• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV: Tiêu chuẩn, chất lượng được đặt lên hàng đầu

Thời sự 02/03/2021 10:09

(Tổ Quốc) - Ông Hầu A Lềnh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chia sẻ với báo chí về việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và công tác giám sát của Mặt trận để đảm bảo tiêu chuẩn của các đại biểu.

Bầu cử ĐBQH khóa XV: Vấn đề tiêu chuẩn, chất lượng được đặt lên hàng đầu - Ảnh 1.

Ông Hầu A Lềnh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Đến thời điểm này, một số tỉnh, thành phố đã dự kiến về số lượng cụ thể những người tự ứng cử ĐBQH khóa XV. Ông có thể cho biết quy trình dành cho những người tự ứng cử?

Ông Hầu A Lềnh: Việc tự ứng cử ĐBQH đã có các quy định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 cũng đã nêu rất rõ là tất cả mọi công dân Việt Nam đủ điều kiện đều có quyền ứng cử.

Như vậy, các đại biểu tự ứng cử, viết đơn gửi đến Ủy ban bầu cử các cấp gồm đơn xin ứng cử, hồ sơ. Trên cơ sở đó, Ủy ban bầu cử sẽ xem xét và thống nhất với MTTQ để đưa ra các hội nghị hiệp thương thỏa thuận, thống nhất. Bắt đầu từ hiệp thương lần thứ hai trở đi, danh sách gồm những người được các cơ quan, đơn vị giới thiệu và những người tự ứng cử.

Đối với cán bộ, công nhân viên chức tự ứng cử trong bộ máy Nhà nước thì theo quy định phải được cơ quan, đơn vị quản lý xác nhận đồng ý thì cá nhân đó mới được nộp hồ sơ. 

Còn đối với ứng cử tự do bên ngoài thì đã có tiêu chuẩn được thông báo trên trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cá nhân căn cứ vào đó để làm đơn gửi đến Ủy ban bầu cử các cấp.

- Việc thẩm định hồ sơ đối với người tự ứng cử được thực hiện ra sao thưa ông?

Ông Hầu A Lềnh: Việc thẩm định hồ sơ đối với người tự ứng cử được thực hiện đồng thời với những người được các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử ĐBQH. 

Quy trình thẩm định về tiêu chuẩn, lý lịch hiện nay, những vấn đề liên quan đến pháp luật nếu có, những ý kiến phản ánh của nhân dân, những vấn đề cần phải làm rõ, xác minh... tất cả đều như nhau.

Thưa ông, với cơ cấu như hiện nay thì tỷ lệ dành cho người tự ứng cử có nhiều không?

Ông Hầu A Lềnh: Nghị quyết 1185 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự kiến tỷ lệ người ngoài Đảng ứng cử ĐBQH là từ 5 đến 10%. Bên cạnh đó có các cơ cấu kết hợp khác như cơ cấu nữ, cơ cấu tuổi trẻ, cơ cấu cán bộ nghiên cứu khoa học, trí thức.

Nếu tính trên tổng số 500 đại biểu được bầu thì có khoảng từ 25 đến 50 đại biểu tự ứng cử. Nếu đủ tối đa 10% thì số đại biểu tự ứng cử sẽ là 50 đại biểu

Hiện nay, sau hiệp thương lần thứ nhất cũng chưa đạt được con số 10% mà mới được hơn 7%. Nhưng đây mới là điều chỉnh lần một, sau Hội nghị hiệp thương lần hai có thể bổ sung điều chỉnh thêm nữa nhưng tỷ lệ phấn đấu là từ 5 đến 10%. Như vậy, vẫn rộng cửa để cho người tự ứng cử tham gia Quốc hội.

- Quốc hội khóa trước có trường hợp đại biểu vi phạm về quốc tịch, lần này Mặt trận sẽ tham gia giám sát vấn đề này như thế nào thưa ông?

Ông Hầu A Lềnh: Theo kế hoạch, Mặt trận sẽ tổ chức giám sát và thành lập các đoàn giám sát gồm có Đoàn giám sát do Hội đồng bầu cử quốc gia phân công và Đoàn giám sát riêng của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Bắt đầu từ 5/3, chúng tôi sẽ tiến hành giám sát đợt 1. Có rất nhiều nội dung giám sát, trong đó có giám sát về tiêu chuẩn của các đại biểu được giới thiệu gồm cả hồ sơ của người ứng cử ĐBQH và vấn đề quốc tịch.

Trong các đợt giám sát, tất cả các vấn đề liên quan đến người ứng cử ĐBQH đều được lưu ý, nhưng vấn đề quốc tịch sẽ được rút kinh nghiệm rất sâu sắc.

Những gì vướng mắc ở Quốc hội khóa trước chắc chắn phải lưu ý trong khóa này. Trong Thông tri hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đã rất rõ các nội dung của từng đợt giám sát là cần phải tập trung giám sát trọng tâm trọng điểm vào một số vấn đề.

- Việc vận động bầu cử làm như thế nào để gọi là lành mạnh hay không lành mạnh thưa ông? Chẳng hạn như các hoạt động từ thiện của các ứng cử viên thì được kiểm soát như thế nào?

Ông Hầu A Lềnh: Để tạo cơ hội cho các ứng cử viên trong vận động bầu cử, các cơ quan Nhà nước sẽ có trách nhiệm tổ chức các hội nghị để các đại biểu tiếp xúc cử tri nơi dự kiến được bầu. Còn những hoạt động khác cá nhân người ứng cử không báo cáo hoặc làm tự phát, nếu không đúng quy định pháp luật thì phải tự chịu trách nhiệm.

Tôi nghĩ rằng nếu vấn đề nào có trong quy định của Đảng, Nhà nước thì cấp ủy chính quyền địa phương phải có trách nhiệm ban hành, MTTQ cũng lưu ý việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị và các Nghị quyết hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Hội đồng bầu cử quốc gia và hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

- So với Quốc hội khóa XIV, lần này cơ cấu ĐBQH tăng số lượng ĐBQH chuyên trách, điều này cũng đặt ra yêu cầu phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn để các ĐBQH thực sự là những người có tâm, có tầm, chuyên sâu ở các lĩnh vực?

Ông Hầu A Lềnh: Để tăng được số ĐBQH hoạt động chuyên trách chúng ta đã tính toán để giảm một số cơ cấu các khối khác. Ví dụ như là khối hành pháp, khối Chính phủ, các cơ quan tư pháp, khối MTTQ cũng giảm 2 đại biểu so với khóa XIV. Đây là một việc làm cần thiết trong nhiệm kỳ này.

Chúng tôi thấy rằng như thế là rất phù hợp. Bởi vì các cơ quan hành pháp, cơ quan thực hiện các nghị quyết của Quốc hội thì cũng không nhất thiết là phải đầy đủ tất cả các bộ, ngành, các cơ quan của Chính phủ tham gia.

- Chỉ thị của Bộ Chính trị lần này đã chỉ rõ là “không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn” ĐBQH. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ động phối hợp với các cấp các ngành ra sao, trong việc triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị để đạt được mục tiêu này?

Ông Hầu A Lềnh: Chỉ đạo của Bộ Chính trị là thông suốt từ Đại hội Đảng cho đến bầu Quốc hội. Chúng ta quan tâm về cơ cấu thành phần, tuy nhiên, không phải vì cơ cấu mà chúng ta hạ thấp về mặt chất lượng. Cho nên vấn đề tiêu chuẩn, chất lượng được đặt lên hàng đầu. 

Lần này quy định rõ về tiêu chuẩn của ĐBQH và trên cơ sở tiêu chuẩn đó thì trong từng bước tại các hội nghị và các cơ quan, đơn vị đều được hướng dẫn việc lựa chọn các đại biểu đảm bảo về tiêu chuẩn và không có chuyện là các đại biểu không đủ tiêu chuẩn được giới thiệu.

MTTQ sẽ tiến hành việc giám sát quá trình giới thiệu các đại biểu ở các cơ quan, đơn vị, địa phương để đảm bảo tiêu chuẩn này. 

Chúng tôi tin rằng nếu các đại biểu được giới thiệu đáp ứng được tiêu chuẩn mà Bộ Chính trị đã quy định thì chắc chắn là chất lượng của Quốc hội khóa XV sẽ được nâng lên.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ