(Tổ Quốc) - Trong nhiều năm qua, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam không ngừng đổi mới các hoạt động kết nối, tuyên truyền, giáo dục để phục vụ công chúng tham quan, đặc biệt là giáo dục học sinh phổ thông dưới hình thức tích hợp chuẩn kiến thức với giáo dục lịch sử và văn hóa dân tộc.
Năm 2019, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tiếp tục phối hợp với lực lượng vũ trang quân khu I kết nối 27 đơn vị (04 lữ đoàn: 575, 382, 601, 210; 03 tiểu đoàn: cảnh vệ 15; đặc công 20; trinh sát 31 (Bộ tham mưu); Cục Chính trị; Cục Hậu cần; Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên (các huyện đội thành phố, Đồng Hỷ, Phú Bình); Bảo tàng Lực lượng vũ trang Việt Bắc quân khu 1, Bảo tàng Bảo tàng Quân chủng Hải quân TP Hải Phòng; 07 đơn vị, câu lạc bộ tỉnh Thái Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh: Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ, Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên, Công an tỉnh Thái Nguyên, Đài phát thanh truyền hình tỉnh Thái Nguyên, Sở giáo dục đào tạo, Phòng giáo dục thành phố Thái Nguyên; 04 nhóm nghệ nhân các dân tộc: Nùng, Thái, Mông và Cờ Lao đến từ các tỉnh Cao Bằng, Sơn La và Hà Giang; 01 câu lạc bộ Hoa Sen) tổ chức hoạt động giáo dục trải nghiệm, tái hiện lịch sử nhằm tuyên truyền 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2019) và 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2019).
Trong 36 ngày hoạt động, các lực lượng bộ đội, công an, sinh viên, học sinh, nghệ nhân, bảo tàng, nghệ sỹ, diễn viên, nghệ nhân, phóng viên, báo chí phát thanh truyền hình... đã hòa chung trong một không gian văn hóa, phục vụ 23.500 lượt công chúng, chủ yếu là học sinh từ 48 trường học trên địa bàn các tỉnh: Thái Nguyên, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Phú Thọ, Lạng Sơn đến tham quan trưng bày, trải nghiệm. với chủ đề "Sức mạnh truyền thống, kiến tạo giá trị tương lai".
Thông qua 8 cụm trưng bày, với gần 1.000 ảnh tư liệu, 36 hoạt động trải nghiệm, tái hiện lịch sử, văn hóa dân tộc theo dòng thời gian, từ thời đại Hùng Vương, trải qua các triều đại Đinh, Lý, Trần Lê... đến thời đại Hồ Chí Minh.
Mỗi nội dung cụm trại trưng bày, tái hiện lịch sử một mốc son lịch sử với những đặc trưng văn hóa truyền thống và công cuộc đấu tranh dựng nước, giữ nước, giành độc lập dân tộc, xây dựng bảo vệ tổ quốc, tham gia quốc phòng toàn dân, được thể hiện trong 3 chủ đề lớn: Truyền thống ngàn năm, 75 năm quân đội nhân dân Việt Nam và thành tựu 30 năm quốc phòng toàn dân.
Truyền thống ngàn năm được hun đúc từ lòng yêu nước, yêu văn hóa dân tộc, tinh thần đại đoàn kết đấu tranh khắc phục thiên tai, chống giặc ngoại xâm,… của toàn dân tộc, phương pháp cách mạng và kỹ thuật quân sự của các thế hệ cha ông trong suốt chiều dài lịch sử đã thấm đẫm trong mỗi chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam ngay từ buổi đầu thành lập ngày 22/12/1975. Sau 75 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mỗi cán bộ chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam đã sống trong lòng dân, cùng nhân dân các dân tộc anh dũng chiến đấu, giành thắng lợi trong cách mạng tháng 8 năm 1945, lần lượt đánh thắng 2 kẻ thù xâm lược, viết nên bản hùng ca đất nước bằng những chiến thắng Điện Biên năm 1954 chấn động địa cầu, đại thắng mùa xuân 1975. Hôm nay, tiếp tục công cuộc đổi mới đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước - Kiến tạo giá trị tương lai, rèn luyện bản thân, tiếp cận công nghệ, hội nhập quốc tế, phát huy truyền thống yêu nước và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Có thể nói, hoạt động tuyên truyền, giáo dục để phục vụ nhiệm vụ chính trị của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là hoạt động xã hội hóa lần thứ 3, nhưng đều có sự tham gia tích cực của của các đơn vị, trường học. 95% học sinh, giáo viên đánh giá chất lượng tốt bởi đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, nội dung trưng bày, trải nghiệm, tái hiện lịch sử có ý tưởng, kịch bản hoạt động hoàn thiện, có sự tích hợp kiến thức quốc phòng, lịch sử, văn hóa, truyền thống yêu nước, cách mạng của dân tộc và quân đội nhân dân Việt Nam cùng kỹ năng sống. Một ngày làm bộ đội, ngoài việc hòa cùng các nhân vật văn hóa và 54 dân tộc Việt Nam tham quan trưng bày, trải nghiệm, tái hiện lịch sử, văn hóa, văn nghệ dân gian, tham gia các hoạt cảnh, các bài ca đi cùng năm tháng, đọc truyện, làm mũ rơm, làm gốm, làm đồ mây tre đan, làm phóng viên nhí… các em còn chụp ảnh quay phim, thu được 10.000 ảnh, 20 băng đĩa, chuyển thông điệp lên nhiều báo chí, các trang mạng xã hội ...
Thông qua tham quan trải nghiệm tái hiện lịch sử, văn hóa, góp phần giáo dục tích hợp lịch sử và văn hóa cho thế hệ trẻ. Một ngày được trải nghiệm làm cho các em học mà chơi, chơi mà học thật vui vẻ nhưng sâu sắc, để lại trong lòng các em học sinh những một ấn tượng tốt đẹp, những ký ức khó quên, thẩm thấu lịch sử và văn hóa theo chiều dài lịch sử một cách cô đọng, dề nhớ, dễ hiểu. Từ đó khơi dậy niềm tự hào cũng như ý thức bảo vệ và đấu tranh giữ gìn độc lập, chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ.
Hoạt động thực sự đã góp phần to lớn trong việc giáo dục quốc phòng toàn dân, tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về sức mạnh, ý nghĩa của quốc phòng toàn dân, bồi đắp ý chí, sự sáng tạo, khơi dậy và phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, đoàn kết, năng động, phát huy truyền thống yêu nước, dũng cảm đầy chất nhân văn, bản lĩnh kiên cường của anh bộ đội cụ Hồ, của chiến sỹ công an, truyền thống văn hóa dân tộc của các thế hệ người Việt Nam. Qua đó, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam, đồng hành cùng lực lượng vũ trang ở mọi nẻo đường, tham gia tích cực vào sự nghiệp quốc phòng toàn dân trong thời đại mới... Hôm nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc Việt Nam tiếp tục khẳng định bản lĩnh, bản sắc văn hóa Việt Nam trong xu thế giao thoa, hội nhập, vượt qua khó khăn, diễn biến phức tạp của tình hình khu vực, quốc tế để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.