lại trong Bảo tàng Đồng Quê giúp du khách được sống lại những ký ức của một thời xa xưa trong quá khứ.
Bảo tàng này vốn là một dự án văn hoá do nhà giáo Ngô Thị Khiếu sáng lập. Được khởi công từ đầu năm 2011, tới cuối năm 2012, bảo tàng đã hoàn thành giai đoạn một, bắt đầu mở cửa và đến năm 2015 thì chính thức hoàn thiện. Năm 2014, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao chứng nhận bà Ngô Thị Khiếu là người sáng lập Bảo tàng Đồng quê đầu tiên ở Việt Nam.
Du khách thăm quan Bảo tàng Đồng Quê |
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê, bà Khiếu và chồng là Thiếu tướng Hoàng Kiền thấu hiểu tất cả những gì mà người nông dân chân lấm tay bùn phải trải qua và trân quý cuộc sống của miền quê Bắc bộ. Chính vì vậy, khi chứng kiến những vật dụng từng gắn bó với cuộc sống của người nông dân dần bị biến mất theo dòng chảy thời gian, ông bà đã quyết tâm dựng lại một “Bảo tàng Đồng quê”, với mong muốn giữ lại những hình ảnh cũ của nông thôn Bắc Bộ một thời, góp phần làm nên nền văn minh lúa nước vùng sông Hồng.
Đến nay, sau nhiều năm nỗ lực gây dựng, Bảo tàng Đồng quê giờ đây không chỉ là điểm đến yêu thích của những người dân quanh vùng mà còn được nhiều du khách trong nước, ngoài nước biết đến. "Hai năm gần đây, năm nào bảo tàng cũng đón từ khoảng 20.000 đến 25.000 lượt khách. Du khách đến với bảo tàng không chỉ thích không gian đồng quê mang đậm dấu ấn của thời xa xưa, mà còn thích thú vì được thưởng thức những đặc sản ngon đặc biệt của Nam Định do chính nhân viên của Bảo tàng chế biến".
Đến với Bảo tàng, du khách được chiêm ngưỡng những hình ảnh cũ, hiện vật cũ của nông thôn Bắc Bộ một thời |
Với nhiều hiện vật đơn sơ, giản dị nhưng có ý nghĩa sâu sắc về bảo tồn văn hoá dân tộc, Bảo tàng Đồng quê tọa lạc trên diện tích 5.000m2, đã tái hiện các mô hình nhà ở của cư dân vùng đồng bằng Bắc bộ như nhà bần nông, nhà trung nông và nhà địa chủ. Đến đây, du khách sẽ hiểu được sự khác biệt về cuộc sống, nếp sinh hoạt của các tầng lớp người dân trong xã hội cũ, đồng thời được trải nghiệm các dụng cụ lao động của ông cha một thời như cối xay, cối giã gạo, cái cày, cái bừa, dụng cụ đập thóc…
Ngoài ra, tòa nhà chính của Bảo tàng được sử dụng làm nơi trưng bày các hiện vật liên quan đến truyền thống bộ đội Công binh, Hải quân, các hiện vật văn hóa đồng quê lúa nước, dụng cụ làm nông,… Tầng hai của tòa nhà trưng bày các hiện vật liên quan đến văn hóa đồng quê lúa nước sông Hồng, bao gồm các công cụ nhà nông khoảng 100 năm trở lại đây cùng với bộ sưu tập đồ đồng, nồi đồng, mâm đồng, đèn cổ và nhiều đồ gốm cổ, sứ cổ, tiền cổ… Tầng ba của tòa nhà là thư viện với hàng nghìn đầu sách và nhiều báo, tạp chí cũ rất có giá trị.
Xung quanh Bảo tàng còn được trồng hàng trăm loại cây, có nhiều loại cây quý hiếm như cây chay, cây sắn thuyền, cây cậy, cây dành dành, cây vối…Ngoài ra, trong khu vực Bảo tàng còn Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, hồ, vó kéo cá, có mảnh ruộng lúa nước.
Một điều đặc biệt là trên diện tích khu vườn quanh các căn nhà cổ, được trồng hàng trăm loại cây, có nhiều loại đang có nguy cơ biến mất như cây Cậy, cây Chay, cây Sắn Thuyền, cây Dành Dành, cây Vối…
Trong khuôn viên Bảo tàng có xây dựng một hầm chữ A tái hiện cảnh người dân quê Bắc bộ dùng làm nơi tránh bom Mỹ năm xưa. Bảo tàng hiện duy trì một số nghề truyền thống với nhà dệt chiếu, làm men rượu theo phương pháp cổ truyền và khu ẩm thực với các món ăn dân dã vùng quê như bánh gai, bánh khúc.../.