(Tổ Quốc) - Mặc dù cho đến thời điểm này, cơ quan có trách nhiệm vẫn chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân dẫn đến vụ việc, nhưng dư luận không thể không đặt câu hỏi về an toàn thực phẩm ngay tại bữa ăn bán trú của trẻ, đặc biệt là trẻ mầm non.
- 19.03.2019 Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh: "Sán gan lợn là bệnh chữa được người dân không nên hoang mang"
- 18.03.2019 Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an điều tra vụ nhiễm sán lợn tại Bắc Ninh
- 18.03.2019 Phụ huynh trẻ nghi nhiễm sán lợn: Thà bỏ công, bỏ việc cũng không cho con ăn trưa ở trường
- 18.03.2019 Chưa an tâm với kết quả, người dân Bắc Ninh tiếp tục đưa con đi xét nghiệm nhiễm sán lợn
- 18.03.2019 Số trẻ dương tính với sán lợn ở Bắc Ninh tiếp tục tăng
Vụ việc hàng nghìn trẻ mầm non ở Bắc Ninh được gia đình đưa về Hà Nội xét nghiệm sán lợn và trong số đó, bước đầu đã có hơn hai trăm trẻ dương tính với sán lợn đang trở thành vụ việc gây rúng động dư luận. Mặc dù cho đến thời điểm này, cơ quan có trách nhiệm vẫn chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân dẫn đến vụ việc, nhưng dư luận không thể không đặt câu hỏi về an toàn thực phẩm ngay tại bữa ăn bán trú của trẻ mầm non.
Theo phản ánh của phụ huynh có con học tại Trường Mầm non Thanh Khương (Bắc Ninh) vào ngày 14/2 và 20/2, những miếng thịt lợn nổi đầy hạch trắng, dấu hiệu giống như bị bệnh sán hạt gạo lẽ ra phải đem đi tiêu hủy, nhưng đã xuất hiện trong bếp ăn của trường. Một số phần thịt đã được nấu cho học sinh ăn.
Phụ huynh đưa con đi xét nghiệm tại Viện Sốt rét- Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương (ảnh kienthuc.net)
Những đứa trẻ mới chỉ 3, 4 tuổi nào đã biết đến thịt nhiễm bệnh, nào phân biệt được đồ ăn sạch với đồ ăn bẩn. Ở lứa tuổi này, đáng lẽ những đứa trẻ cần được gia đình, nhà trường và xã hội dành cho những gì tốt đẹp nhất để phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần. Cha mẹ, khi đưa con đi học ở lứa tuổi mầm non, là mong muốn nhà trường thay cha mẹ quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ các con. Có người cha, người mẹ nào nghĩ, nhà trường, mái ấm thứ hai của những đứa trẻ lại sẵn sàng đầu độc chúng bằng thực phẩm bẩn.
Cho trẻ ăn thực phẩm bẩn, không chỉ là hành vi gian dối mà là tội ác. Bởi hậu quả của hành vi này không chỉ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của các học sinh trong thời điểm sử dụng thực phẩm mà còn có nguy cơ gây hại đến sức khỏe về sau, ảnh hưởng đến tương lai của đất nước.
Nhưng đáng buồn thay, cho trẻ ăn thực phẩm bẩn không phải là chuyện hiếm thấy tại các trường học ở nước ta.
Tháng 3/2015, nhiều phụ huynh Trường tiểu học chuẩn quốc gia Long Bình (xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, Bình Dương) phát hiện 72 kg cá diêu hồng bốc mùi hôi thối, đầy ruồi nhặng cùng nhiều kg mỡ động vật, bì heo, hàng chục kg rau củ, quả đã hư hỏng, dập nát nên đã ngăn chặn và báo cơ quan chức năng. Số hàng này do Công ty Phú Nhật Hào (có trụ sở ở phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đem đến để chuẩn bị 650 suất ăn cho học sinh. Sau đó, ngày 9/4/2015, 16 học sinh trường tiểu học Võ Thị Sáu (thị xã Bến Cát, Bình Dương) phải nhập viện đồng loạt với triệu chứng đau bụng, nôn ói. Số học sinh này đã ăn suất ăn do Phú Nhật Hào nấu ăn.
Hồi tháng 9/2017, vụ việc xe chở rau củ vào trường Tiểu học Lý Nhân (xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) bị người dân chặn bắt ngoài cổng trường, phát hiện hàng loạt rau củ thối rữa. Theo đó, chiếc xe chở thực phẩm cung cấp cho trường tiểu học Lý Nhân có nhiều mớ rau muống đã úa vàng, bí xanh thối rữa chảy nước và bốc mùi. Vụ việc cũng từng gây xôn xao dư luận một thời gian dài.
Đó chỉ là một vài vụ việc được phát hiện. Không ai có thể khẳng định rằng, không có những vụ việc đưa thực phẩm bẩn vào trường học tương tự như vậy.
Cũng đã có những vụ việc, gây hậu quả nhãn tiền. Vụ nhiễm khuẩn sau khi ăn bánh ngọt ở trường Mầm non Xuân Nộn (Bắc Ninh) tháng 11/2018 đã khiến 200 trẻ mầm non và 3 giáo viên nhập viện. Cũng tháng 11/2018, 352 học sinh Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Ninh Bình) đã nhập viện vì ruốc gà chứa độc tố sau bữa ăn trưa tại trường với triệu chứng đau bụng, buồn nôn.
Nhiều vụ việc không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở trường học, đặc biệt là trường mầm non đã xảy ra. Nhưng giải pháp nào để hạn chế thì chưa bao giờ được thực hiện đồng bộ và rốt ráo. Một điểm chung của các vụ việc đưa thực phẩm bẩn vào trường học đều do phụ huynh phát hiện. Nghĩa là tuyệt nhiên, thiếu vắng sự giám sát, kiểm tra của các cơ quan có trách nhiệm.
Ở Trung Quốc, Bộ Giáo dục nước này có hẳn Thông tư về Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại trường học và hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm. Ngoài kiểm tra đột xuất của các cơ quan chức năng, kiểm tra nội bộ của các trường, Trung Quốc cũng đề nghị các trường học cho phép phụ huynh và các bên thứ ba tham gia các cuộc kiểm tra này, đồng thời đăng tải thông tin về nguồn cung cấp thực phẩm, cũng như quy trình mua thực phẩm. Nhiều trường ở Trung Quốc, các giáo viên ăn cùng thực phẩm của học sinh để chứng minh thực phẩm an toàn.
Vâng, cho đến thời điểm này, kết luận cuối cùng về nguyên nhân các trẻ mầm non nhiễm sán ở Bắc Ninh chưa được công bố. Nhưng dù kết quả có thế nào, thì việc bữa ăn của những đứa trẻ ở Trường mầm non Thanh Khương có sử dụng lợn gạo là sự thật không thể chối cãi.
Theo quy định của pháp luật hiện nay, mức xử phạt cao nhất đối với những trường hợp sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn số tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. Nhưng mức phạt có cao bao nhiêu cũng khó làm giảm sự căm phẫn của xã hội và tòa án lương tâm cũng sẽ không bao giờ tha thứ cho những kẻ đầu độc đồng loại./.
Bình luận