• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thông qua các lớp truyền dạy

Văn hoá 07/12/2023 17:46

(Tổ Quốc) - Với mong muốn giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk đã hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thành lập những mô hình hoạt động thiết thực như các câu lạc bộ về dệt thổ cẩm, cồng chiêng,…

Nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk là nơi hội tụ của 47/54 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Do vậy, nền văn hóa của các dân tộc nơi đây rất đa dạng, nhiều sắc màu. Ngoài những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc Ê-đê, M'nông, Gia Rai còn có sự hiện diện văn hóa của các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Hoa… đến từ các tỉnh vùng Tây Bắc, Trung bộ, Tây Nam bộ. Tỉnh Đắk Lắk nổi tiếng với lễ hội cồng chiêng, đâm trâu, đua voi mùa xuân; các nhạc cụ lâu đời như cồng chiêng, đàn đá, đàn T'rưng…

Tuy nhiên, do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, của văn hóa và lối sống hiện đại nên các lễ hội truyền thống, không gian văn hóa cồng chiêng, không gian nhà dài, không gian bến nước, không gian nương rẫy, không gian rừng của đồng bào các dân tộc thiểu số đang thay đổi nhanh chóng, có nguy cơ mất dần. Sự phát triển của các loại hình văn hóa hiện đại, truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa truyền thống. Ngày càng có nhiều thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số không quan tâm đến văn hóa truyền thống của dân tộc mình...

Chính vì thế, nhằm thực hiện hiệu quả dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" (Dự án 6) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh Đắk Lắk đã hỗ trợ người dân, đồng bào dân tộc thiểu số thành lập những mô hình hoạt động thiết thực như các câu lạc bộ (CLB) về dệt thổ cẩm, cồng chiêng, mở các lớp tập huấn, hướng dẫn truyền dạy nghề truyền thống, tặng các vật dụng liên quan phục vụ việc học cũng như sử dụng lâu dài.

Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thông qua các lớp truyền dạy - Ảnh 1.

Các học viên lớp hướng dẫn, truyền dạy dệt thổ cẩm truyền thống Êđê tại xã Hòa Xuân tìm hiểu, thực hành với thiết bị máy may.

Điển hình như, mới đây, Câu lạc bộ dệt thổ cẩm truyền thống của người Êđê buôn Drai Hling (xã Hòa Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột) được thành lập gồm 12 thành viên là phụ nữ của ba buôn trong xã. Các hoạt động của câu lạc bộ không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của người Êđê, mà còn hỗ trợ các thành viên phát triển sản xuất nhằm giảm nghèo bền vững. Hoạt động đầu tiên là mở lớp hướng dẫn, truyền dạy dệt thổ cẩm truyền thống Êđê cho 20 phụ nữ trong xã. Trong dịp này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cũng đã trao tặng các trang thiết bị hỗ trợ hoạt động của câu lạc bộ như: máy may, máy vắt sổ, bộ khung dệt và một số dụng cụ kéo chỉ, tạo sợi truyền thống của người Êđê.

Theo Bà H'Ngao Byă - Chủ nhiệm Câu lạc bộ chia sẻ: "Những trang thiết bị được hỗ trợ rất cần thiết vì phần nào giảm bớt khó khăn cho câu lạc bộ trong những ngày đầu thành lập. Đồng thời, nó khá phù hợp vì đáp ứng được nhu cầu sử dụng, bởi định hướng của câu lạc bộ là sẽ mang đến thị trường những sản phẩm đã được sản xuất hoàn thiện như váy, áo, túi đựng điện thoại… chứ không dừng lại ở việc dệt vải".

Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk còn tổ chức các lớp truyền dạy kỹ năng đánh chiêng và múa xoang cho người dân tộc thiểu số, nhất là đối tượng thanh thiếu niên ở buôn Drài, buôn Drài Điết (xã Dliê Yang), Câu lạc bộ cồng chiêng buôn Treng (xã Ea H'leo), học sinh trường Dân tộc nội trú – THCS Ea H'leo…

Tham dự lớp học các học viên là các em học sinh yêu thích cồng chiêng, múa xoang trên địa bàn xã. Các học viên sẽ được các nghệ nhân dạy cách cầm dùi, cầm chiêng, nắm được giai điệu diễn tấu, đánh cồng chiêng, múa xoang.

Ông Phan Hồng Thạnh (chuyên viên Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ea H'leo) cho biết: Việc mở lớp truyền dạy đánh chiêng và múa xoang cho học sinh nhằm khơi dậy niềm đam mê diễn tấu cồng chiêng, nâng cao ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong thanh thiếu nhi. Đồng thời, giúp thế hệ trẻ kế thừa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đây cũng là nguồn tài nguyên quý giá để khai thác phục vụ du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thông qua các lớp truyền dạy - Ảnh 2.

Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk cũng đã tổ chức Lớp đào tạo nghệ thuật cộng đồng, cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh

Ngoài ra, Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk cũng đã tổ chức Lớp đào tạo nghệ thuật cộng đồng, cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ở bộ môn múa và nhạc cụ dân tộc.

Lớp có 24 học viên, đây là những thí sinh đã được Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk tuyển chọn vào tháng 7,8 vừa qua. Hầu hết các học viên ở độ tuổi nhỏ (từ 12 – 18), có năng khiếu, điều kiện hình thể thuận lợi, phù hợp với đào tạo nghệ thuật và phát triển thực lực trong tương lai.

Với từng bộ môn, học viên đã có một số kỹ năng cơ bản riêng. Về nhạc cụ dân tộc, đa số các em đã biết sử dụng cồng chiêng, nhưng chưa đồng đều, ngoài ra một số ít còn biết sử dụng nhạc cụ dân tộc khác như: đàn T'rưng, Sáo, Đing păh… Về bộ môn múa, hầu hết các học viên chưa được tham gia vào các Câu lạc bộ, đội, nhóm, nên còn còn rụt rè, nắm bắt luật động của động tác còn hạn chế.

Tại lớp đào tạo, các học viên sẽ được các giảng viên thuộc Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk đào tạo về nghệ thuật như: kiến thức âm nhạc, phong cách biểu diễn, trình diễn, xử lý tác phẩm..., từ đó có thể thực hành bài biểu diễn trọn vẹn và đặc sắc. Sau thời gian đào tạo, các học viên sẽ được ưu tiên làm cộng tác viên tham gia các chương trình biểu diễn của Đoàn.

Thông qua các lớp truyền dạy đã góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh; khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa nghệ thuật; ươm mầm và bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật, nâng cao chất lượng nghệ thuật trong cộng đồng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân; xây dựng ý thức, trách nhiệm nhất là thế hệ trẻ trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Đồng thời, đây là một trong những bước quan trọng, nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng dân cư nâng cao trách nhiệm trong việc bảo tồn tài nguyên văn hóa. Cũng qua đó, giúp người dân thay đổi nhận thức, tích cực tham gia kinh doanh du lịch để được hưởng lợi từ du lịch./.

M.Sao - Linh Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ