(Toquoc)- Nghệ nhân hát Xẩm Hà Thị Cầu đã trút hơi thở cuối cùng trưa ngày 3/3 trong căn nhà nhỏ của cụ tại Yên Mô, Ninh Bình.
(Toquoc)- Nghệ nhân hát Xẩm Hà Thị Cầu đã trút hơi thở cuối cùng trưa ngày 3/3 trong căn nhà nhỏ của cụ tại Yên Mô, Ninh Bình.
Lễ viếng bà Hà Thị Cầu được bắt đầu từ lúc 7g sáng ngày 4/3. Bà sẽ được an táng vào lúc 9g30 sáng 5/3 tại nghĩa trang Đầm Thuần (xã Yên Phong, Yên Mô, Ninh Bình).
Nghệ nhân Hà Thị Cầu (tên thật là Hà Thị Năm) sinh năm Mậu Thìn (1928) tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định trong một gia đình 3 đời hát xẩm. Cha mất sớm, bà cùng mẹ về sinh sống tại thôn Quảng Phúc, xã Yên Phong, huyện Yên Mô, Ninh Bình. Bà Hà Thị Cầu được coi là "báu vật sống" cuối cùng của nghệ thuật hát Xẩm Việt Nam. Cuộc đời bà đã gắn bó với nghệ thuật hát xẩm từ nhỏ và rong ruổi từ Bắc chí Nam để kiếm sống thực sự bằng những bài hát Xẩm.
"Báu vật nhân văn sống" của nghệ thuật hát xẩm đã không còn
Lên tám tuổi, bà đã đã bê chiếc thau đồng theo bố mẹ lê la khắp các chợ quê để hành nghề hát xẩm kiếm sống. Sống tại Yên Mô (Ninh Bình), hai mẹ con bà nương nhờ học hát tại nhà ông trùm xẩm Chánh Trương Mậu khi đó là trưởng 6 gánh hát ở Ninh Bình.
Sau đó, bà trở thành vợ của ông trùm xẩm Nguyễn Văn Mậu (biệt danh là Chánh Trương Mậu). Năm đó, ông Mậu 49 tuổi - từng chung sống với 17 người đàn bà, trong đó có 8 bà chính thức. Khi bà gần 40 tuổi thì ông Mậu qua đời, để lại cho bà 7 người con, 4 người lần lượt bị mất vì bệnh đậu mùa.
Trong sự nghiệp gắn bó với xẩm, bà đã nhận được bằng khen năm 1998 của Đài Tiếng nói Việt Nam và giải đặc biệt "Nghệ nhân hát chèo tỉnh Ninh Bình" trong Liên hoan trích đoạn tuồng chèo hay toàn quốc.
Bà được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian vào ngày 25/12/2004 và đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Năm 2008, Nghệ nhân Hà Thị Cầu đã nhận được giải thưởng Đào Tấn- giải thưởng dành cho những đóng góp trong việc gìn giữ vốn quý nghệ thuật dân tộc.
Mặc dù có những giải thưởng và danh hiệu cao quý, nhưng cuộc sống của bà vẫn nghèo khó. Gia đình bà Cầu thuộc diện những hộ dân nghèo nhất xã Yên Phong.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền luôn đau đáu với việc chăm lo cho các "Báu vật nhân văn sống", trong đó có mẹ nuôi Hà Thị Cầu. Anh kể: Mẹ là người sống chết với nghề hát Xẩm. Ở đâu mời là mẹ xách đàn xách túi đi. Có lần người ta mời mẹ đi hát mà không đưa xe tới đón, mẹ Cầu lặn lội bắt xe khách đi. Nhiệt huyết là vậy, đau đáu với nghệ thuật truyền thống là vậy, được công nhận Nghệ nhân dân gian, được gọi là “Báu vật nhân văn sống”, “Nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ XX” mà chỉ ước ao có cái thẻ bảo hiểm y tế, để nhỡ may có trái nắng trở trời, đi viện, đỡ phần nào cho con cháu.
Trước sự ra đi của “báu vật dân gian” Hà Thị Cầu, Nghệ sỹ nhân dân Xuân Hoạch không giấu niềm thương tiếc: “Cụ Hà Thị Cầu là một nghệ nhân lớn, là “báu vật” thực sự của bộ môn hát Xẩm. Sự ra đi của cụ là tổn thất lớn của bộ môn nghệ thuật hát Xẩm nói riêng và nghệ thuật dân gian nói chung. Bởi đáng tiếc là chưa có người tiếp nối được cụ”./.
Hoàng Hà