• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo tồn văn hoá phi vật thể của đồng bào Rục

Văn hoá 25/10/2024 19:25

(Tổ Quốc) - Để giữ được những nét văn hoá đặc trưng trong tín ngưỡng dân gian đòi hỏi sự chung tay của cộng đồng và những nhà nghiên cứu từ đó tìm ra các phương án bảo tồn hiệu quả những nét đặc sắc nhất trong tín ngưỡng dân gian của người Rục (thuộc đồng bào Chứt) ở xã Thượng Hoá (Minh Hoá - Quảng Bình).

Tái hiện lễ cúng Giang Sơn…

Bảo tồn văn hoá phi vật thể của đồng bào Rục - Ảnh 1.

Mâm cúng các vị thần trong lễ cúng Giang Sơn của đồng bào Rục

Đồng bào Rục quan niệm tầng giữa chính là nơi sinh sống của con người và vạn vật, đồng thời là nơi tồn tại của những loài ma như ma rừng, ma suối..., chi phối trực tiếp đến đời sống của con người. Bao quanh con người là những vị thần, ma, linh hồn nên đồng bào cho rằng, để làm vừa lòng cũng như chế ngự những đối tượng này, trong quá trình sản xuất và sinh họat, phải thực hiện nghi lễ cúng, dâng lễ vật và tuân theo những kiêng cữ. Đồng bào quan niệm rằng, con người có rất nhiều vía, mỗi vía lại tương ứng với các bộ phận trên cơ thể con người. Vì vậy, việc đau ốm được lí giải do vía con người đã bị ma bắt đi, phải cúng để gọi vía về, người đó mới hết bệnh.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025… trong đó, Dự án 6 "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong quá trình tìm hiểu, phục dựng những nét văn hóa tốt nhất trong lễ cúng Giang Sơn của người rục và từ đó sẽ phục dựng nguyên trạng lễ hội này giúp đồng bào Rục…

Ông Mai Xuân Thành, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình

Đối với người Rục, trong thế giới đa thần, vạn vật hữu linh để lại dấu ấn mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của người Rục. Nó dẫn đến các hình thức cúng bái liên quan đến các hoạt động khai thác tự nhiên (săn bắn), sản xuất (trồng trọt, canh tác nương rẫy). Để khởi đầu cho một mùa săn may mắn, đồng bào chọn một ngày tốt làm lễ cúng. Pự Cavel (già làng) đứng ra tổ chức cúng cho cả làng; lễ vật gồm gà, rượu đoác và một ít ngô, sắn. Hiện nay, quan niệm về tâm linh của đồng bào đã có phần suy giảm, vì vậy vào mỗi mùa vụ, người Rục không còn thực hiện đầy đủ những lễ nghi; việc thực hiện các nghi lễ này chỉ còn mang tính chất tượng trưng và lễ vật cũng đơn giản hơn trước.

Đồng bào Rục tại xã Thượng Hóa chủ yếu sống trong hang động, núi đá, lán cây... nên rừng có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, chi phối toàn bộ đời sống của người dân. Để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, gia đình, bản làng yên ổn, người dân vào rừng săn bắt, hái lượm được may mắn, đồng bào Rục tổ chức lễ cúng Giang Sơn vào tháng 9 âm lịch hàng năm. Lễ cúng cũng là dịp để trả lễ, cảm ơn đấng bề trên đã phù hộ độ trì, bảo hộ cho cuộc sống được yên bình, no ấm.

Trước khi bước vào lễ chính thức, các viên đá lèn sau khi được rửa sạch, nung đỏ, đồng bào Rục thả vào những thau nước có ngâm lá rừng. Trong lễ cúng, già làng dùng hai miếng gỗ ngắn làm bằng thanh cây tre hoặc nứa có mặt vỏ và mặt ruột ném vào một con dao để xin keo bằng hình thức sấp ngửa, xác tín cho sự có mặt của các thần cũng như các thần đã chấp nhận lòng thành và lễ vật của người dân hay chưa. Già làng sẽ gọi mời các vị thần ảnh hưởng đến cuộc sống du canh du cư, thổ thần đất đai và những người dân bản đã khuất cũng về chứng giám và thụ hưởng lễ vật.

Nỗ lực khôi phục giá trị văn hóa dân gian

Theo ông Mai Xuân Thành, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình cho biết: Lễ cúng Giang sơn của người Rục là một hoạt động văn hóa, thể hiện ý thức tôn trọng, lòng biết ơn thần linh, trời đất, tổ tiên và hướng về nguồn cội. Đây cũng là dịp để thắt chặt mối đoàn kết, tăng cường tình làng nghĩa xóm, tương trợ lẫn nhau. Lễ cúng Giang Sơn còn là nét đẹp trong bảo vệ tài nguyên môi trường, khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng, sống hòa hợp với thiên nhiên.

Bảo tồn văn hoá phi vật thể của đồng bào Rục - Ảnh 3.

Đồng bào Rục (dân tộc Chứt) tham quan tìm hiểu văn hoá tương đồng tại Hà Tĩnh

"Phục dựng, bảo tồn Lễ cúng Giang Sơn của đồng bào Rục nhằm nâng cao tinh thần đoàn kết trong cộng đồng và nhận thức của người dân trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Chứt. Đồng thời làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và du lịch ở địa phương"... ông Mai Xuân Thành cho hay

Ông Đinh Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Minh Hóa (Quảng Bình) chia sẻ: Thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã đồng ý cho Công ty TNHH Oxalis Holiday thực hiện việc khai thác thử nghiệm sản phẩm du lịch "Trải nghiệm thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa". Đây chính là cơ hội để giúp đồng bào Rục phát triển kinh tế, xã hội và du lịch ở địa phương… Vì vậy, UBND huyện Minh Hóa cũng đã có một số giải pháp nhằm phối hợp cùng các cơ quan quản lý văn hóa với sự quan tâm và vai trò định hướng, tạo dựng nguồn lực xã hội trong bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Rục.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa; giữ gìn và phát huy những đặc trưng tốt đẹp về văn hóa của người Chứt trên địa bàn huyện. Quan tâm công tác quản lý nhà nước về công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích-lịch sử đã được xếp hạng; khôi phục, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một; gắn phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch.

Hiện nay, được sự hỗ trợ của Dự án 6 "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch", chúng tôi đã đề xuất các cấp nghiên cứu và phục dựng lại nguyên trạng những lễ hội, tín ngưỡng dân gian của đồng bào Rục như lễ cúng Giang Sơn… nhằm phục vụ du khách có thêm những góc nhìn về văn hóa của đồng bào Rục nói riêng và dân tộc Chứt nói chung…

Để bảo tồn, phát huy, khai thác có hiệu quả những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào Rục, chúng tôi mong muốn được cộng đồng chung tay đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia trùng tu, tôn tạo di tích, hiến tặng hiện vật, tổ chức các hoạt động truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể; hỗ trợ, tôn vinh những tổ chức, cá nhân, nghệ nhân trao truyền bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Tham mưu và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ để các nghệ nhân có cơ hội và điều kiện giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm.

Vĩnh Quý

NỔI BẬT TRANG CHỦ