(Tổ Quốc) - Theo báo cáo của Ban quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh gửi các cơ quan chức năng, kết quả kiểm nghiệm mẫu thịt gà thái miếng và mẫu xương gà ngày 15/3 của Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm Quốc gia cho thấy 2 loại mẫu này đạt các tiêu chí về ATTP.
Mẫu thực phẩm tại Trường Mầm non Thanh Khương được người dân phản ánh không đảm bảo vệ sinh.
Theo Ban quản lý ATTP Bắc Ninh, ngày 6/3, mẫu thịt gà của Trường Mầm nong Thanh Khương sau khi được niêm phong đã gửi tới Viện kiểm nghiệm ATTP Quốc gia tiến hành kiểm nghiệm theo đúng quy định.
Kết quả kiểm nghiệm mẫu thịt gà thái miếng và mẫu xương gà ngày 15/3 cuả Viện Kiểm nghiệm ATTP Quốc gia cho thấy 2 mẫu thực phẩm được tiến hành kiểm nghiệm đạt tiêu chí về ATTP.
Về mẫu thịt lợn do Công ty TNHH đầu tư tài chính Hương Thành cung cấp cho trường mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh), cơ quan chức năng Bắc Ninh hiện cũng đã có báo cáo ban đầu.
Theo đó, kết quả điều tra, truy suất nguồn gốc tại Công ty TNHH đầu tư tài chính Hương Thành ngày 14/2/2019 và ngày 20/2/2019 cho thấy, thịt lợn được lấy từ 2 cơ sở. Cụ thể là hộ kinh doanh Hoàng Thị Hải (thôn Văn Quan, xã Trí Hải, Thuận Thành, Bắc Ninh) và hộ kinh doanh Trần Văn Đát (địa chỉ: Khu Đồng Tháp Vàng, thôn Chân Tảo, xã Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội).
Được biết, cả hai này cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm.
Tại cơ sở của hộ Hộ kinh doanh Hoàng Thị Hải trong 2 ngày 14/3 và 20/3 số thịt lợn được mua từ hộ kinh doanh Phạm Thị Hạnh (địa chỉ: Thôn Tư Thế, xã Trí Quả, Thuận Thành, Bắc Ninh) đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATTP.
Đối với hộ kinh doanh Trần Văn Đát (địa chỉ: Khu Đồng Tháp Vàng, thôn Chân Tảo, xã Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội), Ban quản lý ATTP tỉnh đã có văn bản đề nghị Sở NN&PTNN Hà Nội, Chi cục quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản Hà Nội tiếp tục điều tra, truy suất nguồn gốc theo quy định.
Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc mẫu thịt lợn chỉ là giải pháp nhằm phòng ngừa nguồn cung lây lan nhiễm sán lợn. Vấn đề cơ bản mà theo như Công an tỉnh Bắc Ninh đã xác định đó là, đối với mẫu thịt lợn nghi nhiễm sán được người dân quay clip và phát tán trên mạng xã hội ngày 22/2/2019 sẽ không có cơ sở để xét nghiệm. Bởi, mẫu thịt lợn này không còn để cơ quan chức năng có thể tiến hành lấy mẫu xét nghiệm.