• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo tồn và phát huy Di sản Văn hoá phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số- Bài 1: Văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Quảng Bình

Văn hoá 24/10/2024 09:26

(Tổ Quốc) - Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đã trở thành nhân tố thúc đẩy quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa giữa các dân tộc, từng bước tạo nên diện mạo văn hóa mới đa dạng, phong phú và tiên tiến, giàu bản sắc... Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, văn hoá các DTTS đang đứng trước những biến đổi rất sâu sắc, bị mai một thậm chí bị biến mất của một số thành tố vốn là bản sắc văn hóa tộc người… đặt ra những thách thức to lớn trong bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là di sản văn hóa phi vật thể.

Bài 1: Văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Quảng Bình

Tỉnh Quảng Bình có hai dân tộc thiểu số (DTTS) chính gồm: dân tộc Bru-Vân Kiều và dân tộc Chứt. Trong đó, dân tộc Bru-Vân Kiều gồm 4 tộc người: Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì, sinh sống chủ yếu ở miền tây huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và một phần huyện Bố Trạch. Dân tộc Chứt gồm 5 tộc người: Sách, Mày, Rục, A Rem, Mã Liềng, sinh sống chủ yếu ở hai huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa và một phần ở miền tây huyện Bố Trạch...

Bảo tồn và phát huy Di sản Văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Tái hiện lễ hội lấp lỗ của đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều

Văn hóa của dân tộc Bru- Vân Kiều

So với dân tộc Chứt, dân tộc Bru-Vân kiều có vốn văn nghệ dân gian khá đậm nét. Họ còn lưu giữ khá nhiều làn điệu dân ca khác nhau như: Hát chà chấp, hát sim, hát o oát, sa nớt, hát ru con.… Người Vân Kiều cũng còn khá đậm nét ca dao, tục ngữ, truyện cổ… Nhạc cụ của người Vân Kiều có nhiều loại: Trống, thanh la, chiêng núm, kèn (amam, ta-riêm, khơ-lúi, pi), đàn (achung, pư-kua...); sáo…

Người Bru - Vân Kiều chịu ảnh hưởng của đa thần giáo. Để thỏa mãn nhu cầu giao tiếp với thần linh, họ thực hành rất nhiều các nghi thức cúng tế. Chẳng hạn như các nghi lễ gắn với chu kỳ khai hoang, phát rẫy và canh tác. Ở các công đoạn sản xuất, người ta phải cúng thần núi, thần cây, thần nước; cúng khi chọn đất, phát rẫy, tra hạt; cúng cầu mưa; cúng lúc thu hoạch; cúng mừng cơm mới… Lễ hội trỉa lúa (hay lễ lấp lỗ), Lễ hội đập trống của người Ma coong là một minh chứng .

Người Bru - Vân Kiều tin vào thần bảo hộ bản mệnh vậy nên họ thường làm lễ để thờ thần bản mệnh, trong những lúc ốm đau họ sẽ cúng thần bản mệnh để cầu mong sức khỏe. Cũng như các dân tộc thiểu số khác ở Trường Sơn - Tây Nguyên, đồng bào Bru - Vân Kiều Quảng Bình có nhiều tục (bao gồm cả phong tục và hủ tục) riêng có của đồng bào Bru-Vân Kiều như đám chay, đám cưới…

Người Bru- Vân Kiều hôn nhân ngoại tộc (một vợ một chồng). Trước đây có tục nối giây, tức nếu chồng chết thì chị dâu phải lấy em chồng hoặc ngược lại. Tuy nhiên hiện nay hủ tục này cơ bản đã được hủy bỏ vì không còn phù hợp. Trang phục, đối với nữ áo có loại chui đầu, không tay, cổ khoét hình tròn hoặc hình vuông, có loại áo cánh xẻ ngực, dài tay màu chàm, cổ và hai mép trước áo có đính các đồng bạc nhỏ màu sang và mang váy. Nam trước đây thường ở trần, đống khố.

Văn hóa của dân tộc Chứt

Bảo tồn và phát huy Di sản Văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Lễ cũng Giang Sơn của đồng bào Chứt

So với người Bru- Vân Kiều, hiện nay loại hình văn hóa dân gian nói chung văn hóa phi vật thể nói riêng còn lại ở người Chứt không nhiều. Trong trí nhớ của những người già thì vẫn sót lại những câu chuyện kể về khai sinh lập địa, về sự sinh ra các dân tộc trong vùng, những làn điệu dân ca như, điệu Cà tưm, Cà lềnh với vần điệu rất thô sơ. Trong các bản làng vẫn còn đâu đó đàn trơ bon, sáo dọc, tù và, đàn môi, chiêng...

Luật tục của các tộc người dân tộc Chứt chủ yếu là những quy ước về quan hệ xã hội trong cộng đồng, về cách ứng xử với môi trường tự nhiên, về vi phạm phong tục, tập quán….nhưng có tính ước lệ, không thành văn. Tuy sơ khai, nhưng đó cũng là một phần giá trị thuộc bản sắc văn hóa của người Chứt.

Có thể khẳng định rằng, đồng bào Chứt không còn Lễ hội nào tiêu biểu và tồn tại khá nguyên vẹn. Cả 5 nhóm tộc người của dân tộc Chứt không bảo tồn được trang phục, không biết dệt vải…chỉ có một số lễ liên quan đến vòng đời người, như lễ nghi sinh đẻ, làm nhà, cưới hỏi, tang ma như lễ xông hơi đá cho sản phụ, lễ cúng thần linh trong cưới hỏi, lễ cúng rừng thiêng, cúng phát rẫy, cúng gieo hạt... nhưng cũng khá thô sơ, mộc mạc chân chất với tự nhiên.

Vĩnh Quý

NỔI BẬT TRANG CHỦ