• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo vệ bản quyền sách nói trên môi trường số

Văn hoá 13/11/2023 20:31

(Tổ Quốc) - Tại Việt Nam, sách nói là một hình thức cung cấp sản phẩm số xuất hiện thời gian gần đây trên môi trường mạng Internet thu hút sự quan tâm của độc giả, tuy nhiên, việc bảo vệ bản quyền sách nói cũng đang là yêu cầu cấp thiết đối với các chủ thể quyền bởi hành vi vi phạm bản quyền trong lĩnh vực này.

Giữ bản quyền là vấn đề nan giải

Voiz FM- ứng dụng nghe radio, sách nói bản quyền có tuổi đời 4 năm tại Việt Nam, với hàng nghìn đầu sách, tất cả đều có bản quyền từ các đơn vị xuất bản uy tín như: NXB Kim Đồng, NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, NXB Văn học, các Công ty sách Nhã Nam, Sài Gòn Books, Alpha Books… được phát hành trên ứng dụng này.

Chia sẻ về hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm sách nói trên Internet, đại diện Voiz FM cho hay, công ty đã đầu tư khá nhiều về tài chính, công sức… Tới nay, Voiz FM đã có hơn 2 triệu người dùng với hơn 2.000 nội dung âm thanh chất lượng cao.

Nhận định đây là một thị trường có nhiều tiềm năng, nhất là tại Việt Nam khi không nhiều công ty đầu tư vào lĩnh vực này, tuy nhiên đại diện Voiz FM cũng cho biết, việc bảo vệ bản quyền các sản phẩm của công ty gặp nhiều khó khăn. Các hành vi vi phạm bản quyền này gây thiệt hại trực tiếp cho các đơn vị xuất bản.

Chỉ ra các hình thức vi phạm bản quyền đối với loại hình sách nói trên Internet, đại diện Voiz FM cho rằng có thể tổng hợp thành 3 hình thức vi phạm bản quyền phổ biến như: sao chép, chia sẻ qua USB, đường link, đây là hình thức vi phạm bản quyền mang tính "truyền thống", vốn đã xuất hiện từ khá lâu trước sự bùng nổ của các ứng dụng và thói quen nghe sách nói như hiện nay. Những kẻ vi phạm sẽ sao chép các file sách nói vào các USB hoặc đăng tải lên các công cụ lưu trữ như Google drive, sau đó bán hoặc chia sẻ miễn phí với mục đích "vì cộng đồng".

Phổ biến nhất hiện nay là vi phạm bản quyền qua kênh YouTube sách nói, hoạt động công khai, chuyên nghiệp và có tổ chức. Các cá nhân hoặc tập thể thu âm các sách nói mà không xin phép tác giả hay đơn vị nắm giữ bản quyền, sau đó đăng tải lên các kênh sách nói trên YouTube. Với tính chất miễn phí, những kênh này dễ dàng thu hút tới hàng trăm nghìn lượt xem mỗi video, thu về nguồn lợi bất chính từ nguồn tiền quảng cáo của YouTube.

Một hình thức vi phạm bản quyền sách nói cũng tương đối phổ biến là đăng tải các file sách nói trên các website, theo đánh giá của Voiz FM thì tuy hình thức này không phổ biến như YouTube nhưng sẽ rất khó xử lý do các công ty xuất bản chưa tìm ra biện pháp để gỡ bỏ file các trường hợp này.

Theo Google Trend, Việt Nam là một số ít các quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet tìm kiếm sách nói cao hơn sách điện tử nên vi phạm bản quyền sách nói cũng tràn lan hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của sách giấy, sách điện tử lẫn sách nói, gây khó khăn về tài chính cho các công ty xuất bản khi không thể thu về doanh thu kỳ vọng, từ đó thiếu hụt nguồn vốn cũng như động lực để đầu tư cho các dự án tương lai.

Bên cạnh đó, đại diện Voiz FM cũng cho biết, việc xâm phạm bản quyền cũng gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước khi không thu được thuế từ các đối tượng vi phạm bản quyền, hay, gây thiệt hại cho văn hóa đọc trong nước khi độc giả không tôn trọng bản quyền, lựa chọn nghe nội dung sách miễn phí, việc này cũng sẽ khiến các đơn vị/nhà xuất bản quốc tế e ngại khi bán bản quyền, khiến chúng ta khó tiếp cận hơn với các đầu sách hay.

Đại diện đơn vị này cũng cho biết, Voiz FM hiện đang phải đối diện với nhiều khó khăn khi tình trạng vi phạm bản quyền xảy ra ngày càng tinh vi, với quy mô và mức độ ngày càng lớn. Voiz FM cho rằng, chính nguồn lợi khổng lồ từ doanh thu cũng như sự dễ dàng trong công nghệ đã khiến các kênh YouTube sách nói lậu hiện nay mọc lên như nấm sau mưa. Những kẻ này rất đầu tư cho kênh của họ khi thiết kế tên kênh, logo, các tham chiếu tới địa chỉ cũng như cài các từ khóa cho phù hợp với thuật toán của YouTube nhằm tạo hiệu quả cao nhất về lượt xem. Từ tháng 07/2020, đến nay một mình Voiz FM đã cho tháo gỡ hơn 30.000 nội dung vi phạm.

Một mặt, các biện pháp xử lý vẫn còn hạn chế, trên môi trường mạng Internet, nơi các nội dung được chia sẻ "miễn phí" còn những kẻ vi phạm lại thu lợi gián tiếp từ tiền quảng cáo, việc xác định thiệt hại xem ra rất khó khăn. Ngoài ra, với một môi trường ẩn danh như Internet, cũng rất khó khăn để xác định danh tính những kẻ vi phạm.

Thêm vào đó, do chỉ mới phát triển và bùng nổ tại Việt Nam trong khoảng 5 năm trở lại đây, sách nói vẫn còn là một khái niệm mới lạ với các đơn vị xuất bản sách giấy. Đến hiện tại, Voiz FM vẫn nhận được sự dè dặt về tính khả thi về doanh thu, hoặc tâm lý e ngại "sách nói sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của sách giấy". Tuy nhiên, chính tâm lý này sẽ tạo một khoảng trống thị trường, tạo điều kiện cho sách lậu nhảy vào để phục vụ nhu cầu của người nghe sách.

Bảo vệ bản quyền sách nói trên môi trường số  - Ảnh 1.

Sách nói vẫn còn là một khái niệm mới lạ với các đơn vị xuất bản sách giấy tại Việt Nam (ảnh minh họa Voiz FM)

Các biện pháp bảo vệ bản quyền tác giả

Thực trạng vi phạm bản quyền trên không gian mạng đang xảy ra ở quy mô rộng và khá phức tạp, đây là nhận định của đại diện Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTTDL - cơ quan bảo vệ quyền tác giả văn học nghệ thuật tại Việt Nam.

Việt Nam có hệ thống pháp lý bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan tương đối đầy đủ. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng được cho là theo sát với nhiều quốc gia phát triển trên thế giới.

Việt Nam tham gia các Điều ước, Hiệp ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan như: Công ước Berne, Geneva, Brussele, Rome, TRIPs, WPPT, Marrakesh… và có nghĩa vụ bảo hộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, các bản ghi âm, các cuộc biểu diễn trong môi trường kỹ thuật số có xuất xứ từ các nước thành viên tại lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học của công dân Việt Nam, các cuộc biểu diễn, bản ghi âm của các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam được bảo hộ tại các quốc gia thành viên của Hiệp ước.

Hệ thống pháp luật Việt Nam về quyền tác giả, quyền liên quan có Hiến pháp 2013, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022… Bộ Luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Hải quan, các luật có liên quan như: Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Quảng cáo… Dưới luật là các Nghị định mà gần đây nhất là Nghị định 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan…

Như vậy, để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan có các biện pháp dân sự, biện pháp hành chính hoặc cao hơn là biện pháp hình sự.

Tuy nhiên, đại diện Cục Bản quyền tác giả cũng nhấn mạnh, các chủ thể quyền tác giả có quyền áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền của mình như: áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm các quyền của mình. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm bản quyền của họ chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Chủ thể quyền cũng có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm các quyền của mình theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật khác có liên quan. Hoặc, chủ thể quyền cũng có quyền khởi kiện tại tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Thuỳ Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ