• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bế mạc Trại viết Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật khóa VI

Văn hoá 01/04/2023 08:37

(Tổ Quốc) - Ngày 31/3, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức lễ bế mạc Trại viết Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật khóa VI dành cho các trại viên là hội viên các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc (từ Đà Nẵng trở ra)

Tham dự buổi lễ có các đại biểu, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; NSND Vương Duy Biên - Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; GS.TS Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Liên hiệp;... cùng sự có mặt của đông đảo trại viên là hội viên các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc (từ Đà Nẵng trở ra).

Trại viết Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Khóa VI được tổ chức từ ngày 26/3 đến 31/3/2023 tại Hà Nội. Đây là trại viết thứ sáu dành riêng cho lĩnh vực lý luận phê bình được Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tổ chức và cũng là trại viết có số lượng trại viên tham gia đông nhất từ trước đến nay.

Bế mạc Trại viết Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật khóa VI - Ảnh 1.

Trao chứng chỉ hoàn thành chương trình học tập Trại viết Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật khóa VI dành cho các trại viên

Trại viết đã thu về đủ 49 bài thu hoạch của các trại viên, các cây bút dự Trại viết phần lớn đều là những tác giả có quá trình tác nghiệp chuyên môn, đã nhận diện trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà bằng các loại tác phẩm sáng tác lẻ, bài viết trong đó có hơn 30 cây bút đã công bố mỗi người từ 1-9 tập sách.

Qua đó, đã cho thấy sự nghiêm túc, tự trọng và tinh thần trách nhiệm trong lao động miệt mài của các trại viên. Các bài viết đã thể hiện được năng lực và trình độ kiến thức, tay nghề của mỗi người hiện nay đang ở mức độ nào. Từ đó, trại viên nhận thức được cần nỗ lực sáng tạo trên cương vị của mình hơn nữa để có những tác phẩm góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn học nghệ thuật Việt Nam dân tộc, tiên tiến, khoa học và nhân văn. Đồng thời, các bài viết đã bộc lộ tinh thần tiếp tục nuôi dưỡng niềm khát vọng, niềm say mê cống hiến sáng tạo, gắn bó với nghiên cứu lý luận phê bình văn học nghệ thuật để hòa nhập với niềm hưng phấn của cả dân tộc trong xây dựng nước Việt Nam phát triển giàu mạnh, hạnh phúc, sánh vai cùng thế giới văn minh.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện - chủ nhiệm Trại viết cho biết: “Có thể nói Trại viết đã giúp học viên mở rộng kiến văn, tham khảo, suy nghĩ, tìm được tiếng nói chung liên kết 3 khâu của một tiến trình văn học nghệ thuật đó là sáng tác, lý luận phê bình và quảng bá, tiếp nhận công chúng. Ngoài ra, Trại viết đã bồi dưỡng, nâng cao kiến văn xung quanh một số vấn đề về Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật như: Quán triệt đường lối văn hóa - nghệ thuật của Đảng Cộng sản Việt Nam, thành quả lý luận thực tiễn có tính chất chỉ đạo, định hướng cho các hoạt động văn học nghệ thuật trước đây, cũng như trong bối cảnh hiện nay....”.

Bế mạc Trại viết Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật khóa VI - Ảnh 2.

Trao chứng chỉ hoàn thành chương trình học tập Trại viết Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật khóa VI dành cho các trại viên

Bên cạnh đó, bà Đặng Thị Thúy - Phó Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT Hải Phòng chia sẻ: “Việc duy trì, tổ chức đều đặn các trại viết hoặc các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tương tự có thể coi là một giải pháp tích cực và thiết thực để phát triển đội ngũ những người làm lý luận phê bình. Trại viết chính là nơi quy tụ, tạo sự gắn kết những cây bút có khả năng viết lý luận phê bình, là nơi động viên, khích lệ, tạo môi trường thuận lợi và động lực cho các tác giả, văn nghệ sĩ các tỉnh thành được gặp gỡ, trao đổi, giao lưu, hợp tác, được tiếp lửa để tiếp tục tìm tòi, sáng tạo. Từ đó, có thể nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ nghiên cứu, sáng tác, dần chuyên tâm, chuyên sâu và tiếp tục gắn bó với nghề. Chúng tôi mong muốn Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam sẽ tiếp tục, thường xuyên duy trì các Trại viết, lớp bồi dưỡng, tập huấn dành riêng cho mảng Lý luận phê bình với thời gian, hình thức, phương pháp tổ chức phù hợp tính đặc thù, đối tượng, lứa tuổi và điều kiện thực tế từng giai đoạn”

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện kỳ vọng, loại hình Trại viết Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật sẽ được tiếp tục duy trì đều đặn hằng năm để góp phần vào việc phát huy vai trò đóng góp của lĩnh vực Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật - một lĩnh vực của khoa học và nghệ thuật, luôn luôn là người bạn tin cậy và đồng hành với giới sáng tác, giữ một vị trí trung gian không thể thiếu giữa nghệ sĩ và công chúng. Đồng thời, giúp quảng bá giá trị của các tác phẩm văn học nghệ thuật đến với công chúng rộng rãi hơn nữa.

Bế mạc Trại viết Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật khóa VI - Ảnh 3.

Trao chứng chỉ hoàn thành chương trình học tập Trại viết Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật khóa VI dành cho các trại viên

Phát biểu tổng kết và bế mạc Trại viết, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh, những định hướng cuối cùng của Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật vẫn cần phải bám chắc và nhất quán vào những đường lối, chủ trương của Đảng về công tác văn hóa, văn học nghệ thuật và được thể hiện trong nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị và nếu quay ngược lại thì chúng ta thấy rõ ràng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật đã được Đảng, Nhà nước vạch ra những đường đi rất cơ bản và nhìn xa trông rộng ngay từ 80 năm trước từ Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời cho đến nay.

Qua Trại viết chúng ta đã nhận thấy được sự quan tâm của Đảng, Đoàn Liên hiệp cũng như của Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật đối với công tác lý luận phê bình cũng được đặt ngang tầm với công tác sáng tác, nhiệm vụ của Liên hiệp, đoàn kết, tập hợp đội ngũ tạo điều kiện để lực lượng văn nghệ sĩ hội viên sáng tác nghiên cứu và có được nhiều tác phẩm nhiều công trình trong các lĩnh vực./.

Thương Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ