(Toquoc)-Lần đầu tiên danh hiệu nghệ nhân ưu tú được Nhà nước công nhận đã củng cố thêm niềm tin,tình yêu,sự gắn bó với di sản
(Toquoc)- Lần đầu tiên danh hiệu nghệ nhân ưu tú được Nhà nước công nhận đã đem lại niềm vui, củng cố thêm niềm tin, tình yêu, sự gắn bó với di sản của các báu vật nhân văn sống.
Một trong những thành tựu nổi bật của ngành văn hóa trong năm 2015 là lần đầu tiên Danh hiệu Nghệ nhân ưu tú được Nhà nước công nhận. Trong đợt đầu tiên này, có 617 nghệ nhân ở 56 tỉnh, thành được Hội đồng cấp Nhà nước thông qua hồ sơ. Đây là niềm vui và sự động viên lớn với các nghệ nhân bởi nhiều người đã chờ đợi cả đời về một danh hiệu chính thức của Nhà nước. Cùng với niềm vui, các nghệ nhân cũng còn những băn khoăn, trăn trở với việc hỗ trợ các nghệ nhân trong hành trình bảo tồn, gìn giữ và trao truyền di sản cho thế hệ mai sau.
Lần đầu tiên Danh hiệu Nghệ nhân ưu tú được Nhà nước công nhận
Vui và tự hào
Là địa phương đầu tiên trong cả nước thay mặt Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho các nghệ nhân, Hà Nội cũng là địa phương có nhiều nghệ nhân được công nhận nhất: 39 nghệ nhân.
Không thể tả được niềm vui của các nghệ nhân sau bao năm âm thầm gìn giữ di sản, lần đầu tiên, các nghệ nhận có được danh hiệu do Nhà nước công nhận. Bởi vậy, hầu hết các nghệ nhân, dù đều đã ở tuổi “cổ lai hy”vẫn trực tiếp đến dự lễ trao danh hiệu của Hà Nội. Rất nhiều nghệ nhân tuổi trên dưới 90 tuổi như nghệ nhân Ca trù Nguyễn Thị Khướu, Nguyễn Văn Mùi, Nguyễn Thị Vượn… rưng rưng khi nhận được Bằng công nhận Nghệ nhân ưu tú và Kỷ niệm chương.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Vây ở Thường Tín, Hà Nội rưng rưng khi được công nhận danh hiệu. Cụ cho biết: “Nay cụ đã 79 tuổi, biết hát Trống quân từ hồi 5 tuổi. Trước đây hát Trống quân là tập quán nhưng nay, người dân ngại, xấu hổ khi hát chỗ đông người. Còn cụ thì chả lúc nào ngại, sáng mở mắt dậy là hát, ra đồng hát, ngồi nhai trầu hát, tối lên giường cũng hát. Hát trống quân ngấm vào máu, vào lời ru con cháu... Nay nhân ngày Di sản, được lãnh đạo vinh danh Nghệ nhân ưu tú cụ mừng lắm”.
Hai chị em nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu (90 tuổi), Nguyễn Thị Vượn (88 tuổi)- CLB Ca trù Chanh Thông, Phú Xuyên, Hà Nội cũng không giấu được niềm vui. Cụ Vượn chia sẻ: “Được phong danh hiệu mừng lắm. Từ nhỏ đã mê và theo hát Ca trù, có nhiều năm Ca trù bị mai một, không được quan tâm phát triển nhưng Ca trù như ngấm vào máu rồi, không quên được. Đến khi được Nhà nước quan tâm, khôi phục nhiều CLB Ca trù, chúng tôi tham gia truyền dạy cho các cháu.
Nghệ nhân múa Bài bông Lương Tất Tố cũng vui mừng chia sẻ: “Gắn bó với di sản từ năm 1962, từ trước đến nay chỉ lặng lẽ làm, lặng lẽ cống hiến, truyền dạy cho các cháu nhỏ. Sau nhiều năm chờ đợi, hôm nay nhận được quyết định của Chủ tịch nước tôi thấy quá vui”.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh- Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian nhận định: “Việc công nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trên lĩnh vực di sản phi vật thể lần thứ I năm 2015 thật sự là điều đáng mừng. Đã có 617 nghệ nhân ưu tú do nhà nước phong tặng. Có thể nói đây là một bước tiến rạng rỡ đối với nghệ nhân. Nghệ nhân là những người lùi lũi ở những xóm làng chẳng ai biết đến họ cả nhưng họ lại đang giữ những gì còn lại của văn hóa dân gian. Nếu chúng ta không làm thì chúng ta sẽ mất luôn cả 2000 năm văn hóa, cho nên vai trò của người nghệ nhân rất lớn”.
Niềm vui chưa trọn vẹn
Tuy nhiên, niềm vui chưa trọn vẹn khi tất cả những nghệ nhân được phong tặng đợt này lại chỉ đạt danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, không ai được xét tặng “Nghệ nhân nhân dân”. Vấn đề cốt lõi của câu chuyện này là do những quy định về phong tặng danh hiệu vẫn chưa được hoàn thiện.
Nhiều nghệ nhân nổi tiếng tài hoa, nắm giữ hầu hết bài bản của di sản, song các cụ sẽ phải chờ nhiều năm để được phong tặng từ Nghệ nhân ưu tú lên danh hiệu Nghệ nhân nhân dân. Trong khi, có đến 70% số nghệ nhân đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, thậm chí có những người đã qua tuổi 100 như Nghệ nhân Nhã nhạc cung đình Huế- Lữ Hữu Thi, hay “đệ nhất danh cầm” cụ Nguyễn Phú Đẹ (đàn đáy), 92 tuổi, được phong tặng Nghệ nhân ưu tú - danh hiệu mà giới chuyên môn cho rằng chưa xứng với tầm vóc của cụ. Năm 2014, nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc từng được xem là cây đại thụ của Ca trù đất Bắc qua đời mà chưa kịp được Nhà nước phong tặng danh hiệu…
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên chia sẻ: “Cũng rất đáng tiếc, các nghệ nhân có tuổi đời, tuổi nghề rất cao, nhưng theo quy định của Luật phải đạt Nghệ nhân ưu tú mới được phong tặng Nghệ nhân nhân dân. Luật cũng không quy định các trường hợp được truy tặng, đặc cách nên Bộ VHTTDL chỉ có thể tham mưu, hỗ trợ về mặt đời sống chứ không thể đặc cách cá nhân nào thành Nghệ nhân nhân dân”.
Các cơ quan chức năng cần rốt ráo vào cuộc để những chính sách đãi ngộ với nghệ nhân dân gian sớm được triển khai
Cần hoàn thiện chính sách
Chính sách của Đảng, Nhà nước tạo điều kiện cho nghệ nhân (gồm cả Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân) có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp sinh hoạt hàng tháng. Song, với các nghệ nhân cao tuổi thuộc diện lao động tự do, thì những khoản bảo hiểm y tế hay bảo hiểm xã hội vẫn chưa được xem xét. Được phong tặng danh hiệu cấp nhà nước, nhưng ngoài giấy chứng nhận danh hiệu, huy hiệu, các nghệ nhân hầu như không nhận được những ưu đãi về vật chất, mà chỉ được hưởng một khoản tiền thưởng tượng trưng đi kèm.
Thống kê sơ bộ hiện cả nước có khoảng 75,3% nghệ nhân ở độ tuổi nghỉ hưu, 50% nghệ nhân thuộc dân tộc thiểu số, 60% nghệ nhân sinh sống gắn với nông nghiệp nên phần lớn không phải là đối tượng làm việc và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Dù được tôn vinh nhưng nhiều “báu vật nhân văn sống”ở tuổi “xưa nay hiếm”vẫn đang phải tiếp tục chật vật với cuộc mưu sinh. Vì vậy, ngoài việc phong tặng danh hiệu, việc thực hiện chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân là vấn đề vô cùng cần thiết.
Hai nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu và Nguyễn Thị Vượn cho biết: “Trước đây, mỗi buổi truyền dạy của hai cụ cho các học trò học Ca trù chỉ được trả 5.000 đ. Bằng tiền một mớ rau muống”. Tuy nhiên, hai cụ cũng cho biết, số tiền ấy mấy năm nay cũng đã không còn do nguồn tài trợ từ quỹ Ford đã hết.
Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam chia sẻ: “Được phong tặng danh hiệu cấp Nhà nước, ngoài giấy chứng nhận danh hiệu, huy hiệu, các nghệ nhân hầu như không nhận được những ưu đãi về vật chất mà chỉ được hưởng một khoản tiền thưởng tượng trưng đi kèm”.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần rốt ráo vào cuộc để những chính sách đãi ngộ với nghệ nhân dân gian sớm được triển khai. Có như vậy, các nghệ nhân mới yên tâm cống hiến, truyền dạy và lưu giữ các giá trị di sản văn hóa của dân tộc cho các thế hệ sau.
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên khẳng định: “Bộ VHTTDL sẽ báo cáo Chủ tịch nước những vấn đề như phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, có văn bản cụ thể về chính sách hỗ trợ nghệ nhân, trong khi chờ đợi thì sẽ có chính sách hỗ trợ, động viên các nghệ nhân kịp thời, cho xứng với những đóng góp của các nghệ nhân”.
Bài&ảnh: Hà An