• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo tồn và phát huy Hội An và Mỹ Sơn: Còn nhiều thách thức

Giải trí 17/12/2014 11:43

(Toquoc)-Mặc dù Quảng Nam đã và đang làm khá tốt công tác bảo tồn Hội An và Mỹ Sơn, song vẫn còn nhiều thách thức.

(Toquoc)-Mặc dù Quảng Nam đã và đang làm khá tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị hai Di sản thế giới Hội An và Mỹ Sơn, song vẫn còn nhiều thách thức chưa có giải pháp cụ thể.

Ngày 16/12, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị Công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Hội An và Mỹ Sơn qua 15 năm được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa thế giới (1999-2014).





 Phố cổ Hội An (Ảnh: Ngọc Thành)

15 năm qua, Hội An, Mỹ Sơn đã giải quyết hài hòa được mối quan hệ giữa bảo tồn di sản và phát triển KT-XH, tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của cộng đồng về bảo tồn di sản văn hóa là nền tảng động lực phát triển kinh tế. Hội An và Mỹ Sơn trở thành trung tâm du lịch lớn. Di sản văn hóa Mỹ Sơn và Hội An đã đón tiếp và làm việc với hàng trăm lượt đoàn khách quốc tế đến hợp tác nghiên cứu khoa học, trao đổi kinh nghiệm quản lý, bảo tồn di sản văn hóa, hợp tác tổ chức lễ hội, đầu tư dịch vụ, kinh doanh…Tuy nhiên, thực tế, việc bảo tồn và phát huy hai di sản này còn tồn tại nhiều thách thức không nhỏ.

Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam Đinh Hài cho biết, quần thể kiến trúc khu phố cổ Hội An chủ yếu được làm bằng gỗ với niên đại hàng trăm năm, những phế tích Chăm bằng gạch với niên đại nhiều trăm năm, lại nằm trong môi trường khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt (bão, lũ, côn trùng gây hại…) nên các di tích có nguy cơ xuống cấp rất lớn.

Do vậy, nhu cầu vốn đầu tư tu bổ, cứu nguy khẩn cấp cho hàng loạt ngôi nhà cổ ở Hội An và nhiều đền tháp ở Mỹ Sơn là rất lớn và cấp thiết, song nguồn ngân sách các cấp chỉ đáp ứng một phần nhỏ bé. Ngay cả việc triển khai hai quy hoạch được Chính phủ phê duyệt cho Hội An và Mỹ Sơn cũng gặp không ít khó khăn về nguồn vốn.

Bên cạnh đó, đối với di sản Hội An, nguồn vật liệu tu bổ di tích cũng bị thu hẹp nhất là vật liệu gỗ, do đó chất liệu gỗ được sử dụng trong tu bổ di tích chất lượng chưa được đảm bảo; vật liệu ngói, gạch đảm bảo quy chuẩn dùng cho công tác tu bổ đối với từng di tích cũng rất khiêm tốn. Ngoài ra, mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển trong một di tích sống dưới sức ép của hoạt động du lịch đang là thách thức đối với công tác quản lý.

Với Thánh địa Mỹ Sơn, địa phương còn khá lúng túng trong giải pháp thi công, tu bổ tháp Chăm do chưa tìm được lời giải đáp cho những bí ẩn trong kỹ thuật xây dựng tháp của người xưa. Thách thức còn nằm ở đội ngũ làm công tác bảo tồn, trùng tu di tích tại Hội An và Mỹ Sơn còn quá mỏng, việc nghiên cứu, áp dụng KHCN vào bảo tồn di tích còn chưa nhiều. Mặt khác, cơ chế quản lý di sản thế giới tại Quảng Nam hiện còn chồng chéo, bất cập và chưa đủ mạnh so với tầm vóc của các di sản này (di sản Hội An thuộc UBND TP. Hội An quản lý, còn di sản Mỹ Sơn thuộc UBND huyện Duy Xuyên quản lý).





Thánh địa Mỹ Sơn (Ảnh: Ngọc Thành)

Hầu hết các ý kiến trong hội nghị đều cho rằng cần thêm nguồn kinh phí cho công tác tu bổ và phát huy giá trị di sản Hội An và Mỹ Sơn. Tuy nhiên, điều khó khăn là, theo ông Nguyễn Thế Hùng- Cục trưởng Cục di sản Văn hóa: “Năm nay, kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia cho các di tích đã giảm 60-70% do kinh tế của cả nước khó khăn. Bộ đã đưa về địa phương 99,9% ngân sách Bộ nhận được. Vì thế, địa phương phải chủ động về ngân sách tu bổ các di sản này.”

Trước tình hình đó, theo một số chuyên gia, nhà quản lý, Quảng Nam cần huy động nguồn lực tài chính và kỹ thuật từ bên ngoài, phát huy nội lực về tư duy ở bên trong để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Bên cạnh đó, cần tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, cả trực tiếp tài trợ vốn và gián tiếp vận động các tổ chức quốc tế, đồng thời có một cơ chế thông thoáng hơn để hai di sản văn hóa thế giới có điều kiện phát triển bứt phá.

Đồng tình với ý kiến này, ông Đinh Hài cho rằng: “Đã đến lúc cần tính cơ chế riêng cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị hai di sản này, chúng ta có thể nghĩ đến việc xã hội hóa công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hội An và Mỹ Sơn như cách Campuchia đã làm cho Angkor Wat…”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng việc cần làm hiện nay là có cơ chế quản lý mạnh hơn, thống nhất một đầu mối đối với hai di sản thế giới của Quảng Nam. Tức là cần có cơ quan quản lý Hội An và Mỹ Sơn trực thuộc tỉnh, giống như Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trực thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức chung cho bảo tồn di sản, đặc biệt là thế hệ trẻ; đẩy mạnh triển khai các đề tài KHCN nghiên cứu về công tác bảo tồn di tích Hội An và Mỹ Sơn. Có chiến lược đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ chuyên môn bảo tồn và phát huy di sản hiện nay./.

T. Linh

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ