(Tổ Quốc) - Hoà chung trong ngày hội văn hoá các dân tộc miền Trung lần thứ IV - năm 2023, tỉnh Quảng Bình đã giới thiệu cùng các tỉnh bạn cái nhìn tổng quan nhất về không gian văn hóa hai dân tộc thiểu số Bru - Vân Kiều, Chứt thông qua triển lãm tại quảng trường Nguyễn Tất Thành (Quy Nhơn – Bình Định)…
- 29.08.2023 Hơn 1.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên sẽ tham gia Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV
- 25.08.2023 Sôi nổi các hoạt động tại Ngày hội văn hoá thiếu nhi các dân tộc khu vực miền Trung
- 17.08.2023 Khai mạc Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch các huyện miền núi Quảng Nam lần thứ XX
- 20.04.2023 Đa sắc màu văn hoá trong ngày hội văn hoá các dân tộc của học sinh Quảng Trị
Triển lãm mang đến Ngày hội cái nhìn tổng quan nhất về không gian văn hóa hai dân tộc thiểu số Bru - Vân Kiều, Chứt với lịch sử hình thành tộc người hai dân tộc thiểu số Bru Vân Kiều (bao gồm 4 tộc người Vân Kiều, Trì, Khùa, Ma Coong); Chứt (có 5 tộc người Sách, Mày, Rục, Arem, Mã Liềng).
Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV - năm 2023 với chủ đề "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc miền Trung - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển" do Bộ VH-TT&DL phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức, có sự tham gia của hơn 1.000 nghệ nhân, diễn viên, VĐV đến từ 11 tỉnh miền Trung, gồm: Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Các lễ hội truyền thống của người Bru - Vân Kiều, trong đó có Lễ hội đập trống của người Ma Coong, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch; Lễ hội Trỉa lúa của người Bru - Kiều, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh; Lễ hội mừng cơm mới của người Bru – Vân Kiều tại xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Nhà ở truyền thống của người Bru - Vân Kiều, Chứt. Trang phục truyền thống của người Bru - Vân Kiều; tấm chăn làm bằng vỏ cây Sui mà người Chứt đã sử dụng trong những thời điểm khó khăn, khắc nghiệt. Ngoài ra còn có bộ sưu tập trang sức truyền thống vòng tay, vòng cườm, vòng kiềng, khuyên tai của người Bru - Vân Kiều.
Nhiều người dân và du khách đến tham quan triển lãm đã chú ý đến sính lễ của nhà nam mang đến nhà nữ trong đám cưới truyền thống của người Bru Vân - Vân Kiều trong đó có thỏi bạc nén sáng loáng và trị giá (tượng trưng cho sự no đủ). Hay bộ sưu tập dụng cụ dùng trong hoạt động sản xuất và đồ dùng sinh hoạt của người Bru - Vân Kiều; Chứt (mâm, gùi, ống đựng dao đi rừng, ná, mũi tên, cối, chày, đó đơm cá, oi, nỏ bắn cá, bẫy chuột, bẫy chim...). Hay bộ sưu tập nhạc cụ của người Bru - Vân Kiều (Cồng, chiêng, sáo Pi, đàn tính tùng, khèn bè, khèn Khsui…)
Có thể khẳng định rằng, trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, dải đất miền Trung được xem là nơi hội tụ, chuyển tiếp và kết tinh nhiều giá trị văn hóa. Cộng đồng các dân tộc miền Trung đã góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu với bề dày hơn 2.000 năm, tiêu biểu là nền văn hóa Sa Huỳnh và nền văn minh Chăm Pa.
Quá trình đấu tranh sinh tồn, cải tạo thiên nhiên, lao động, sản xuất và sinh hoạt hàng ngày đã hình thành nên kho tàng văn hóa phong phú. Nơi đây sở hữu giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa đồ sộ với 5 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 6 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, 37 di tích quốc gia đặc biệt, 49 bảo vật quốc gia, 691 di tích quốc gia, 176 di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Khu vực miền Trung là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái, Mường, Bru-Vân Kiều, Cơ Tu, Bana, Gia Rai, Giẻ Triêng, Co, Xơ Đăng, Mnông, Chăm và nhiều tộc người khác, gắn liền với quá trình khai thiên lập địa, thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa con người với thiên nhiên, ước mơ cũng như khát vọng của con người về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.