Đa sắc màu văn hoá trong ngày hội văn hoá các dân tộc của học sinh Quảng Trị
(Tổ Quốc) - Với học sinh khối trường Phổ thông Dân tộc nội trú – bán trú của tỉnh Quảng Trị, ngày hội Văn hoá các dân tộc Việt Nam là một sân chơi bổ ích, ý nghĩa. Đó cũng chính là sự giao thoa, kết nối văn hoá của người dân tộc Pa Kô, Bru - Vân Kiều sinh sống ở khu vực miền núi phía tây tỉnh Quảng Trị…
Cứ 2 năm một lần, ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Trị tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam khối các trường PTDTNT, PTDTBT với nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc... Những hoạt động của ngày hội đã góp phần không nhỏ trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc; ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam.
Ngày hội này nơi các em học sinh trình bày những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào thiểu số Vân Kiều, Pa Cô. Những trò chơi dân gian, những hoạt động giao lưu đó chính là sân chơi bổ ích, không khí sôi nổi, vui tươi, tạo sự giao tiếp, học hỏi văn hóa giữa đồng bào Pa Kô, Bru – Vân Kiều mà ở đó những hoạt động này góp phần rất lớn trong việc bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng tham gia các hoạt động tập thể và phát triển năng lực sáng tạo cho học sinh và giáo viên trong trường học.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành mối quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp phát triển văn hóa và con người Việt Nam, Người khẳng định: "Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi". Văn hóa cũng chính là hồn cốt của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử.
Tiến sĩ Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị chia sẻ: Thấm nhuần tư tưởng của Bác, những năm qua Đảng luôn khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Việc bảo tồn và phát huy bản sắc VHDT là nhiệm vụ chung của toàn xã hội trong đó giáo dục giữ vai trò quan trọng nhất.
Vì lẽ đó, giáo dục dân tộc nói chung, giáo dục văn hóa dân tộc nói riêng với mục tiêu hình thành, phát triển nhân cách, bồi dưỡng học sinh dân tộc thiểu số trở thành con người mới có tri thức văn hoá, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng dân tộc và miền núi là một trong những yêu cầu được Đảng, Nhà nước và ngành GDĐT quan tâm, đặt lên hàng đầu. Đây cũng là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các trường PTDTNT và PTDTBT.
Có thể nói, đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa của 54 dân tộc anh em trên cả nước.