(Toquoc)-Đã có 25 trường hợp tử vong do sởi, biến chứng của sởi.Dịch bệnh sởi đang có dấu hiệu giảm hơn so với đầu năm 2014.
(Toquoc)-Đã có 25 trường hợp tử vong do sởi, biến chứng của sởi.Dịch bệnh sởi đang có dấu hiệu giảm hơn so với đầu năm 2014.
25 trẻ tử vong do sởi
Theo PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, từ đầu năm 2014 đến nay ghi nhận 6.611 sốt phát ban trong đó có 2.492 trường hợp được chẩn đoán xác định mắc bệnh sởi (bao gồm các trường hợp xét nghiệm dương tính và xác định dịch tễ học).
Các trường hợp mắc bệnh rải rác tại nhiều tỉnh. Tuy nhiên, tại một số tỉnh ghi nhận ổ dịch sởi tập trung với quy mô nhỏ và vừa như Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Tuyên Quang, Hà Giang. Tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh không xuất hiện ổ dịch sởi tập trung lớn nhưng số mắc rải rác xảy ra trên diện rộng.
Đến cuối tháng 3/2014 có 25 trường hợp tử vong do sởi, biến chứng của sởi được báo cáo. Các trường hợp tử vong do viêm phổi liên quan đến sởi hoặc biến chứng viêm phổi sau mắc sởi.
Qua nghiên cứu của các chuyên gia y tế, hiện chưa phát hiện có sự biến đổi về gen và các týp vi rút sởi lưu hành tại Việt Nam, không có thay đổi về độc lực của các chủng vi rút sởi.
Điều trị cho trẻ mắc sởi tại Bệnh viện Bạch Mai (nguồn: internet)
Theo thống kê của cơ quan y tế, đa số bệnh nhân mắc sởi đều không được tiêm chủng hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng (87,6%). Chỉ có rất ít trẻ đã tiêm vắc xin đủ mũi bị mắc bệnh (4,2%). Tại nhiều tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao dịch xảy ra rải rác, điều này cho thấy việc tiêm vắc xin phòng bệnh sởi đã đạt được hiệu quả tốt tạo được nền miễn dịch cao trong cộng đồng.
Các trường hợp tử vong ở trẻ nhỏ mắc sởi phần lớn là do đồng nhiễm các vi rút khác hoặc có bệnh lý khác nhưng mắc thêm sởi, trong đó nguyên nhân tử vong chủ yếu là viêm phổi sau sởi liên quan đến giai đoạn chuyển mùa đông - xuân, khí hậu ở phía Bắc lạnh và ẩm các bệnh đường hô hấp phát triển mạnh trong khi đó nhiều bệnh viêm đường hô hấp cấp tính hoặc viêm phổi do vi rút, vi khuẩn hiện nay cũng không xác định được nguyên nhân, Bộ Y tế thông tin.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy bệnh viêm phổi là nguyên nhân cao nhất gây tử vong cho trẻ em dưới 5 tuổi với khoảng 1,1 triệu trẻ tử vong hàng năm.
Ông Phu cũng thông tin thêm, dịch bệnh xuất hiện năm nay là do tính chất chu kỳ dịch xuất hiện sau 4-5 năm kể từ vụ dịch 2009-2010. Nguyên nhân là do quá trình tích luỹ những trường hợp trẻ em không được tiêm chủng hoặc có được tiêm chủng nhưng không tạo được miễn dịch qua các năm và mắc bệnh. Điều này phù hợp với diễn biến dịch sởi trên thế giới và khu vực của các nước triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng vắc xin sởi cho trẻ em.
“Qua thống kê báo cáo, chúng tôi thấy các trường hợp mắc sởi năm nay vẫn thấp hơn so với số người mắc sởi năm 2009-2010”, ông Phu khẳng định.
Để ứng phó với dịch bệnh sởi, Bộ Y tế đã thành lập năm đoàn công tác kiểm tra công tác triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi do Bộ Y tế ban hành tại các địa phương.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành y tế triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch trong đó tập trung vào việc tăng cường giám sát để phát hiện, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch và tổ chức tiêm chủng phòng dịch đồng thời cũng đã có văn bản gửi Chính phủ đề nghị xuất máy thở từ nguồn dự trữ quốc gia cho bệnh viện, đồng thời cấp bổ sung kinh phí.
Theo Bộ Y tế, tại các tỉnh có ổ dịch tập trung như Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Hà Giang đều đã tổ chức tiêm vắc xin chống dịch cho các đối tượng có nguy cơ cao với tỷ lệ đạt 92,7%.
Cùng đó, bộ 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đồng loạt tổ chức thực hiện kế hoạch tiêm phòng chống dịch và tiêm vét vắc xin sởi với số đối tượng tiêm khoảng 710.000 trẻ. Các tỉnh sẽ tiếp tục triển khai và hoàn thành tiêm vét trong tháng 4/2014.
Bộ Y tế nhận định dịch bệnh sởi hiện đang có dấu hiệu giảm hơn so với đầu năm 2014, đặc biệt sau khi các tỉnh, thành phố triển khai tiêm vét vắc xin sởi và triển khai các biện pháp phòng chống. Dự kiến bệnh sởi sẽ được kiểm soát trong một vài tháng tới.
Vì sao chưa công bố dịch?
Trước câu hỏi của báo giới rằng tình hình dịch xảy ra như vậy song vì sao Bộ Y tế vẫn chưa công bố dịch, ông Phu lý giải: Ngay từ tháng 2/2014, các ca bệnh sởi đã ghi nhận tại một số địa phương của các tỉnh miền núi phía Bắc, Bộ Y tế đã thông báo và chỉ đạo các địa phương này triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Tuy vậy, việc khi nào công bố dịch sởi cần phải căn cứ vào tình hình dịch bệnh và thực hiện theo Quyết định 64/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thực tế, sau khi triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch nhất là việc triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi, các tỉnh đã đánh giá cơ bản khống chế được tình hình bệnh sởi, số trường hợp mắc đã bắt đầu giảm, đồng thời Bộ Y tế sau khi họp các chuyên gia cũng không thấy có sự biến đổi của vi rút sởi nên các tỉnh không công bố dịch.
“Nói như vậy, việc không công bố dịch sởi không có nghĩa là không cung cấp tình hình bệnh sởi đến người dân để áp dụng các biện pháp phòng chống. Thực tế Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố cũng đã thường xuyên thông báo tình hình bệnh sởi trên các Website và trên các đài báo, đồng thời đã triển khai rất nhiều hành động nhằm kiểm soát tốt bệnh sởi trong thời gian sớm nhất trên phạm vi toàn quốc. Bộ Y tế sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh để cung cấp thông tin cho người dân và triển khai các biện pháp phòng chống dịch”, ông Phu nói.
Theo PGS. TS. Trần Đắc Phu: Tiêm vắc xin sởi là biện pháp hiệu quả nhất phòng bệnh sởi. Phân tích theo nhóm tuổi thấy chủ yếu số trẻ mắc dưới 10 tuổi, trong đó trẻ dưới 9 tháng tuổi chiếm tỷ lệ thấp do miễn dịch của mẹ truyền cho con có thể bảo vệ trẻ trong vòng 9 tháng sau khi ra đời. Qua trao đổi với các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy việc tiêm vắc xin cho trẻ ở độ tuổi thấp hơn, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi hiệu lực bảo vệ thấp và không chắc chắn về tính an toàn của vắc xin đối với trẻ. Như vậy, việc tiêm phòng vắc xin sởi bắt đầu từ tháng thứ 9 là tốt nhất để bổ sung cho trẻ có miễn dịch tốt hơn sau khi miễn dịch bảo vệ của mẹ truyền cho con hết vào tháng thứ 9 sau khi ra đời.
“Thực tế hầu hết các nước trên thế giới áp dụng tiêm mũi vắc xin sởi đầu tiên trong khoảng 9 - 12 tháng tuổi”, ông Phu cho biết thêm.
M.Đức