(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh hiện nay, văn hoá các DTTS đang đứng trước những biến đổi rất sâu sắc, bị mai một thậm chí bị biến mất của một số thành tố vốn là bản sắc văn hóa tộc người… đặt ra những thách thức to lớn trong bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là di sản văn hóa phi vật thể (VHPVT).
Thuận lợi bảo tồn các giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số
Ông Lê Hùng Phi, Chủ tịch Hội di sản Việt Nam tại tỉnh Quảng Bình chia sẻ: Trong thời gian qua công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống nói chung, VHPVT nói riêng của các dân tộc rất ít người ở Quảng Bình đã có những bước quan tâm đúng mức. Các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước về dân tộc nói chung, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản VHPVT nói riêng đã được các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai khá đầy đủ và kịp thời.
Công tác sưu tầm nghiên cứu để lưu giữ các hiện vật về đời sống văn hóa, những nhạc cụ, lễ hội được phục hồi như Lễ hội đập trống của Người Ma Coong, Lễ hội lấp lỗ, Lễ mừng cơm mới của bà con đồng bào Bru-Vân Kiều được công nhận là DSVHPVT cấp quốc gia… là những kết quả đáng mừng.
Mặt khác, công tác tổ chức liên hoan văn hóa văn nghệ đồng bào dân tộc với quy mô xã, huyện, tỉnh đã khơi dậy được ý thức tự bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc của chính đồng bào dân tộc. Hay việc tổ chức các lớp tập huấn xây dựng câu lạc bộ (CLB) sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn, bản vùng đồng bào DTTS nhằm mục đích bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Bình đã được triển khai có hiệu quả.
Đáng chú ý đó chính là công tác nghiên cứu để ghi chép, lưu giữ tư liệu về đời sống văn hóa các dân tộc ít người của Quảng Bình của các nhà dân tộc học, nhân học, ngôn ngữ học, xã hội học đã được quan tâm nghiên cứu, ghi chép như Võ Xuân Trang, Trần Trí Giỏi, Nguyễn Văn Mạnh… đã cũng cố, bổ sung và có cái nhìn phổ quát về căn tính tộc người và văn hóa của các DTTS Quảng Bình.
Cùng với đó là sự hỗ trợ hiệu quả của các chương trình, dự án định canh định cư, phát triển các cụm điểm văn hóa, xây dựng nhà ở cho các hộ, nhà cộng đồng cho các thôn bản theo Chương trình 134,135 của Chính phủ ít nhiều góp phần nâng cao đời sống vật chất, dân trí cho đồng bào, qua đó người dân có điều kiện hơn để phục hồi, lưu giữ các giá trị văn hóa mang tính bản sắc của đồng bào dân tộc.
Những thách thức trong việc bảo tồn văn hoá
Mặc dù nỗ lực để bảo tồn văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều; đồng bào Chứt ở Quảng Bình nhưng quá trình thực hiện, ngành Văn hóa tỉnh Quảng Bình cũng có những khó khăn thách thức lớn khi khi nền kinh tế thị trường, với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các giá trị văn hóa truyền thống nói chung, văn hóa phi vật thể nói riêng của đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Bình đang đứng trước những thách thức trong việc khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị vốn có của nó.
Trước hết là việc đồng bào dân tộc ít người sống đan xen lẫn nhau và cả người Kinh, người Lào hai bên dãy Trường Sơn do đó có sự giao thoa lẫn nhau nên không tránh khỏi sự vay mượn và pha trộn văn hóa. Nhiều giá trị văn hóa dân gian truyền thống đã bị mất dần theo thời gian, nay chỉ còn trong trí nhớ của các bậc cao niên hoặc ghi chép, khảo tả lại của các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà xã hội học, dân tộc học…
Đơn cử như văn hóa các tộc người của dân tộc Chứt, hiện tại họ không có trang phục, không còn lễ hội dân gian, không còn sót lại nhiều âm nhạc dân gian…chỉ còn một số tục, lệ, truyện kể dân gian truyền miệng. Có lẽ đây là bài giải khó có đáp án không chỉ Quảng Bình mà các cấp các ngành của Trung ương cũng phải nghiêm túc đặt vấn đề bảo tồn văn hóa dân tộc Chứt Việt Nam nói chung, Quảng Bình nói riêng.
Mặt khác, theo thời gian, các nghệ nhân dân gian nắm giữ các tri thức dân gian, văn hóa dân gian của các dân tộc ít người cũng ít đi hoặc già yếu, không còn khả năng trao truyền cho thế hệ kế tiếp, dẫn đến nguy cơ thất truyền, mai một là điều chắc chắn xảy ra. Ví như đồng bào Bru-Vân kiều ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh may mắn còn sót lại chỉ hai nghệ nhân Hồ Ai và Hồ Phúc là người còn nắm giữ cơ bản các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ và nghi thức dân gian của lễ hội và luật tục mà thôi… ông Lê Hùng Phi chia sẻ.
Hiện nay, công tác sưu tầm, khảo cứu, lưu trữ, truyền dạy các các giá trị văn hóa dân gian truyền thống của các dân tộc ít người chưa được thường xuyên, đồng bộ. Các chương trình, dự án định canh, định cư, phát triển các cụm điểm văn hóa, xây dựng nhà ở cho các hộ, nhà cộng đồng cho các thôn, bản ít nhiều góp phần nâng cao đời sống vật chất, dân trí cho người dân nhưng đôi khi lại không gắn các yếu tố văn hóa truyền thống của đồng bào nên họ chưa mặn mà với nơi ở mới chưa nói đến điều kiện để họ bảo tồn và phát huy các giá trị của văn hóa dân gian nói chung, văn hóa phi vật thể nói riêng của chính dân tộc họ.