• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quảng Bình: Phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch

Văn hoá 30/11/2023 10:17

(Tổ Quốc) - Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch bền vững, Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Quảng Bình đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người…

Tỉnh Quảng Bình có hai dân tộc thiểu số (DTTS) là: Dân tộc Bru-Vân Kiều (thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-khmer gồm 4 tộc người: Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì) và dân tộc Chứt (thuộc nhóm ngôn ngữ Việt-Mường gồm 5 tộc người: Sách, Mày, Rục, A Rem, Mã Liềng). Các dân tộc thiểu số còn lại với số dân không nhiều và địa bàn cư trú của các dân tộc thiểu số ở Quảng Bình thuộc các xã vùng sâu, vùng cao của huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa và Minh Hoá.

"Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" là một chủ trương lớn nhằm góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Việc có thể tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình này Cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là người dân, đối tượng thụ hưởng chương trình chính là yếu tố then chốt để quyết định sự thành công, hiệu quả của chương góp phần phát triển du lịch bền vững ở Quảng Bình.

Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số ngành Văn hóa Thể thao tỉnh Quảng Bình đã có nhiều hoạt động triển khai đồng bộ trong đó chú trọng việc xây dựng các tủ sách cộng đồng; Xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian cho đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều, hỗ trợ trang thiết bị văn hóa cho các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số … Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể, xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian cho đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều và đồng bào khác tại các bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Quảng Bình: Phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch - Ảnh 2.

Không gian văn hóa các dân tộc ở Quảng Bình được trưng bày phục vụ du khách tham quan

Với những hoạt động này, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có những thay đổi rõ rệt khi nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng và tạo nên những sản phẩm du lịch khá hấp dẫn.

Một số mô hình phát triển du lịch đã hình thành và được các công ty tổ chức hoạt động khá hiệu quả, như mô hình: Khám phá hang động thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Bru-Vân Kiều, Khám phá Khe Nước Trong, suối Tiên và chinh phục Thác Cổng Trời - Bãi Đạn (Công ty TNHH Netin khai thác); Trải nghiệm thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Rục ở xã Thượng Hóa (Công ty TNHH Oxalis Holiday thực hiện việc khai thác thử nghiệm); khám phá thiên nhiên Hóa Sơn-hang Rục Mòn (Công ty TNHH TMDV Đất xanh Phong Nha - Green Land Travel khai thác); Dự án du lịch suối nước nóng Bang Onsen Quảng Bình (Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh)….

Ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty TNHH Netin cho biết: Để phát triển bền vững du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phải dựa vào tài nguyên và cộng đồng. Ngoài tham gia vào hoạt động du lịch bằng cách cung cấp sản vật địa phương để chế biến và trình bày các món ăn, đồ thủ công, kỹ năng, thao tác sử dụng các vật dụng, thiết bị bảo hộ khi du lịch khám phá mạo hiểm, hỗ trợ khuân vác cho du khách... thì việc trình diễn các ca khúc bằng tiếng dân tộc, các trang phục, nhạc cụ, lễ hội truyền thống… sẽ góp phần đa dạng các sản phẩm du lịch và tăng tính hấp dẫn, khám phá cho các du khách".

Quảng Bình: Phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch - Ảnh 3.

Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình trao giấy chứng nhận hoàn thành lớp tập huấn cho các nghệ nhân văn hóa dân gian

Ông Mai Xuân Thành, Phó giám đốc Sở Văn Hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình chia sẻ: Để bảo tồn và phát huy được giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch trước hết cần sự chia sẻ trách nhiệm của các cấp các ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ. Đưa mục tiêu, nhiệm vụ công tác bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH truyền thống và nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số vào Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó cần phải đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm giới thiệu quảng bá hình ảnh các loại hình DSVH truyền thống tiêu biểu; các nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số và các hoạt động lưu truyền văn hóa truyền thống. Xây dựng cơ chế chính sách, huy động nguồn lực phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH đồng bào dân tộc thiểu số.

Tỉnh Quảng Bình đã có những chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân người dân tộc thiểu số đã có công lao trong việc gìn giữ, bảo tồn được các giá trị DSVH truyền thống của dân tộc mình. Có cơ chế động viên, khen thưởng hợp lý cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVH, nghệ thuật của đồng bào DTTS. Chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức phụ trách lĩnh vực văn hóa của địa phương đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị DSVH truyền thống của đồng bào DTTS tại các địa phương.

Vĩnh Quý

NỔI BẬT TRANG CHỦ