(Tổ Quốc) - Huyện Văn Yên tỉnh Yên Bái có gần 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số với 12 dân tộc anh em cùng chung sống. Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc biệt được chú trọng.
Huyện Văn Yên, Yên Bái là huyện miền núi với đông đảo đồng bào dân tộc cùng chung sống. Mỗi dân tộc có nét văn hóa đặc sắc riêng. Với những tài nguyên văn hóa phong phú như các phong tục, tập quán, tín ngưỡng đặc sắc của đồng bào Dao, Tày, Mông, Cao Lan, Xa Phó… cũng như các loại hình nghệ thuật dân tộc đặc sắc như trình diễn xòe Then của người Tày xã Đông Cuông, trình diễn sáo mũi và khèn bè của người Xa Phó...
Để bảo tồn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc tại các xã trên địa bàn, huyện Văn Yên đã thành lập các câu lạc bộ dân gian, lớp truyền dạy do các nghệ nhân truyền dạy như hát giao duyên, dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc, dạy hát then, đàn tính dân tộc Tày, dạy dệt may, thêu thùa trang phục truyền thống của dân tộc… Đến nay, Văn Yên có 185 đội văn nghệ, câu lạc bộ văn nghệ quần chúng đang hoạt động hiệu quả góp phần đẩy mạnh công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch.
Bên cạnh đó huyện Văn Yên đặc biệt chú trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, phát triển du lịch; phát huy vai trò của cộng đồng DTTS với tư cách là chủ thể sáng tạo, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, cư dân vào hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá.
Trong thời gian qua huyện Văn Yên đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa như các các cuộc thi, liên hoan văn hóa, văn nghệ quần chúng, hội thi … nhằm tạo không khí vui tươi trong cộng đồng, cổ vũ cho đồng bào các dân tộc có ý thức sưu tầm, bảo tồn, sáng tác và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng trong cộng đồng.…
Bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa như: hát chầu văn hát then, múa then, múa xòe cổ, hát khắp và các tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc khác của người Tày các xã: Đông Cuông, Tân Hợp, Phong Dụ Thượng, Ngòi A,…; hát páo dung, múa rùa, múa gông, múa chuông, múa cầu mùa, nhảy lửa, lễ cấp sắc và các tiết mục văn hóa văn nghệ đặc sắc khác của người Dao các xã: Đại Sơn, Viễn Sơn, Mỏ Vàng, Xuân Tầm, Phong Dụ Thượng, Ngòi A, Quang Minh, …; múa xòe, sáo cúc kẹ và các tiết mục văn hóa văn nghệ đặc sắc khác của người Xa Phó xã Châu Quế Thượng; múa khèn, múa Mông, múa gậy sênh tiền và các tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc khác của người Mông xã Nà Hẩu…
Huyện Văn Yên cũng tập trung huy động mọi nguồn lực xã hội hóa, cộng đồng dân cư, nguồn hỗ trợ để đầu tư bảo tồn bản sắc văn hóa, kêu gọi các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đầu tư hoạt động kinh doanh các điểm thể thao, vui chơi giải trí trên địa bàn. Gắn bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cộng đồng các dân tộc với phát triển kinh tế, xã hội. Khai thác hiệu quả bản sắc văn hóa các dân tộc, đặc biệt là dân tộc ít người gắn với việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ và thương mại. Quan tâm chăm lo đời sống nhân dân các dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt các chương trình, chính sách ưu đãi, xóa đói giảm nghèo; hướng dẫn việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi, góp phần giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Hà Trung Kiên – Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Văn Yên cho biết: Hằng năm, trên địa bàn huyện diễn ra rất nhiều lễ hội truyền thống ở các di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh. Qua đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian truyền thống được bảo tồn và phát triển như: kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, ném còn, đu tiên, bịt mắt bắt vịt, đi cà kheo, đánh quay, vật dân tộc, thi đấu bóng chuyền, bóng đá, các điệu múa then, hát then, hát giao duyên, thổi sáo mũi, khèn lá…Trong thời gian qua những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc được các địa phương trên địa bàn Văn Yên tập trung khai thác gắn với phát triển du lịch. Qua đó, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách trong nước và quốc tế.