• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo vệ bản quyền trên không gian mạng

Văn hoá 26/09/2022 20:24

(Tổ Quốc) - Theo số liệu thống kê của US. Chamber, tỉ lệ người trưởng thành sở hữu điện thoại thông minh (smartphone) tăng nhanh trong những năm gần đây, năm 2021 khoảng gần 97% người trưởng thành sử dụng smartphone, thực tế này đặt ra các vấn đề về khai thác thông tin, vi phạm và xử lý xâm phạm bản quyền trên không gian mạng.

Tư duy phải theo kịp sự phát triển của mạng Internet

Môi trường mạng hiện nay có nhiều thông tin cả tích cực lẫn tiêu cực và chúng ta phải chấp nhận thực trạng này, loại bỏ các thông tin tiêu cực, gạn lọc các thông tin hữu ích, nguyên Bộ trưởng Bộ VHTT, Bộ TTTT Lê Doãn Hợp nêu ý kiến về thông tin trên mạng Internet hiện nay.

Với thực tiễn phát triển nội dung trên mạng Internet như hiện nay, để bảo vệ bản quyền trên môi trường mạng, TS. Lê Doãn Hợp cho rằng, nội dung về bản quyền và bảo vệ bản quyền là một nội dung rất nóng, rất cần nhưng lại rất khó. Tuy nhiên khó mấy chúng ta cũng làm được nếu có quyết tâm cao. Ông cũng cho rằng, mạng đang phát triển mà luật không theo kịp, nhận thức, tư duy không theo kịp thì cũng không nên nóng vội, cứ để tự phát triển, chúng ta xem xét rồi điều chỉnh dần. Trong quá trình phát triển này, lĩnh vực bản quyền cần theo dõi, bình tĩnh để chọn lựa và làm. Rất nhiều vấn đề cần quan tâm để hoàn chỉnh luật lệ, một đất nước văn minh là một đất nước có luật văn minh, TS. Lê Doãn Hợp đưa ra nhìn nhận và lấy ví dụ về nước Mỹ, một đất nước có hệ thống luật pháp thể hiện tính chuyên nghiệp cao.

Tôn trọng thực tiễn, quản lý để phát triển. Bám sát cuộc sống để quản lý theo kịp và quản lý dựa trên sự phát triển, trong quá trình đó có thể thêm bớt các nội dung quản lý phù hợp nhưng không kìm hãm sự phát triển. Việt Nam học thế giới để làm, cầu tiến, bình tĩnh để làm, làm không tốt trong bản quyền, không tôn trọng bản quyền nghĩa là xem nhẹ tri thức, TS. Lê Doãn Hợp gợi mở.

Nhấn mạnh con người là yếu tố quan trọng trong quá trình thực hiện, TS. Lê Doãn Hợp gợi ý, Cục Bản quyền tác giả có thể tìm kiếm các kỹ sư công nghệ giỏi để làm vấn đề bản quyền trên môi trường mạng thật tốt. Đạt được những yêu cầu này, lĩnh vực bản quyền sẽ có bước tiến lớn.

Bảo vệ bản quyền trên không gian mạng - Ảnh 1.

Youtube - Kênh thông tin được 1/3 dân số thế giới lựa chọn

Là một trong số những kênh nội dung có lượng người sử dụng lớn nhất trên thế giới hiện nay, chia sẻ về thông tin cơ bản về quản lý bản quyền của Youtube trên Internet, đại diện Youtube Việt Nam cho biết, mỗi ngày trên thế giới có hơn 1 tỷ giờ xem Youtube từ phía người dùng, mỗi tháng có 2 tỷ người dùng đăng nhập vào Youtube để xem các loại nội dung yêu thích, nghĩa là 1/3 dân số thế giới đang dùng Youtube cho các mục đích khác nhau như giải trí, học tập, kết nối, truyền cảm hứng… mỗi phút lại có 500 giờ nội dung tải lên Youtube. Với khối lượng nội dung như vậy đặt ra nhiều vấn đề về quản lý, xử lý bản quyền trên Internet.

Đặc biệt, Việt Nam là một quốc gia lớn trong hệ thống Youtube, có thời lượng xem Youtube lớn. Hiện tại 95% người sử dụng Internet tại Việt Nam đang sử dụng Youtube. Trong năm vừa qua, thời lượng xem Yotube trên ti-vi tăng 75%. Trên 45% thời gian xem các nội dung Youtube Việt Nam tới từ khán giả trên thế giới, đồng nghĩa với việc văn hóa Việt Nam đã đến được với nhiều người trên thế giới qua Internet.

Việt Nam hiện có trên 11.000 kênh Youtube đạt nút bạc (những kênh có trên 100.000 người đăng ký theo dõi kênh trở lên), số kênh đạt nút bạc đang tăng trưởng với mức 35%/năm, cho biết Việt Nam là một quốc gia tăng trưởng nhanh các nhà sáng tạo nội dung. Việt Nam cũng có trên 1.000 kênh Youtube đạt nút vàng (những kênh có trên 1 triệu người đăng ký theo dõi kênh trở lên) với mức tăng trưởng 30%/năm…

Với thực tế này đặt ra những vấn đề về quản lý và bảo vệ bản quyền đối với nội dung trên nền tảng Youtube. Đại diện Youtube Việt Nam cũng cho biết, với Youtube, trách nhiệm giúp người sở hữu bản quyền bảo vệ quyền tác giả của họ trên nền tảng Youtube là một trong những ưu tiên hàng đầu của Youtube; Youtube theo sát và tuân thủ các quy chế bảo vệ bản quyền; Youtube đã, đang và sẽ luôn không ngừng phát triển, hoàn thiện các công nghệ trên nền tảng Youtube để có thể theo sát các chính sách về bản quyền và bảo vệ quyền tác giả một cách tốt nhất.

Bảo vệ bản quyền trong môi trường Internet

Với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, cách mạng 4.0… vấn đề sáng tạo, khai thác không còn nằm ở những trang giấy mà đã được chuyển tải trên mạng Internet toàn cầu. Để bảo vệ bản quyền, Việt Nam rất chủ động trong việc tham gia các Hiệp ước bảo vệ bản quyền trên mạng Internet, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTTDL, Phạm Thị Kim Oanh chia sẻ.

Khi mạng phát triển, môi trường sáng tạo cũng khác, phương thức truyền tải cũng khác. Việc bảo đảm sáng tạo đã được tạo điều kiện thì việc khai thác sử dụng cũng có những thay đổi, việc khai thác sử dụng không còn là đọc trên giấy mà chúng ta có thể ngồi tại bất kỳ đâu cũng có thể truyền bá tác phẩm tới các quốc gia trên thế giới.

Bảo vệ bản quyền trên không gian mạng - Ảnh 2.

2 Hiệp ước WCT và WPPT có hiệu lực tại Việt Nam trong năm 2022

Trong quá trình này, để hội nhập với thế giới, Việt Nam đã xây dựng hồ sơ pháp lý để tham gia 2 Hiệp ước quốc tế WCT và WPPT. Với hành lang pháp lý phát triển như vậy, trong sân chơi chung Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Để đảm bảo việc bảo hộ trong nước cũng như trường quốc tế, các Hiệp ước này đã tạo điều kiện để tác giả đưa các tác phẩm trong nước tới thế giới.

Trước đó, Việt Nam đã là thành viên của các công ước, hiệp ước, điều ước quốc tế, trong đó có những công ước ra đời từ hơn 100 năm nay như Công ước Bern (1886), gần hơn là các Công ước Rome (1961), Geneva (1971), Brussels (1974), Hiệp định Trips (1994)…

Trong năm 2022, 2 Hiệp ước WCT và WPPT có hiệu lực tại Việt Nam (WCT- ngày 17/02/2022 và WPPT- ngày 01/7/2022), Việt Nam cũng đã đưa các nội dung liên quan trong 2 điều ước quốc tế này vào Luật mới và đã được cụ thể trong các điều khoản, quy định pháp luật.

Từ thực tiễn hội nhập quốc tế trên Internet, Phó Cục trưởng cho rằng, nếu không áp dụng công nghệ thì không quản lý được công nghệ, muốn quản lý thì phải hiểu thì mới làm được.

Để đảm bảo thực thi bảo vệ bản quyền về quyền tác giả, quyền liên quan, một số nội dung được Phó Cục trưởng đề cập thực hiện trong thời gian tới như, qua những bàn tay nối dài của Bộ VHTTDL (các Sở VHTTDL) các nội dung về bản quyền sẽ đến được với các địa phương, tác giả, công chúng… Với những nội dung trong môi trường số, trong thời gian tới cần hoàn thiện hành lang pháp lý để bảo vệ quyền của mình trong việc khai thác, sử dụng trước các hành vi xâm phạm.

Tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi Nghị định xử phạm vi hành chính, Nghị định về bản quyền, biểu giá, nhuận bút, thù lao… làm từng bước và đảm bảo thực thi được. Song song với đó, Cục Bản quyền tác giả sẽ tiến hành các hội nghị, hội thảo, tập huấn các mô hình khác nhau với những đối tượng khác nhau.

Bộ VHTTDL cũng sẽ phối hợp với các kênh thông tin trong việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức, để các nội dung tới được mọi người với những kế hoạch cụ thể. Phối hợp để quản lý thực thi và đẩy mạnh việc thanh tra kiểm tra, giải quyết, xử lý các khiếu nại, tranh chấp bảo vệ lợi ích các bên liên quan. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ quan, địa phương, bộ ngành trong công tác quản lý...

Phương Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ